Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)
99,1% trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) đến trường được tăng cường tiếng Việt
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT): Công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số luôn được Bộ GDĐT quan tâm chỉ đạo. Giai đoạn 2, nội dung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã hỗ trợ trẻ em tốt hơn trong việc phát triển ngôn ngữ. Tuy có giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Bộ GDĐT đã tích cực triển khai thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch của Đề án từ 2021 đến nay, đồng thời, tổ chức tập huấn, giám sát, ban hành công văn hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện tốt Đề án.
Các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp, mọi lúc mọi nơi; chỉ đạo lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ; làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình.
Nhiều địa phương đã phát động phong trào sưu tầm, sáng tác thơ, truyện, trò chơi, bài hát…của các dân tộc địa phương và tuyển chọn thành cuốn tuyển tập để giáo viên lựa chọn và đưa vào các hoạt động giáo dục trẻ. Tổ chức cho trẻ làm quen với việc đọc, viết tiếng Việt dưới nhiều hình thức: đọc truyện tranh, sách tranh, đọc truyện khổ lớn, đọc các tác phẩm văn học dân gian…; Cho trẻ làm quen với cách viết tiếng Việt, có ý thức giữ gìn bảo vệ sách, hứng thú với việc đọc, viết; Tuyên truyền, động viên trẻ em người dân tộc thiểu số học chung lớp với trẻ người Kinh, giúp trẻ có môi trường giao tiếp tiếng Việt tốt. Khuyến khích trẻ sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp khi chưa thực sự nói sõi tiếng Việt. Từ đó, kĩ năng nghe hiểu tiếng Việt, khả năng giao tiếp của trẻ được nâng lên rõ rệt.
Căn cứ vào thực tiễn, các nhà trường lựa chọn nội dung cần tăng thời lượng phù hợp với đối tượng học sinh; Tăng cường rèn luyện các kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong hoạt động giáo dục; Tổ chức các hoạt động giao lưu tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; khích lệ, động viên trẻ em tích cực học hỏi, trao đổi để tăng cường vốn tiếng Việt, hình thành khả năng giao tiếp tiếng Việt, đặc biệt sự mạnh dạn, tự tin trong sử dụng tiếng Việt. Trẻ được tích cực giao tiếp, làm quen với môi trường chữ viết tiếng Việt phong phú, khả năng nghe nói, tiền đọc viết phát triển tốt. Trẻ đã mạnh dạn, tự tin hơn, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục; giảm bớt nhút nhát, rụt rè; nhiều em còn chủ động giao tiếp, vui vẻ khi gặp người lạ.
Bộ GDĐT cho biết, theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 5/2024, toàn quốc có 4.913 trường mầm non có đông trẻ em là người dân tộc thiểu số; có 68.720 nhóm, lớp mầm non có trẻ em người dân tộc thiểu số, tăng 133 trường, 23.270 nhóm, lớp so với năm 2015, thời điểm xây dựng Đề án. Bình quân hằng năm, Bộ GDĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên mầm non, cán bộ quản lý, giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số, cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người dân tộc thiểu số về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt. Một số địa phương có biên soạn bổ sung tài liệu phù hợp với vùng miền, văn hóa cộng đồng dân tộc nơi trẻ sinh sống để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.
Đến thời điểm hiện tại, tổng số trẻ em người dân tộc thiểu số đến trường là 820.156 trẻ, chiếm 16,0% tổng số trẻ đến trường trên toàn quốc, tăng 130.413 trẻ em người dân tộc thiểu số (tăng 17,3%) so với thời điểm xây dựng Đề án. Trong đó, số trẻ em người dân tộc thiểu số tại các địa bàn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn đi học tăng 34.019 em; số trẻ em người dân tộc thiểu số học 2 buổi/ngày tăng 111.078 em. Có 99,1% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt, tăng 36.774 trẻ so với năm 2015. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ dân tộc thiểu số được rèn kỹ năng nghe nói, giao tiếp tiếng Việt, “tắm mình” trong môi trường tiếng nói và chữ viết tiếng Việt. Trẻ em người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục và hoạt động khác trong cuộc sống.
