Sách giáo khoa xã hội hóa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: PV
Huy động nguồn lực xã hội, đảm bảo lộ trình đổi mới
Theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các bộ liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để triển khai việc biên soạn, thẩm định, xuất bản, lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hệ thống văn bản được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu, kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Chủ trương xã hội hóa và đa dạng hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức và đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia có trình độ, uy tín, kinh nghiệm, năng lực tham gia biên soạn sách giáo khoa. Theo số liệu báo cáo từ Bộ GDĐT, có trên 1.500 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa, 2/3 trong số đó có trình độ từ tiến sỹ trở lên. Đã có 6 nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học hoạt động giáo dục các khối lớp, 6 tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh. Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách sách giáo khoa lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đến nay, có 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều.
Việc tổ chức dạy thực nghiệm được tiến hành theo quy định của Bộ GDĐT. Việc lựa chọn bản mẫu sách giáo khoa, các bài học để tổ chức thực nghiệm thể hiện tính đại diện, điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục. Việc lựa chọn cơ sở giáo dục phổ thông và các lớp học sinh để tổ chức dạy thực nghiệm cơ bản bảo đảm tính đại diện vùng, miền, đối tượng. Quy định về giáo viên dạy học, giáo viên dự giờ trong quá trình thực nghiệm thể hiện sự thận trọng. Việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng quy định.
Nội dung và chất lượng sách giáo khoa các môn học được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được Bộ GDĐT phê duyệt đáp ứng yêu cầu, phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; cơ bản đáp ứng tinh thần đổi mới theo định hướng chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh. Học sinh có thể tự đọc và tự học một phần kiến thức nội dung mới.
Việc lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GDĐT hướng dẫn, điều chỉnh theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các địa phương triển khai, áp dụng thực hiện linh hoạt theo điều kiện của từng địa phương. Các cơ sở giáo dục nhìn chung đã thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm công khai, dân chủ; lựa chọn đội ngũ giáo viên có chuyên môn sâu, trách nhiệm, tâm huyết lựa chọn sách giáo khoa.
Việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa được các nhà xuất bản thực hiện đa dạng, với nhiều phương thức và kênh phát hành. Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản để cung cấp kịp thời số lượng sách giáo khoa cho các năm học. Chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được ngành giáo dục, các nhà xuất bản, các địa phương, các cơ sở giáo dục quan tâm, triển khai. Đã hơn 400 đầu sách với hàng trăm triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam và VEPIC phát hành.
Vẫn còn những hạn chế
Dù đạt nhiều kết quả tích cực và bước đầu thành công trong thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa, tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ này nên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa điều chỉnh, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn sách giáo khoa. Một số quy định còn hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.
Đội ngũ tác giả biên soạn sách giáo khoa được huy động nhiều nhưng số lượng tác giả có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông còn hạn chế; nhiều người lần đầu tham gia viết sách giáo khoa. Do vậy, việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh, thông tin, nội dung khoa học ở một bản mẫu sách giáo khoa chưa phù hợp với đối tượng học sinh. Việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là đối với sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11. Công tác thực nghiệm sách giáo khoa chưa được coi trọng đúng mức. Tiến độ biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương còn chậm.
Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa còn một số bất cập, tạo các khe hở cho nguy cơ trục lợi. Tình trạng các địa phương chậm phê duyệt danh mục sách, gây khó khăn cho hoạt động cung ứng sách, dẫn đến nhà trường, học sinh gặp khó khăn trong việc chuẩn bị sách giáo khoa.
Việc cung ứng, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập, qua nhiều khâu trung gian. Tình trạng thiếu sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nơi, nhất là trước thềm năm học mới. Phụ huynh, học sinh gặp nhiều phiền hà trong việc mua sách giáo khoa theo kênh phát hành tự do qua hệ thống cửa hàng bán lẻ. Giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006, gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng bản sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách. Mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng 161. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần. Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu. Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo Chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.
Nỗ lực gỡ khó, tiếp tục thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa
Trước những kết quả tích cực đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 88 về một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông khẳng định việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm. Kết luận số 91-KL/TW ngày 20/8/2024 của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chỉ đạo tiếp tục thực hiện đa dạng hoá sách giáo khoa.
Để tiếp tục phát huy các mặt tích cực và khắc phục các hạn chế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi quy định về chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Về lâu dài, cần tổ chức theo hướng học sinh có thể sử dụng bất kỳ sách giáo khoa nào được phép lưu hành trong mỗi tiết học. Quy định về cung ứng, phát hành sách giáo khoa theo hướng chủ yếu phát hành sách tại các nhà sách, cửa hàng sách. Bộ GDĐT khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian, giảm tỷ lệ chiết khấu xuống mức hợp lý, phù hợp với tính chất, phương thức phát hành để giảm giá sách giáo khoa.
Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.
Thực hiện các chỉ đạo trên, Bộ GDĐT đã triển khai đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhằm đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, qua đó chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 những năm tiếp theo.
Bộ GDĐT cũng đã có những điều chỉnh trên tinh thần cầu thị, sửa đổi các thông tư quy định về thẩm định sách giáo, về lựa chọn sách giáo khoa nhằm giảm thiểu các bất cập, về tiêu chí lựa chọn người biên soạn sách giáo khoa. Theo đó, quyền chọn sách được trao cho các nhà trường thay vì ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người biên soạn sách giáo khao phải có kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy ở bậc phổ thông.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu các nhà xuất bản cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa đến các cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa vào đầu năm học. Việc định giá trần sách giáo khoa cũng đang được Bộ GDĐT khẩn trương phối hợp với các bên để triển khai nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của các bên, bao gồm cả người học và các đơn vị xuất bản.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ GDĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa. Trên cơ sở đó hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục.
Thái Bình
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.