Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu, giáo dục đang đối mặt với những thay đổi quan trọng trong cách thức giảng dạy và học tập. Việc áp dụng các công nghệ kĩ thuật số nhằm tối ưu hóa các hoạt động giáo dục đã mang lại những cơ hội mới để nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy, đồng thời đặt ra các thách thức đáng kể cho cả giáo viên và học sinh. Chuyển đổi số không chỉ giới hạn ở việc sử dụng công nghệ trong lớp học mà còn bao gồm các thay đổi sâu rộng về phương pháp sư phạm và phát triển kĩ năng số để thích ứng với môi trường học tập trực tuyến và tương tác số. Trước thực tế này, các nghiên cứu đã được tiến hành để đánh giá các tác động của chuyển đổi số trên nhiều khía cạnh như sức khỏe, tiềm năng của trò chơi điện tử trong đào tạo giáo viên, giảng dạy lập trình và tư duy tính toán và sự chênh lệch trong năng lực số giữa các khu vực. Mỗi khía cạnh đều mang đến những hiểu biết sâu sắc về thách thức và cơ hội trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Một trong những thách thức nổi bật của chuyển đổi số trong giáo dục là vấn đề sức khỏe. Khi học sinh phải tham gia các lớp học trực tuyến liên tục, nhiều em gặp phải tình trạng “mệt mỏi khi học trực tuyến” dẫn đến giảm động lực học tập và khả năng tương tác trong lớp học. Sự mệt mỏi này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu kiến thức mà còn gây căng thẳng tinh thần và làm giảm sự gắn kết của học sinh với nội dung học. Việc tổ chức lại các trải nghiệm học tập trực tuyến sao cho hợp lí với những khoảng nghỉ phù hợp giữa các buổi học, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực là rất cần thiết. Việc tổ chức các lớp học trực tuyến một cách khoa học, cân bằng thời gian giữa học và nghỉ ngơi có thể giúp học sinh duy trì sự tập trung và sức khỏe tinh thần trong quá trình học.
Trong bối cảnh giáo viên ngày nay cần đáp ứng yêu cầu giảng dạy hiện đại, các trò chơi điện tử đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc phát triển các kĩ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sáng tạo của giáo viên tương lai. Trò chơi điện tử không chỉ giúp cải thiện khả năng xử lí tình huống mà còn tạo ra môi trường học tập tương tác, nơi các giáo viên tương lai có thể thực hành và phát triển các kĩ năng mới trong bối cảnh mô phỏng thực tế. Điều này giúp giáo viên tương lai sẵn sàng đối mặt với những thử thách thực tế trong lớp học và tăng cường khả năng thích ứng với các tình huống phát sinh. Qua các trò chơi điện tử, giáo viên có thể nắm bắt nhanh các phương pháp giảng dạy mới, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh.
Nhiều quốc gia đã tích hợp lập trình và tư duy tính toán vào chương trình giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh các kĩ năng cần thiết để thành công trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy sự chênh lệch lớn trong việc triển khai những chương trình này ở các quốc gia khác nhau. Một số quốc gia đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phổ cập tư duy tính toán và kĩ năng lập trình cho học sinh, nhưng ở nhiều khu vực khác, đặc biệt là những nơi có điều kiện kinh tế kém phát triển hơn, việc triển khai này vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính bao gồm sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng công nghệ và sự khan hiếm giáo viên có kĩ năng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư không chỉ vào chương trình giảng dạy mà còn vào cơ sở vật chất và đào tạo giáo viên, nhằm đảm bảo mọi học sinh đều có cơ hội phát triển kĩ năng số cần thiết.
Ngoài ra, một trong những vấn đề nổi bật khác là sự khác biệt về năng lực số giữa các khu vực. Nghiên cứu so sánh năng lực số của sinh viên ở Bỉ và Romania cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa hai khu vực này, phản ánh sự không đồng đều trong khả năng tiếp cận công nghệ và tài nguyên học tập số. Sự chênh lệch này gợi mở nhu cầu cần thiết về các chính sách giáo dục linh hoạt và phù hợp nhằm thu hẹp khoảng cách kĩ năng số giữa các vùng miền và các quốc gia, đảm bảo rằng sinh viên ở mọi nơi đều có cơ hội tiếp cận công bằng với công nghệ và kĩ năng số cần thiết. Để giải quyết tình trạng này, các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện nhằm cung cấp tài nguyên và cơ sở hạ tầng giáo dục số, từ đó giúp sinh viên ở các khu vực khó khăn có điều kiện học tập và phát triển kĩ năng số một cách công bằng hơn.
Tóm lại, các nghiên cứu đã làm nổi bật cả những lợi ích và thách thức của chuyển đổi số trong giáo dục, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao năng lực số cho cả giáo viên và học sinh nhằm đạt hiệu quả tối ưu trong môi trường học tập trực tuyến. Chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là áp dụng công nghệ mà còn bao hàm việc đầu tư vào kĩ năng sư phạm số hóa và các phương pháp giảng dạy hiện đại. Để đạt được những mục tiêu này, sự hợp tác giữa các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách là vô cùng quan trọng nhằm xây dựng các chương trình đào tạo linh hoạt và hỗ trợ công nghệ cho cả giáo viên và học sinh. Các kết quả nghiên cứu đã gợi mở những hướng đi và cơ hội trong thời đại số hóa, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về chính sách, đảm bảo rằng thế hệ học sinh và giáo viên có thể sẵn sàng đối mặt với các thách thức và nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Palacios-Rodríguez, A., Llorente-Cejudo, C., & Cabero-Almenara, J. (2023, September). Educational digital transformation: new technological challenges for competence development. In Frontiers in Education (Vol. 8, p. 1267939). Frontiers Media SA.