Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)
Ở Việt Nam, khái niệm học tập suốt đời chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản chính thức nhà nước, đồng thời cũng chưa được hiểu thống nhất trong các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và trong thực tiễn. Năm khía cạnh cốt lõi của quan niệm học tập suốt đời bao gồm: việc học diễn ra ở mọi lứa tuổi; mọi cấp học hoặc trình độ giáo dục; sử dụng mọi phương thức học tập; bao gồm mọi lĩnh vực và không gian học tập; và phục vụ mọi mục đích học khác nhau. Học tập suốt đời cũng đặt ra yêu cầu về ghi nhận, xác nhận và công nhận các hiểu biết, kỹ năng mà người học đạt được trong môi trường giáo dục không chính quy hoặc không chính thức.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước với nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài và gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập. Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân.
Lãnh đạo Bộ GDĐT đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị và ban hành hai bộ luật là Luật Nhà giáo và Luật Học tập suốt đời. Đối với Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đang cố gắng để được trình vào tháng 10 năm nay với nhiều nội dung quan trọng. Qua quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT thấy được công tác chuẩn bị đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, Luật Học tập suốt đời cũng sẽ được tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát các đối tượng tác động để có được sự chuẩn bị chỉn chu, bài bản.
Bàn về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GDĐT) Vũ Thị Tú Anh cho biết: Mặc dù học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội nhưng hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm học tập suốt đời chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản chính thức nhà nước, đồng thời cũng chưa được hiểu thống nhất trong các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và trong thực tiễn. Vì vậy, về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy, Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.
Ở góc độ nhà khoa học, chuyên gia Trần Thị Thanh Tâm, Tổ chức UNESCO chia sẻ: Đây là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam ngày càng cụ thể hóa được các quy đinh, chính sách liên quan đến lĩnh vực học tập suốt đời. Tuy nhiên, việc tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này có cả thuận lợi và những khó khăn do sự khác biệt. UNESCO cũng đã có những hướng dẫn chuyên môn trong quá trình thực hiện để có thể đưa ra những mô hình phù hợp đối với bối cảnh thực tế tại Việt Nam.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong bối cảnh môi trường số, công dân toàn cầu hiện nay thì vấn đề xây dựng môi trường và tăng cường quản lý nhà nước trong vấn đề học tập suốt đời cần phải thực hiện ngay và không thể chậm hơn được. Bởi mục tiêu chính của học tập suốt đời là phát triển con người, tạo điều kiện và dẫn dắt cho mọi người được học tập khi môi trường của giáo dục hiện nay là môi trường mở, linh hoạt và không giới hạn.
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh, tăng cường quản lý của nhà nước trong lĩnh vực học tập suốt đời, theo bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, phải tạo điều kiện, căn cứ cụ thể, rõ ràng, có tính pháp lý cao trong việc triển khai học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Với việc xây dựng, ban hành Luật Học tập suốt đời, bà Lê Thị Mai Hoa cho rằng, cần có những nghiên cứu tập trung, đánh giá tác động ở các đối tượng thụ hưởng mới có sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội.
Khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng Luật Học tập suốt đời, tăng cường, ràng buộc vấn đề này bằng các căn cứ pháp lý, PGS.TS Tô Bá Trượng, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng đây có thể là cuộc cách mạng thay đổi giáo dục và đào tạo, bởi nếu có luật thì thay đổi nhận thức của cả xã hội về học tập suốt đời. Do đó, tư tưởng và nhận thức vai trò của luật phải được thông suốt từ trung ương tới địa phương. Muốn làm được điều đó thì cần đặc biệt chú ý các điều kiện thực tế ở địa phương về tài chính, nhân sự vận hành phải được thông tỏ và quan tâm hơn.
Phó Giám đốc Sở GDĐT Lạng Sơn Phan Mỹ Hạnh nêu quan điểm cần sự thống nhất chặt chẽ trong quy định của nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời nhằm đảm bảo sự liên thông trong giáo dục, giúp cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các cấp cũng như các hình thức, mô hình trong quá trình giáo dục. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyết khích đối với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện cung cấp các chương trình cho người học cũng như đảm bảo quyền bình đẳng được tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, và người yếu thế.
Trong bối cảnh chung hiện nay của xã hội và sự phát triển nhanh chóng của các thành tựu khoa học công nghệ, học tập suốt đời không chỉ phục vụ cho cuộc sống cá nhân mỗi người học, mà còn đóng góp một cách có ý nghĩa vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của quốc gia. Nói cách khác, học tập suốt đời là con đường tất yếu để mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng phát triển bền vững, thích ứng với những thay đổi của cuộc sống và xã hội. Với vai trò quan trong và tính chất bền vững, lâu dài, việc tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời là điều cần thiết và là nhu cầu tất yếu của mọi bối cảnh xã hội.
Đức Vinh