Số tổ chức xã hội tham gia tăng cường tiếng Việt ở các địa phương cho trẻ là 3.636 lượt đơn vị. Số cha mẹ trẻ được tuyên truyền về tăng cường tiếng Việt cho trẻ là 647.126 lượt cha mẹ. Các địa phương tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ Đề án tăng cường tiếng Việt; Bình quân mỗi năm có trên 2.500 trường và trên 19.000 lớp mầm non được đầu tư, mua sắm thiết bị, tài liệu phục vụ Đề án tăng cường tiếng Việt.
Năm học 2023-2024, số bộ Tài liệu hướng dẫn tăng cường tiếng Việt được cung cấp cho các cơ sở giáo dục mầm non tăng gấp gần 4 lần so với năm học 2022-2023. Các thiết bị, đồ dùng được khai thác hiệu quả góp phần rất lớn cho việc nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt ở các địa phương. Có 4.865/4.913 cơ sở giáo dục mầm non xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, chiếm 99,0% so với tổng số cơ sở giáo dục mầm non có trẻ dân tộc thiểu số, có gần 2.000 cở sở có thư viện thân thiện để cha mẹ đọc sách cùng trẻ.
Linh hoạt, gỡ khó trong quá trình triển khai
Tuy nhiên, theo báo cáo, thực trạng trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn gặp một số bất cập liên quan đến đội ngũ giáo viên; chính sách, chế độ giáo viên, học sinh; điều kiện về cơ sở vật chất; kinh phí thực hiện; công tác phối hợp với gia đình, phụ huynh…
Một số tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng Tây Nguyên địa bàn dân cư rộng, các điểm trường cách xa nhau, điều kiện giao thông không thuận lợi... nên trẻ dân tộc thiểu số ít giao tiếp với người Kinh; một số trẻ dân tộc ít người gặp khó khăn trong việc tăng cường tiếng Việt (La Hủ, Mông, Ê đê, Jrai, Gié Triêng, K’ho...). Một số đơn vị gặp khó khăn trong việc xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình (đặc biệt là các dân tộc Raglai, K’ho, Cơ Tu, Hre…), nên vốn tiếng Việt rất hạn chế. Mặc dù đã tích cực triển khai tuy nhiên nhiều tỉnh trẻ vẫn còn hạn chế về khả năng giao tiếp nói chung và tiếng Việt nói riên. Trẻ vẫn còn nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục. Một số nơi chất lượng tăng cường tiếng Việt chưa thực sự đạt hiệu quả. Kết quả thực hiện một số nội dung giáo dục còn thấp.
Bên cạnh đó, số lượng giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của trẻ ít; một số giáo viên ở các trường vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế trong việc tiếp cận và đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ, việc khai thác, sử dụng đồ dùng dạy học, đồ chơi vào tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ còn nhiều bất cập.
Thông tin về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Đề án Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số là nội dung nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các địa phương trong qua trình triển khai. Đặc biệt là tham mưu về những cơ chế đặc thù tạo nên những giải pháp căn cơ đảm bảo tính chất khung của toàn quốc nhưng phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương để triển khai đề án hiệu quả.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo Thứ trưởng, trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ vẫn còn chậm, muộn, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành so với mục tiêu của đề án. Do đó, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm, giải pháp trong giai đoạn trước và thời gian qua, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới, trước khi kết thúc giai đoạn 2 vào năm 2025.
Thứ trưởng nhận định: Từ quan điểm, nhận thức rõ ràng về mục tiêu của đề án sẽ thống nhất trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện các công việc, nhiệm vụ khả thi, hiệu quả. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, sự tham gia, vào cuộc của phụ huynh, gia đình, cộng đồng. Như vậy, có thể thấy, công tác truyền thông, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng và là nhiệm vụ phải làm trong triển khai đề án.
Bên cạnh đó, cần lưu ý quan tâm đến việc tạo môi trường học tập, sử dụng tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số. Theo đó, cần tăng cường sử dụng các đồ chơi, học liệu, tổ chức các hoạt động trong sinh hoạt, vui chơi để học sinh có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nhưng vẫn trên cơ sở bảo tồn được tiếng mẹ đẻ và bản sắc riêng của các dân tộc.
Ngoài ra, cần tập trung, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo đảm nhận công tác này. Trong đó, cần chú ý đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp tại các vùng khó, đặc biệt là giáo viên thực hiện công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Hằng năm, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục đề ra. Đồng thời, cần quan tâm, tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho các giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên thực hiện đề án.
Quang Minh