Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)
Theo báo cáo tổng kết của Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2023 – 2024 cho biết: Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giai đoạn 2018 - 2025” các Sở GDĐT đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quyết định số 522 và có những chính sách hiệu quả, thiết thực trong việc hỗ trợ cho hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, phân luồng học sinh phù hợp với đặc điểm và tình hình của địa phương.
Hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở; thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện giáo dục, hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường; phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở dạy nghề tại địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động để có cơ sở định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nhiều Sở GDĐT đã ký kết các văn bản hợp tác, phối hợp thực hiện Đề án với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam...) để phối hợp trong công tác hướng nghiệp.
Căn cứ vào số lượng học sinh lớp 9 năm học 2022-2023 là 1,428,403 em so với số học sinh lớp 10 năm học 2023-2024 là 1,064,713 học sinh cho thấy trên toàn quốc tỉ lệ học sinh vào học THPT chiếm khoảng 74,5%, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS không học lên THPT. Đây là nguồn tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp còn thấp, tỉ lệ học sinh tham gia trực tiếp vào thị trường lao động cao.
Khó khăn nhất trong quá trình triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp tại các nhà trường hiện nay là nhận thức của học sinh, phụ huynh. Nhận thức của xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn câu chuyện “thầy - thợ” trong quá trình định hướng nghề nghiệp mà không chú ý đến năng lực, sở thích, phù hợp với từng cá nhân học sinh.
Là địa phương có nhiều khu công nghiệp đóng trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc đang hướng tới việc đào tạo nhân lực có chất xám, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn theo đúng định hướng phát triển chung của tỉnh. Do đó, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy nhận định, cần có những quy định rõ ràng hơn về cơ chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục với các doanh nghiệp. Nếu có những cơ chế ràng buộc, rõ ràng, cụ thể thì việc phân luồng, hướng nghiệp tại các trường phổ thông sẽ có tác động nhiều hơn, hiệu quả hơn đến nhận thức của học sinh, phụ huynh, xã hội và đó là tác động hai chiều của cung – cầu nguồn nhân lực tại các địa phương.
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết: Theo lý luận thực tiễn công tác hướng nghiệp gồm 4 giai đoạn; định hướng nghề, tư vấn nghề, tuyển chọn nghề và thích ứng nghề. Ở bậc giáo dục phổ thông hiện nay đang thực hiện hai giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, để tránh sự chồng chéo vai trò trong quá trình triển khai 4 giai đoạn đòi hỏi phải có những quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm các bên liên quan ở từng giai đoạn tư vấn, hướng nghiệp. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng cho rằng, theo quan điểm giáo dục mở hiện nay, việc liên kết với các doanh nghiêp, đơn vị để thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cũng không nên bó buộc tại các địa phương. Bởi trên thực có rất nhiều địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp ngoài địa phương và thực hiện hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp.
Ông Đinh Thanh Khương Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh Hà Nam chia sẻ: Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục thường xuyên đang thực hiện một lúc hai chương trình học là chương trình về học văn hóa và học nghề. Chính vì vậy, nếu tính về tổng số tiết học của một học sinh trên một năm học nhiều hơn số tiết học của các học sinh tại các trường trung học phổ thông. Mặt khác, các em vẫn phải đảm bảo đủ kiến thức văn hóa để thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, cần có những chính sách để cân đối về chương trình giáo dục, giảm áp lực cho các em học sinh. Từ đó thay đổi nhận thức của học sinh trong quá trình phân luồng, hướng nghiệp cuối cấp trung học cơ sở.
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ làm công tác phân luồng, hướng nghiệp, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Những thông tin về phân luồng, hướng nghiệp thay đổi nhanh chóng nên đòi hỏi các giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong các nhà trường phải luôn cập nhật để có nhưng tư vấn, hướng dẫn cho học sinh đầy đủ về vấn đề này.
Theo ông Phạm Mạnh Hà, đây là công việc khó, do đó, nhóm nhân sự này cần chia ra hai bộ phận gồm cán bộ nòng cốt và cán bộ hỗ trợ để được chuẩn hóa theo từng giai đoạn tư vấn cho học sinh, như vậy công tác hướng nghiệp mới thực chất, hiệu quả, đảm bảo được tính linh hoạt.
Được biết, hiện nay, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về các nội dung về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, nội dung thực hiện, đội ngũ triển khai, công tác phối hợp, kinh phí thực hiện, trách nhiệm thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Qua thời gian khảo sát, nghiên cứu, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Tuy nhiên, đây là nội dung khó, phức tạp, vì vậy, Bộ GDĐT mong muốn lắng nghe ý kiến của đại diện các Sở GDĐT, các nhà trường, các chuyên gia và các đơn vị liên quan để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều trong quá trình soạn thảo Nghị định. Đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực tế triển khai để Ban Soạn thảo, Tổ biên tập có những điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ.
Theo Thứ trưởng, những khó khăn, bất cập thời gian qua trong công tác phân luồng, hướng nghiệp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan nên chưa đạt được những mục tiêu đề ra, nhận thức xã hội chưa sâu sắc. “Nếu chúng ta hướng nghiệp tốt thì phân luồng rất thuận lợi. Nếu chúng ta định hướng đúng ngay từ đầu thì không tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của học sinh, phụ huynh và xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Do đó, trong quá trình soạn thảo, Thứ trưởng lưu ý Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến được đề cập tại hội thảo hôm nay để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hơn cho dự thảo Nghị định để khi ban hành, áp dụng sẽ phù hợp với thực tế triển khai.
Minh Phong