Nâng cao chất lượng dạy “Tiết đọc thư viện” theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực

Thư viện trường học được quy định là một bộ phận cơ sở vật chất thiết yếu, trung tâm sinh hoạt văn hóa và khoa học của nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng trong trường phổ thông

Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã xây dựng nội dung triển khai tiết đọc thư viện theo mô hình mới. Theo mô hình này, thay vì hướng dẫn cụ thể từng bước theo đúng quy trình, tài liệu như trước đây, giáo viên được cung cấp, tiếp cận kiến thức, công cụ một cách tổng hợp, toàn diện, được trao quyền chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai. Điều này giúp tiết đọc thư viện bám sát hơn vào mục tiêu phát triển của Chương trình GDPT mới.

Tiêu chí xây dựng môi trường đọc của thư viện thân thiện được quy định rất cụ thể như: phòng đọc rộng rãi, sáng sủa, sách phải đặt trên kệ mở, vừa tầm với của học sinh tiểu học; quy trình mượn sách đơn giản, tài liệu đọc thân thiện với trẻ em, có nhiều góc hoạt động; nhân viên thư viện thân thiện và hỗ trợ tốt cho học sinh… Việc triển khai Chương trình thư viện thân thiện trường tiểu học sẽ giúp các trường triển khai thực hiện bảo đảm các tiêu chuẩn thư viện theo Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Thông tư 16/2022/TT-BGDĐT quy định, tài nguyên thông tin, cơ sở vật chất, thiết bị chuyên dùng, hoạt động thư viện, quản lý thư viện là những tiêu chuẩn đối với thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông nhằm bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục; định mức, dự toán để lập dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo thư viện đã có và làm cơ sở để xác định mức độ đạt tiêu chuẩn thư viện để kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia các trường mầm non, tiểu học, trung học và trường phổ thông có nhiều cấp học. Tùy theo cấp học, thư viện trường học sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể tướng ứng với 02 mức độ (mức độ 1 và mức độ 2).

Hòa Bình là tỉnh tham gia tích cực trong Chương trình Thư viện thân thiện do Bộ GDĐT làm Ban điều phối. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng phòng Phòng Giáo dục mầm non và Giáo dục tiểu học Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Mục tiêu của chương trình là thiết lập thư viện mẫu giúp học sinh tiểu học trở thành người đọc độc lập, có kỹ năng đọc, thói quen đọc, trở thành người học tập suốt đời và góp phần xây dựng văn hóa đọc trong trường tiểu học. Đồng thời tăng cường năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh tiểu học, góp phần hình thành nhân cách, phẩm chất, năng lực cá nhân đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Từ những thư viện mẫu, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã học tập, xây dựng, triển khai để công tác giáo dục tiết đọc thư viện cho học sinh trong các nhà trường ngày càng hứng thú, khoa học và bám sát vào mục tiêu của Chương trình GDPT mới.

Thầy Hồ Trung Úy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho hay: Mô hình thư viện thân thiện mới có tính ưu việt hơn hẳn so với thư viện truyền thống trước đây. Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh Từ đó, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và phân tích thông tin. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chia sẻ về chất lượng của các hoạt động thư viện cũng như hiệu quả của tiết đọc thư viện mang lại, theo đại diện Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) thông tin: Nhà trường có trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện để tiếp cận với sách báo, thông tin còn nhiều hạn chế. Mô hình thư viện thân thiện được Sở GDĐT chỉ đạo xây dựng ở 10 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm học 2023-2024, mô hình được triển khai tại Trường Tiểu học Kim Đồng. Hơn 1.700 cuốn sách được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận dễ dàng, phù hợp với sở thích và khả năng đọc.

