Huy động nguồn lực kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cùng các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để tăng cường các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất trường, lớp học cũng như nhà ở giáo viên

Tỷ lệ kiên cố hóa tăng từ 65,9 đến 86,6%

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục, giải quyết những hạn chế. Cụ thể, nhiệm vụ thứ 7 của kết luận nêu rõ: Triển khai chương trình đầu tư kiên cố hóa trường học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%.

Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thổng công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 86,6%. Trong đó cấp học Mầm non đã nâng tỷ lệ kiên cố hóa lên 83,0%; cấp học Tiểu học 83,2%; cấp học THCS 94,9%; cấp học THPT 97,0%. Trước đó, tại thời điểm năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và THPT công lập với 553.181 phòng học; số phòng học kiên cố khoảng 364.367, đạt tỷ lệ kiên cố hóa là 65,9%. Cụ thể, cấp học Mầm non tỷ lệ kiên cố hóa là 47,7%; cấp học Tiểu học 61,6%; cấp học THCS là 80,5%; cấp học THPT là 90,4%.

Điểm trường mầm non Trung Hạ, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá trước khi được đầu tư. Ảnh: T.N

Phòng học lớp mầm non Trung Hạ, huyện Quan Sơn sau khi được đầu tư. Ảnh: T.N

Về nhà công vụ cho giáo viên, Bộ GDĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012. Kết quả thực hiện đến hết năm 2013, đã có 23.104 nhà công vụ giáo viên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng không thể sử dụng, một phần do thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục, số lượng phòng công vụ giáo viên các cấp học theo số liệu thống kê hết năm 2023 còn 19.345 phòng. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nhà công vụ của giáo viên tại các vùng khó khăn vẫn còn rất lớn.

Theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, trong giai đoạn 2013-2023, số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa khoảng 35.984 phòng, số phòng công vụ cho giáo viên khoảng 1.216 phòng. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 32.896,96 tỷ đồng. Một số tỉnh đã xây dựng các chính sách khuyến khích xã hội hoá giáo dục để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập. Việc tham gia xã hội hoá giáo dục của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có những chuyển biến tích cực. Bộ GDĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã ban hành, hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật và cơ chế tài chính để huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học.

Cô và trò vui mừng trong trường lớp khang trang

Năm học trước, học sinh tại điểm trường Khu Lang, Trường mầm non Trung Hạ huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, được học tập tại ngôi trường khang trang rực rỡ màu sắc. Đây là là công trình được các nhà tài trợ dành tặng đến cô trò ở điểm trường miền núi giáp biên này. Bé Lương Thanh Trúc, ở bản Bá, xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: "Con thích lắm, nhìn ngôi trường khang trang được trang trí nhiều màu sắc. Thời gian qua, mỗi khi nắng gắt chúng con không thấy nắng nóng nữa”.

Cô Nguyễn Thị Thìn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, điểm trường Khu Lang gồm 3 phòng học và công trình phụ trợ, công trình vệ sinh khép kín, trên diện tích 120m2. "Trước đây, ở dãy phòng học cũ, mùa nóng mái tôn mỏng không có tấm cách nhiệt, còn mùa mưa lớp học bị dột ướt do mái tôn không đủ kiên cố. Với điểm trường mới, hơn một năm qua các cô và trò sử dụng rất tốt và thoải mái. Nhiều nhà quản lý xuống thăm đều khen vè chất lượng và thẩm mỹ. Ngày hè nắng nóng các cháu thấy mát hơn hẳn phòng học mái tôn", cô Thìn nói.

Năm 2024, học sinh và giáo viên tại điểm trường bản Nậm Vì thuộc Trường PTDTBT TH Chung Chải 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cũng hân hoan trong ngôi trường mới. Trường vừa được xây mới với 2 phòng học, tổng trị giá công trình lên đến 800 triệu đồng. Đây là nơi học tập và sinh hoạt của 40 em học sinh lớp 1, 2. Học sinh điểm trường 100% đều là người dân tộc Mông. Ông Pờ Xè Chừ, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Chung Chải hạnh phúc cho hay: "Thôn Nậm Vì là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Chung Chải với 85% hộ dân thuộc hộ nghèo. Chúng tôi rất hạnh phúc vì được các nhà hảo tâm đã quan tâm hỗ trợ, xây dựng "Điểm trường mơ ước" bản Nậm Vì. Tôi mong rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các đơn vị, các cấp chính quyền địa phương để xã từng bước tháo gỡ những khó khăn".

Ngắm nhìn dãy phòng học còn thơm mùi sơn mới, Thầy Mạc Thiện Lương, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Viễn Sơn, tỉnh Yên Bái cho biết, từ năm 2005, trường phải dựng dãy phòng học bằng ván gỗ để trẻ có lớp học. Đây là giải pháp được sử dụng ở thời điểm đó vì điều kiện kinh tế của nhà trường và địa phương còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, đến năm 2022 không thể cho học sinh tiếp tục học do phòng học xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Việc thiếu phòng học đã trực tiếp ảnh hưởng đến công tác dạy và học của thầy trò nhà trường. Chúng tôi phải chia ca để sử dụng các lớp học. Năm 2024, chúng tôi được đầu tư xây dựng dãy phòng học mới, các lớp được học cả ngày, nhờ đó, thầy cô có thể triển khai các phương pháp giảng dạy đảm bảo và đa dạng hơn đến với học sinh.

Cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Đại Đồng, huyện Yên Bình, Yên Bái cho biết: Năm 2019, trường đã được đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng 6 phòng học kiên cố với quy mô gồm 3 tầng, diện tích sàn 932m². Tháng 12/2020, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, với các phòng học rất khang trang, sạch đẹp, đầy đủ tiện nghi, các công trình phụ trợ, đảm bảo quy chuẩn lớp học mầm non theo quy định. Từ đó, nhà trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 2, đáp ứng được công tác dạy học và chăm sóc trẻ mầm non đạt chuẩn. Năm học 2024-2025, Trường mầm non Đại Đồng có 22 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và chăm sóc 170 trẻ em từ 3 tháng đến 72 tháng tuổi. Ngôi trường mới đã hiện thực hóa mơ ước của giáo viên và người dân địa phương khi không còn điểm trường lẻ, không còn học 2 ca/ngày. Đặc biệt, trường có 62 em học sinh là người dân tộc Dao và Cao Lan, trước kia, các em phải di chuyển khó khăn để đến trường, có em xa nhất đi học gần 10km. Giờ đây, các em được ở lại trường, được chăm sóc và học tập, vận động, được phát triển.

Thạc sĩ Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, Sở đã triển khai và huy động các nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh. Ưu tiên nhất việc bố trí ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, thu hút đầu tư phát triển các trường mầm non, phổ thông tư thục trên địa bàn, giảm áp lực cho công lập; hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất một số huyện có khó khăn về nguồn thu ngân sách trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất lớn. Với công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư, tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ tại Bắc Giang đạt 96,4% (cao hơn 14,2% so với trung bình cả nước); tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc mầm non đạt 94,4% (cao hơn 39,2% so với trung bình cả nước), tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia bậc phổ thông 94,4% (cao hơn 36% so với trung bình cả nước).

Thanh Nga

Bạn đang đọc bài viết Huy động nguồn lực kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn