Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)
Điều này cho thấy, xu hướng chuyển đổi số là yêu cầu, công việc cấp bách, tất yếu trên tất cả mọi lĩnh vực để dần dần, từng bước hướng tới một xã hội số, một nền kinh tế số. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài không chỉ trước mắt mà trở thành bài toán lâu dài, cần bắt buộc từ nhà trường. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã và đang tập trung chuyển đổi số trong quản lý ngành và trong nhiều lĩnh vực, trong đó có triển khai xây dựng thí điểm học bạ số.
Theo báo cáo của Sở GDĐT Hà Nội, đến nay, 100% cơ sở giáo dục tiểu học đã sẵn sàng hạ tầng (máy tính, đường truyền, phần mềm, tài khoản…) để thực hiện đã triển khai quản lý thông tin trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo. Dữ liệu điện tử sách, đồng bộ với dữ liệu của Bộ GDĐT. Sở GDĐT Thành phố Hà Nội đã thực hiện tuyển sinh trực tuyến và thực hiện Học bạ điện tử từ năm 2016. 100 % thông tin học sinh tiểu học đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo, được xác thực định danh với dữ liệu dân cư.
Đến thời điểm này, 100% hiệu trưởng đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được trang bị chữ ký số chuyên dùng cho cá nhân và tổ chức để phục vụ xử lý dịch vụ công, xử lý hồ sơ điện tử. Từ tháng 10/2023, Sở GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trang bị chữ ký số cá nhân cho 100% cán bộ, giáo viên để sẵn sàng triển khai học bạ số, hồ sơ chuyên môn số. Tính đến 31/12/2023, 42% giáo viên, nhân viên ở các trường công lập và 10,5% giáo viên trường ngoài công lập đã được trang bị ký số cá nhân với tổng số lượng gần 14.000 ký số; 100% giáo viên, nhân viên trường tiểu học đều có trình độ công nghệ thông tin để có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục.
Toàn tỉnh Lào Cai hiện nay có 177 trường tiểu học và 47 trường có học sinh tiểu học có kết nối Internet. Trong đó 100% cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, quản trị nhà trường, 100% cơ sở giáo dục đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường để quản lý, số hóa thông tin về trường, lớp, học sinh, đội ngũ, cơ sở vật chất,... Trên 50% hồ sơ nhà trường theo điều lệ trường học được số hóa và quản lý hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên. Đặc biệt, Sở GDĐT Lào Cai đang phối hợp với các đơn vị cung cấp triển khai thử nghiệm nền tảng quản lý thông tin tổng thể ngành giáo dục tỉnh Lào Cai, trong đó có triển khai học bạ số. Tuy nhiên, đặc thù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, trong quá trình triển khai thí điểm học bạ số, Sở GDĐT tỉnh Lào Cai cũng gặp nhiều bất cập như cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều thiếu thốn, đội ngũ giáo viên còn hạn chế về kỹ năng sử dụng các phần mềm. Đặc biệt, hồ sơ, học bạ của học sinh mới dừng ở mức độ tin học hóa chứ chưa thực sự trở thành hồ sơ, học bạ điện tử do thiếu quy định đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục.
Là một trong những địa phương thực hiện tốt chuyển đổi số ngành giáo dục, trong đó có thí điểm học bạ số, Sở GDĐT Hải Phòng chia sẻ: Các cơ sở giáo dục, giáo viên trên địa bàn thành phố hưởng ứng tích cực việc triển khai học bạ điện tử, đây là một trong những nội dung giảm áp lực, gánh nặng về ghi chép, quản lý hồ sơ của giáo viên. Các nhà trường đã và đang tích cực trong công tác tham mưu các cấp và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để bổ sung các trang thiết bị, phòng máy, đường truyền,... để đáp ứng yêu cầu cập nhập, khai thác và sử dụng dữ liệu ngành một cách nhanh chóng và hiệu quả. Để đạt được kết quả đó, Sở GDĐT đã tổ chức những đợt tập huấn triển trai, hướng dẫn cụ thể tới 100 % cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường. Điều này giúp cho các đơn vị cùng hiểu rõ, thông suốt về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và những lợi ích của việc thực hiện triển khai học bạ điện tử và các hồ sơ điện tử khác mang lại. Song song với đó là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống đường truyền, hệ thống máy tính đảm bảo các yêu cầu, thông số kỹ thuật để phục vụ các thầy cô trong quá trình thực hiện.
Sở GDĐT tỉnh Bến Tre thông tin: Việc triển khai học bạ số tại địa phương được các cấp quản lý quan tâm và ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện chuyển đổi số, trong đó có ưu tiên kinh phí cho việc thuê chữ ký số, hệ thống phân quyền ký số (theo nhiệm vụ lớp dạy), lưu trữ học bạ điện tử sau ký số. So với sử dụng sổ học bạ truyền thống bằng giấy, sổ học bạ điện tử cho phép lưu trữ, quản lý và chia sẻ thông tin về học sinh dễ dàng và hiệu quả hơn thông qua các hệ thống thông tin trực tuyến; tiết kiệm thời gian và công sức; dễ dàng phục hồi khi học bạ thất lạc, hư hỏng vì trước đây học bạ thất lạc là không thể phục hồi.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: Hiện nay, về cơ bản các Sở GDĐT đã triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm Học bạ số, tổ chức hội nghị triển khai, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ Học bạ số xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục. Nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thí điểm Học bạ số, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện Học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GDĐT. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và một số địa phương đã triển khai hội nghị tập huấn học bạ số trên diện rộng đến tất cả cán bộ quán lý và giáo viên. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương. Bên cạnh đó, về phía các đơn vị thuộc Bộ GDĐT đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về file Học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ Học bạ số, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu Học bạ từ các địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, qua nghiên cứu, khảo sát Bộ GDĐT bước đầu thực hiện thí điểm ở bậc tiểu học bởi đây là một việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước, với điều kiện kinh tế xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng từng bước. Việc thực hiện triển khai không đợi đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, về đội ngũ mới thực hiện thí điểm và thực hiện đại trà mà sẽ tận dụng tối đa những điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ của những nơi làm tốt, hướng dẫn, phối hợp với nơi làm chưa tốt để làm tốt hơn, để thí điểm rộng rãi, đại trà, tháo gỡ vướng mắc ở những nơi còn khó khăn.
Minh Phong