Giám đốc quốc gia tổ chức Room to Read tại Việt Nam Nguyễn Diệu Nương chia sẻ, ba điểm được phát huy tối đa trong xây dựng tiết đọc thư viện mới là nội dung, tài liệu và phương pháp. Tiết đọc thư viện mới được cập nhật tất cả nội dung mới như phát triển năng lực đọc, năng lực đọc sâu, cách lựa chọn những cuốn sách hay, sách tốt. Tài liệu biên soạn và cách tập huấn sẽ nâng cao năng lực cho giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của học sinh. Đồng thời nhấn mạnh phương pháp tôn trọng sự đa dạng, khác biệt, hòa nhập và phục vụ được nhiều đối tượng học sinh. Thể hiện được sự tôn trọng, giúp các em phát huy hết năng lực, phẩm chất của từng cá nhân.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Trịnh Hoài Thu cho biết: Từ năm 2022 cho tới nay, Bộ GDĐT trong chương trình kiểm tra công tác giáo dục tiểu học hàng năm đều có nội dung kiểm tra về công tác thư viện. Điều này có nghĩa, dù được thực hiện bằng hình thức nào thì công tác thư viện triển khai tại các địa phương đều được Bộ GDĐT quan tâm, chỉ đạo triển khai, phát triển hiệu quả.

Trong giai đoạn 2 (năm 2022- 2025) của chương trình phối hợp giữa Bộ GDĐT và tổ chức Room to Read về Chương trình Thư viện thân thiện, chương trình không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp và hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương thực hiện mà bên cạnh đó sẽ phối hợp, triển khai ở nhiều nội dung như phát triển chương trình, xây dựng tiết đọc thư viện mới…

Theo Phó Vụ trưởng Trịnh Hoài Thu, để giáo dục phát triển theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh, ngoài việc giáo dục phổ thông nói chung thì những chương trình như thư viện thân thiện, tăng cường tiếng Việt, phát triển văn hóa đọc, nữ sinh đọc… đều là các chương trình hỗ trợ cho chương trình GDPT thực hiện hiệu quả và chất lượng hơn. Để xây dựng khả năng tự học cho học sinh, vai trò của việc đọc sách, đọc độc lập là yếu tố rất quan trọng. Nói cách khác, vai trò của thư viện trường học với mục đích chính là giúp học sinh hứng thú với việc đọc sách, hình thành thói quen đọc, hướng tới tự học và học tập suốt đời cần phải được chú trọng và quan tâm đúng mức, đặc biệt ở ngay từ cấp Tiểu học.

Đối với Chương trình Thư viện thân thiện, sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của Bộ GDĐT phối hợp với các chuyên gia Room to Read bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình tiết đọc thư viện mới. Khi thí điểm tiết đọc thư viện Bộ GDĐT lựa chọn 10 địa phương đã tham gia và thực hiện triển khai có kết quả tốt chương trình thư viện thân thiện giai đoạn 1 và đầu giai đoạn 2.

Sau kết quả đạt được của giai đoạn 2016-2020 cao hơn so với thỏa thuận ban đầu, Bộ GDĐT và tổ chức Room to Read đã ký tiếp thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 từ 2021-2025 với mục tiêu lan tỏa sâu rộng hơn mô hình thư viện thân thiện trong cả nước, góp phần xây dựng tiêu chuẩn thư viện trường mầm non và phổ thông. Thỏa thuận hợp tác tạo điều kiện tiếp cận nguồn sách truyện thiếu nhi có chất lượng; ứng dụng kỹ thuật số và công nghệ thông tin đối với thư viện trường học nhằm đa dạng hóa tài nguyên thông tin thư viện, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành thư viện; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chương trình.

Ngoài ra, Chương trình Thư viện thân thiện đã tổ chức các hoạt động gắn kết, tập huấn cho giảng viên cốt cán ở các tỉnh hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho giảng viên cốt cán cấp tỉnh tập huấn lại cho cán bộ quản lý, nhân viên thư viện các nhà trường về các nội dung thiết lập và quản lý thư viện, tổ chức tiết đọc thư viện, huy động sự tham gia của gia đình, cộng đồng, hỗ trợ giám sát, duy trì bền vững hoạt động thư viện trong 3 năm tại các tỉnh tham gia dự án.

Bảo An

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao chất lượng dạy “Tiết đọc thư viện” theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn