Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, chất lượng của hệ thống giáo dục phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là tại các trường tiểu học, nơi giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền tảng tri thức và phát triển kĩ năng cơ bản cho học sinh. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người định hình nhân cách và kĩ năng xã hội cho các em. Tại Indonesia, giáo dục được coi là yếu tố then chốt cho sự phát triển quốc gia, và tính chuyên nghiệp của giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Để đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển bền vững, giáo viên cần có kiến thức chuyên môn vững vàng, kĩ năng sư phạm tốt và thái độ tích cực trong công việc.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển chuyên môn, Thành phố Binjai, Indonesia đã triển khai các chương trình quản lí chất lượng trong giáo dục, nhằm nâng cao năng lực của giáo viên và cải thiện chất lượng giảng dạy. Những chương trình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, giúp giáo viên áp dụng các công nghệ hiện đại và xây dựng kĩ năng sư phạm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc thành lập các tổ chuyên môn là một trong những sáng kiến nổi bật, giúp giáo viên có cơ hội chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, đồng thời nâng cao năng lực thông qua các hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau.
Kết quả nghiên cứu cho thấy giáo viên tại các trường công lập ở Thành phố Binjai, Indonesia có năng lực giảng dạy đạt yêu cầu và thể hiện sự chuyên nghiệp trong công tác giảng dạy. Tại các trường, giáo viên tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ chuyên môn, nơi họ có thể trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến. Việc thường xuyên tham gia vào các hoạt động này giúp giáo viên cải thiện năng lực chuyên môn, tăng cường kĩ năng giảng dạy và áp dụng hiệu quả các phương pháp sư phạm mới. Sự chuyên nghiệp này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy học mà còn tạo ra các phương pháp học tập hiệu quả, giúp học sinh tích cực tham gia vào quá trình học tập và phát triển toàn diện.
Việc ứng dụng các phương pháp mới trong dạy học cho thấy sự thay đổi tích cực trong cách thức giảng dạy tại Binjai. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, giáo viên đã triển khai các phương pháp giảng dạy đổi mới như học tập hợp tác và học tập dựa trên công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Học tập hợp tác giúp học sinh làm việc nhóm, trao đổi ý tưởng và học hỏi lẫn nhau, trong khi học tập dựa trên công nghệ cho phép học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ trong lớp học giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với các phương tiện giảng dạy hiện đại, từ đó nâng cao hiệu quả tiếp thu kiến thức và kĩ năng. Những phương pháp này không chỉ giúp học sinh phát triển kĩ năng tư duy phản biện, sáng tạo mà còn khuyến khích các em phát triển kĩ năng giao tiếp và hợp tác nhóm - những kĩ năng cần thiết cho xã hội hiện đại.
Tuy nhiên, việc phát triển chuyên môn của giáo viên tại các trường học vẫn đối mặt với một số thách thức và hạn chế. Một trong những trở ngại lớn nhất là khả năng tham gia vào các chương trình đào tạo, đặc biệt là các khóa học trực tuyến và ngoại tuyến. Mặc dù giáo viên đã có kiến thức và kĩ năng cơ bản nhưng khả năng áp dụng công nghệ vào giảng dạy vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc khai thác chưa tối đa các phương tiện hỗ trợ hiện đại trong lớp học. Để cải thiện điều này, các cơ quan quản lí giáo dục cần có thêm những biện pháp hỗ trợ giáo viên, giúp họ tiếp cận nhiều hơn với các chương trình đào tạo kĩ năng công nghệ và các phương pháp sư phạm hiện đại. Việc này sẽ tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao khả năng chuyên môn và hiệu quả giảng dạy trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn của giáo viên cũng có mối quan hệ mật thiết với chất lượng giáo dục. Quản lí chất lượng trong phát triển chuyên môn của giáo viên không chỉ hỗ trợ nâng cao trình độ giảng dạy mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống giáo dục bền vững. Các giáo viên đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và không ngừng phát triển chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, để đạt được tiềm năng tối đa, họ vẫn cần có thêm sự hỗ trợ từ các chương trình đào tạo nâng cao phù hợp, cũng như được trang bị tốt hơn về kĩ năng công nghệ và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Việc tiếp tục phát triển các chương trình quản lí chất lượng trong giáo dục và tăng cường đào tạo giáo viên về các phương pháp giảng dạy hiện đại và công nghệ sẽ là bước đi cần thiết để đảm bảo rằng hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ và giáo dục hiện đại, các giáo viên cần được hỗ trợ để trở thành những người dẫn dắt hiệu quả, giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển kĩ năng cần thiết để thành công trong tương lai.
Trước yêu cầu đổi mới và số hóa trong giáo dục hiện nay, giáo dục Việt Nam cũng đang chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập hợp tác, học tập tích hợp công nghệ là những xu hướng để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học sinh. Tương tự Indonesia, giáo viên Việt Nam cần được hỗ trợ nhiều hơn về đào tạo chuyên môn, đặc biệt là kĩ năng công nghệ, để tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy và tạo ra môi trường học tập tích cực, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội hiện đại.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Isa, M., Neliwati, N., & Hadijaya, Y. (2024). Quality Improvement Management in Teacher Professional Development. Munaddhomah: Jurnal Manajemen Pendidikan Islam, 5(2), 136-147.