Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)
Xác định việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng môi trường giáo dục đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng một cách bền vững đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục vì vậy trong những năm qua tỉnh Ninh Bình luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho lĩnh vực này. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những nỗ lực ấy đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ở các trường học trên địa bàn trong đó có cấp học mầm non. Trong thời gian qua, công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến tháng 11/2023 toàn tỉnh đã có 152/154 trường, đạt 98,7%, trong đó có 64/154 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2, đạt 41,6%. Hiện nay, 02 trường mầm non ngoài công lập mới thành lập chưa đủ điều kiện để đạt chuẩn quốc gia về mặt thời gian để công nhận chuẩn. Có thể nói, từ phong trào xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, được sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp cơ sở vật chất các trường mầm non trong tỉnh có nhiều thay đổi tích cực, nhiều công trình được xây dựng mới hoặc cải tạo, tu sửa, trang thiết bị ngày càng được đầu tư tăng cường, trường lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn theo hướng kiên cố, hiện đại góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, là một Hiệu trưởng nhà trường thuộc quận nội thành của TP Hà Nội, cô giáo Hoàng Thị Hà luôn trăn trở thế nào để xây dựng được nhà trường đạt chuẩn mức độ 2 đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo cô Hoàng Thị Hà, để thực hiện thành công việc tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về trường mầm non đạt CQG mức độ 2, Trường mầm non Tuổi thơ (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nghiên cứu văn bản chỉ đạo của các cấp về tiêu chuẩn, điều kiện trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tham mưu với các cấp lãnh đạo để xây dựng trường theo chuẩn Quốc gia mức độ 2. Song song với đó là phát huy thế mạnh cơ sở vật chất, đội ngũ, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng chương trình phát triển nhà trường ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Sau khi nhận trường mới đưa vào sử dụng, nhà trường luôn quan tâm chú trọng đến việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ, phát huy thế mạnh về cơ sở vật chất đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động tại phòng chức năng, hoạt động tập thể tại sân trường, xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, xây dựng chương trình phát triển nhà trường ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến vì nhà trường xác định đây là những điểm cốt yếu đẩ nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng trường mầm non chuẩn quốc gia mức độ 2 và hướng tới vận dụng mô hình trường học tiến tiến, tự chủ tài chính vào năm 2025.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ trong việc xây dựng chuẩn quốc gia, cô Hoàng Thị Hà cho biết, nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đến nay có 100% đạt chuẩn, 88% trên chuẩn và hướng lộ trình đến 2025 đạt 100% trên chuẩn. Thường xuyên cử cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tập huấn do Sở GDĐT, phòng GDĐT tổ chức về đổi mới phương pháp: ứng dụng phương pháp tiên tiến Montessori, Steam, học tập theo dự án, chuyển đổi kỹ thuật số trong quản trị trường học; công nghệ thông tin, làm video, kiến thức chăm sóc trẻ đặc biệt…
Là tỉnh thành có diện tích rộng thứ hai của cả nước với 44 dân tộc cùng sinh sống, mật độ dân cư thưa thớt, phân bố không đồng đều nên các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều điểm trường lẻ. Do đó, việc đầu tư xây dựng và huy động trẻ trong độ tuổi đủ để phân chia lớp đúng quy định gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, Sở GDĐT Gia Lai đã tăng cường công tác truyền thông, vận động triển khai xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là giải pháp quan trọng để hệ thống chính trị địa phương nhận thức đầy đủ được sự cần thiết phải xây dựng trường chuẩn quốc gia, đặc biệt đối với các trường mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là tích cực phối hợp với các tổ chức, ban ngành đoàn thể các cấp để huy động sự tham gia, cộng đồng trách nhiệm trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung và công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia nói riêng. Đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai có 265/265 trường mầm non thực hiện đạt mục tiêu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GDĐT ban hành. Có 100% trẻ đến trường được chăm sóc sức khỏe theo quy định, an toàn, tỉ lệ trẻ đến trường năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt trên 92%.
Trường mầm non Ong Vàng, xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành, Tỉnh Tây Ninh thuộc vùng nông thôn của địa phương, được xây dựng nhiều năm nên cơ sở vật chất đã xuống cấp. Mơ ước về một trường đạt chuẩn quốc gia của tập thể sư phạm nhà trường có từ khá lâu, trong đó khó nhất là việc đáp ứng về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, vì số tiền đầu tư lớn, vượt quá khả năng của xã. Nằm trong lộ trình phát triển của tỉnh, của ngành giáo dục địa phương. Đến tháng 3 năm 2021 một ngôi trường mới khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu dạy học bậc mầm non từ 0-5 tuổi trên địa bàn.
Theo bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GDĐT, trong những năm qua, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản quy định về công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT là căn cứ để Sở GDĐT các địa phương tham mưu chính quyền cấp tỉnh đầu tư các điều kiện và triển khai, hướng dẫn các nhà trường xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.
Các cơ sở giáo dục mầm non đã xác định công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia không những để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, địa phương. Các nhà trường đã tích cực tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhận thức được công tác đánh giá kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và khẳng định thương hiệu, vị thế nhà trường.
Sau 5 năm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, toàn quốc hiện có 15.334 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56.9%, tăng 1.773 trường, tăng 11,3% so với năm học 2017-2018. Vùng có tỉ lệ tăng trường chuẩn quốc gia nhiều nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (18,2%). Các tỉnh/thành phố có có tỉ lệ tăng trường chuẩn quốc gia nhiều nhất cả nước là Ninh Bình (16,7%), Hà Nam (15,4%), Bắc Giang (15,2%)…
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khó khăn do một số quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, khó triển khai hoặc không khả thi khi triển khai. Một số địa phương do điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, ngân sách bố trí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế hoặc thiếu quỹ đất dẫn tới tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia còn thấp. Việc đảm bảo các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Minh Phong