Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với nền giáo dục dựa trên thi cử, tiêu biểu là kỳ thi Gaokao - một trong những kỳ thi được đánh giá “khốc liệt” nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hệ thống này không tránh khỏi những hạn chế khi chỉ tập trung vào thành tích, bỏ qua các khía cạnh phát triển toàn diện của học sinh. Nhằm giải quyết thách thức trên, một chương trình đào tạo giáo viên xuyên văn hóa đã được triển khai, đưa phương pháp giáo dục lấy học sinh làm trung tâm (LCE) vào các trường học địa phương.
Tại Trung Quốc, việc cân bằng giữa cải tiến sư phạm theo hướng giáo dục lấy học sinh làm trung tâm (LCE) và đảm bảo kết quả thi cử luôn là thách thức lớn đối với giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Áp lực từ phụ huynh và xã hội thường khiến giáo viên do dự trong việc thử nghiệm các phương pháp mới, đặc biệt khi những thay đổi đó có nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích học sinh. Tuy nhiên, nghiên cứu của Wang và McLaughlin (2024) đã chứng minh rằng LCE không phải là đối trọng của giáo dục dựa trên thành tích, mà ngược lại, có thể bổ trợ hiệu quả. Phương pháp này không chỉ thúc đẩy tư duy phản biện mà còn nâng cao năng lực học tập - những kỹ năng thiết yếu trong các kỳ thi hiện đại.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong số các trường tham gia, hai trường (một ở đô thị và một ở nông thôn) đã thành công trong việc dung hòa giữa LCE và áp lực thi cử. Thành công này nhờ ba yếu tố quan trọng. Thứ nhất, định hướng mục tiêu rõ ràng giúp xác định rằng LCE không chỉ cải thiện tư duy mà còn hỗ trợ trực tiếp vào thành tích thi cử. Tại trường học ở nông thôn, LCE còn được sử dụng để bù đắp thiếu hụt sự hỗ trợ từ gia đình, giúp học sinh phát triển kỹ năng tự học hiệu quả hơn. Thứ hai, sự hỗ trợ từ lãnh đạo nhà trường đóng vai trò then chốt. Các hiệu trưởng đã chủ động tổ chức các cuộc họp để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đồng thời hướng dẫn cụ thể cho giáo viên về cách áp dụng LCE mà không làm giảm hiệu quả học tập. Thứ ba, đa dạng hóa tiêu chí đánh giá đã giảm sự phụ thuộc vào điểm số, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Những tiêu chí như tổ chức thảo luận nhóm, tăng cường tương tác thầy trò và phản hồi từ học sinh đã tạo ra những kết quả tích cực rõ rệt.
Nguồn: theaustralian
Một phát hiện quan trọng từ nghiên cứu là sự thành công của LCE không xuất phát từ việc áp dụng máy móc các phương pháp quốc tế, mà từ việc bản địa hóa linh hoạt để phù hợp với bối cảnh địa phương. Việc huy động giáo viên chủ động điều chỉnh phương pháp giảng dạy, cùng với thay đổi trong cách tiếp cận phụ huynh và triển khai các chính sách hỗ trợ như thưởng điểm cho giáo viên sáng tạo, đã tạo điều kiện cho LCE phát huy hiệu quả.
Nghiên cứu của Wang và McLaughlin cũng chỉ ra LCE và giáo dục dựa trên thành tích là hai hệ thống đối lập. Thực tế, khi được áp dụng linh hoạt, LCE không chỉ thúc đẩy sự phát triển toàn diện mà còn cải thiện đáng kể thành tích học tập. Điều này khẳng định rằng, ngay cả trong môi trường áp lực cao, những thay đổi tích cực vẫn có thể xảy ra thông qua sự phối hợp và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc mang lại nhiều gợi ý quý báu cho Việt Nam, nơi cũng đang đối mặt với áp lực từ các kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Để cân bằng giữa yêu cầu về thành tích và phát triển toàn diện học sinh, Việt Nam có thể triển khai các chiến lược sau:
Thứ nhất, định hướng mục tiêu rõ ràng để xác định rằng các phương pháp như LCE không mâu thuẫn với thi cử, mà ngược lại, hỗ trợ phát triển kỹ năng tư duy phân tích và học tập độc lập - các yếu tố quan trọng trong kỳ thi hiện đại. Thứ hai, vai trò lãnh đạo nhà trường cần được tăng cường để tạo môi trường thúc đẩy đổi mới. Cụ thể, các hiệu trưởng nên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ giáo viên thử nghiệm phương pháp giảng dạy mới mà không e ngại áp lực từ phụ huynh. Thứ ba, đa dạng hóa tiêu chí đánh giá để giảm sự phụ thuộc vào điểm số, hướng tới đánh giá toàn diện, bao gồm kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo, qua đó khuyến khích giáo viên đổi mới.
Hơn nữa, Việt Nam cần chú trọng bản địa hóa các phương pháp quốc tế, kết hợp với giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần hiếu học và sự gắn kết cộng đồng. Việc huy động sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, phụ huynh và chính quyền địa phương sẽ giúp tạo ra một hệ thống giáo dục cân bằng, vừa đảm bảo thành tích thi cử vừa thúc đẩy sự phát triển toàn diện, giúp học sinh hội nhập quốc tế mà vẫn giữ vững bản sắc dân tộc.
Vân An lược dịch
Tài liệu tham khảo:
Wang, T., & McLaughlin, C. (2024). Promoting learner-centred education amid the culture of test-based accountability: insights from a cross-cultural teacher education programme. Comparative Education, 1–20. https://doi.org/10.1080/03050068.2024.2423445