Thi Tốt nghiệp THPT năm 2025: Toàn ngành giáo dục nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi đặc biệt

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ tốt nghiệp lớp 12. Theo đó, Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025 là một kỳ thi đặc biệt, kỳ thi đầu tiên tổ chức theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều thay đổi về môn thi, cách ra đề. Vì thế, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được cả ngành giáo dục, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho đến các thầy cô giáo, các em học sinh tích cực triển khai.

Thí sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: PV

Kỳ thi đặc biệt

Khác với chương trình cũ, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, mục tiêu giáo dục chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho người học. Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng phá vỡ thế độc quyền về sách giáo khoa khi lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đa dạng hoá sách giáo khoa với ba bộ sách khác nhau. Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh mà chỉ là phương tiện, chuẩn đánh giá năng lực học sinh dựa trên chương trình giáo dục. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, học sinh không còn học tất cả 13 môn học giống nhau như trước đây mà chỉ học bắt buộc bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, và được chọn bốn môn trong các môn còn lại. Chương trình mới cũng có thêm các môn học mới như Tin học, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật. Việc kiểm tra đánh giá cũng có nhiều thay đổi khi không hướng đến kiểm tra kiến thức mà hướng đến đánh giá năng lực người học, khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Với việc đa dạng sách giáo khoa, để đảm bảo công bằng cho các thí sinh và đánh giá đúng năng lực người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu không sử dụng ngữ liệu trong sách để kiểm tra đánh giá, từ kiểm tra đánh giá thường xuyên đến các kỳ thi.

Với những điều chỉnh từ định hướng, mục tiêu giáo dục đến hệ thống môn học, kiểm tra đánh giá, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT cũng có nhiều thay đổi, từ số môn thi đến cách ra đề thi. Theo các chuyên gia giáo dục cũng như các thầy cô giáo, việc tổ chức kỳ thi như thế nào có ý nghĩa rất quan trọng khi tác động ngược trở lại quá trình dạy và học trong các nhà trường ở giai đoạn tiếp theo, tác động trực tiếp đến hiệu quả của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng, Bộ GDĐT xác định đây là kỳ thi có quy mô, tính chất hết sức quan trọng trong năm học 2024-2025.

Bộ GDĐT công bố phương án thi, đề minh họa từ sớm

Lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị cho kỳ thi trên nguyên tắc bám sát vào Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 144 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo chất lượng, đảm bảo đánh giá khách quan chất lượng dạy và học và cung cấp dữ liệu đủ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học cao đẳng trong công tác tuyển sinh.

Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã triển khai 4 nội dung, trong đó là công bố phương án thi thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 trở đi vào ngày 28/11/2023, sớm hơn một năm rưỡi tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục. Cuối năm 2023, Bộ GDĐT cũng đã ban hành cấu trúc, định dạng đề thi để thầy cô, học sinh thuận lợi trong công tác dạy và học; tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán về phương pháp và nâng cao kỹ năng ra đề. Nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện, sát với chương trình, sát với quá trình tổ chức dạy và học, Bộ GDĐT đã mời thành phần tham gia xây dựng đề thi là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, các chủ biên đã tham gia xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Chương trình giáo dục thường xuyên, các tác giả biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, những người đã tham gia các đợt tập huấn về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi do Bộ GDĐT tổ chức...

Các văn bản, hướng dẫn chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo được Bộ ban hành từ rất sớm để các địa phương chuẩn bị mọi phương án về cơ sở vật chất, nhân lực, chuyên môn cho công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025.

Bộ GDĐT cũng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT giai đoạn 2025-2030 trong tháng 9/2024, công bố đề thi minh họa cho kỳ thi trong tháng 10/2024, sớm hơn gần 5 tháng so với mọi năm để học sinh, giáo viên có điều kiện tham khảo, định hướng dạy, học và ôn tập. Bộ cũng đang xây dựng quy chế Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 11/2024, sớm hơn 3 tháng so với các quy chế khác được ban hành. Theo Bộ GDĐT, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, tổ chức tốt Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025. Quá trình chuẩn bị cho kỳ thi cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các sở giáo dục và đào tạo đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức. Cũng theo Bộ trưởng, năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ GDĐT ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây cũng là lần đầu tiên thời gian dự kiến tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT được Bộ GDĐT công bố ngay từ đầu năm học. Tại các hội nghị, cuộc họp của toàn ngành, các nội dung công việc đều đã được lãnh đạo Bộ, đại diện các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục trao đổi, thảo luận trên tinh thần chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt khó khăn và đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết.

