Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)
Phát triển quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học
Báo cáo về kết quả năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết: Năm học 2023-2024, giáo dục trung học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10, lớp 11 và Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 9, lớp 12; tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 9, lớp 12 từ năm học 2024-2025.
Đây cũng là năm học tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết 88 về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện việc đánh giá giữa kỳ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GDĐT. Năm học 2023-2024 có số học sinh tăng ở cả hai cấp học. Số học sinh cấp THCS là 6.550.552, tăng 472.852 học sinh so với năm học trước đó. Số học sinh cấp THPT là 2.993.731 tăng 106.166 học sinh so với năm học 2022-2023. Đối với công tác phổ cập giáo dục, 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; mức độ 2 chiếm 23,8% và mức độ 3 chiếm 12,69%. 100% tỷ lệ huyện, xã đạt phổ cập giáo dục cấp THCS.
Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở, thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2023-2024, cấp THCS, THPT tổng số đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên tăng thêm lần lượt 2.641, 1.803 giáo viên so với năm học 2022-2023. Các địa phương đã triển khai tổ chức việc tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà. Một trong những điểm mới trong công tác tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn giáo viên của đổi mới giáo dục lần này là việc tăng cường khả năng tự đào tạo, tự bồi dưỡng của giáo viên.
Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm nổi bật giúp thay đổi từ gốc việc chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Khó khăn, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới đã cơ bản được tháo gỡ.
Công tác đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024 đạt thành tích cao.
Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan.
Kết quả thực hiện chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm của mình và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm được cải thiện và giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế nhiều hơn.
Tiếp tục đổi mới, linh hoạt nhiều phương án
Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Hường, để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong năm học vừa qua, Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận ở các cấp bậc học. Theo đó, Sở GDĐT đã thực hiện rà soát quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp, đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng bước đảm bảo công bằng giữa các điểm trường.
Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt, phù hợp với thực tế của địa phương và kế thừa trên thực trạng hiện có để thực hiện hiệu quả phân cấp trong quá trình triển khai nhiệm vụ đối với các cấp học. 100% các nhà trường thực hiện xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường tự chủ, hoàn thành chương trình năm học, kết quả học tập của học sinh được duy trì
Đối với bậc tiểu học, Sở GDĐT chỉ đạo tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát huy thành quả, tháo gỡ khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới. Chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt nhiều phương án triển khai thực hiện môn tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3 theo quy định của Chương trình GDPT 2018 đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục. Thực hiện hiệu quả, thực chất về giáo dục bắt buộc đối ở bậc tiểu học theo quy định tại Luật Giáo dục 2019. 100% học sinh được học các môn học bắt buộc tiếng Anh, Tin học tại các vùng sâu, vùng khó khăn và tại các lớp ghép.
Tăng cường đổi mới sinh hoạt chuyên môn, thực hiện tích hợp trong tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục đảm bảo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo hướng mở, linh hoạt. Tổ chức chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học có tích hợp nội dung giáo dục STEM, triển khai dạy học giáo dục STEM tại 100% trường có cấp tiểu học với tổng số 3.082 lớp học.
Ở cấp THPT, tỉnh Hòa Bình triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 lớp 6,7,8 cấp THCS; lớp 10,11 cấp THPT. Tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 9,12 Chương trình GDPT 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình GDPT 2018. Trong quá trình thực hiện, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng tập huấn đội ngũ giáo viên đặc biệt là những môn học mới ở các cấp, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy trình, tiến độ cũng được ngành Giáo dục Hòa Bình quan tâm, chú trọng thực hiện, đạt hiệu quả cao.
Theo báo cáo của Sở GDĐT thành phố Hà Nội, năm học 2023 – 2024, toàn ngành đã thực hiện triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quy định của Bộ GDĐT. Trong đó, 100% các đơn vị, trường học chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị phù hợp với thời gian năm học 2023-2024 theo quy định; tổ chức dạy học cho học sinh các khối lớp, đảm bảo khoa học, phù hợp, chất lượng.
Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục tiểu học triển khai đại trà giáo dục STEM từ năm học 2023-2024. Ở bậc trung học, đã có 610 trường tổ chức giáo dục STEM ở các loại hình, 475 trường đưa STEM vào giảng dạy thường xuyên và xây dựng chủ đề STEM; 385 trường được kiểm tra; 24.033 tiết thực hiện giáo dục STEM.Các nội dung hoạt động trải nghiệm STEM hay làm quen với nghiên cứu khoa học kỹ thuật thực hiện theo sự thống nhất của từng nhà trường bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường, nâng cao phẩm chất, năng lực học sinh, khắc phục căn bản lối dạy chú trọng truyền đạt kiến thức.
Xác định vai trò quan trọng của việc đổi mới trong công tác kiểm tra đánh giá, theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hà Nội thông tin: Đến thời điểm này, 100% nhà trường tiếp tục thực hiện việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Điều này giúp chất lượng giáo dục tiểu học trên toàn Thành phố được đảm bảo, ổn định, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình môn học/hoạt động giáo dục học kì I năm học 2023-2024 đạt từ 98,5% trở lên. Đối với cấp trung học, Sở GDĐT cũng đã chức 16 hội nghị tập huấn về đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các môn. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề thi, kiểm tra theo ma trận với các cấp độ nhận thức. 100% các trường đã chú trọng dạy học phân hoá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
Minh Phong