Trường điều chỉnh dạy và học

Theo công bố của Bộ GDĐT, Kỳ thi Tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ rút xuống còn 4 môn thay vì 6 môn như năm 2024. Cụ thể, học sinh sẽ thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Ngữ liệu sử dụng trong đề thi không nằm trong bất cứ quyển sách giáo khoa nào.

Đề thi trắc nghiệm có sự thay đổi lớn khi bên cạnh phương thức trắc nghiệm 4 lựa chọn truyền thống sẽ có thêm hai phương thức trắc nghiệm mới là trắc nghiệm lựa chọn đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn. Trong trắc nghiệm lựa chọn đúng/sai, mỗi câu hỏi trong dạng này có 4 ý, thí sinh lựa chọn chính xác 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; lựa chọn chính xác 2 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm; lựa chọn chính xác 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; lựa chọn chính xác cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm. Với câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn sẽ không có đáp án sẵn để lựa chọn mà thí sinh phải tự đưa ra câu trả lời, gần giống với cách thức thi tự luận, yêu cầu thí sinh không chỉ ở kiến thức, khả năng tư duy mà cả khả năng diễn đạt.

Với những điều chỉnh trên, ngay từ cuối năm 2023, các nhà trường cho hay đã nghiên cứu kỹ đề thi minh họa của Bộ GDĐT để điều chỉnh trong cách dạy và học, đặc biệt là giúp học sinh làm quen với các phương thức thi trắc nghiệm mới đồng thời tích cực lên kế hoạch chuẩn bị cho năm học 2024-2025.

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức nhận định công tác chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025 vất vả hơn so với những năm trước vì phải xây dựng lại giáo án của lớp 12 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng yêu cầu của một kỳ thi với rất nhiều điểm mới, từ nội dung đến cách ra đề. Cô Quỳnh cho hay trường đã phân công nhiệm vụ xây dựng đề cương ôn tập, nhiệm vụ ra đề kiểm tra đánh giá định kỳ cho các giáo viên, lập đội ngũ thẩm định đề thi… Ngay từ học kỳ hai năm học 2023-2024, trường đã xây dựng các bài kiểm tra định kỳ theo định dạng đề thi minh hoạ Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 do Bộ GDĐT công bố để học sinh khối 10 và 11 làm quen. Trong đầu năm học 2024-2025, các giáo viên cũng có nhiệm vụ tìm hiểu, đánh giá kỹ hơn học sinh của mình để có giải pháp hỗ trợ đồng thời tư vấn cho các em trong việc chọn môn thi tốt nghiệp.

Cũng theo cô Bội Quỳnh, với xu hướng đa dạng hóa phương thức xét tuyển đại học, năm học này, nhà trường sẽ tập trung dạy và ôn tập cho học sinh đáp ứng bài thi đánh giá năng lực. Bài thi này là tổng hòa của rất nhiều môn nên tất cả thầy cô giáo bộ môn phải cùng phối hợp. Trường dự kiến sẽ xây dựng các đề thi đánh giá năng lực tạm dùng cho học sinh của trường để các em tập dượt. Các kỳ thi này cũng sẽ có điều chỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên đây cũng là một thách thức với nhà trường. “Trước các kỳ thi quan trọng nhưng lại quá mới với nhiều điều chỉnh, các thầy cô còn phải động viên, khích lệ để học sinh yên tâm học tập đồng thời cũng phải làm công tác tư tưởng cả với phụ huynh để phụ huynh bớt lo lắng, hoang mang và đồng hành hỗ trợ nhà trường”, cô Quỳnh chia sẻ.

Đây cũng là vấn đề được Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu đặc biệt quan tâm. Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay với lớp 12, ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức cuộc họp với cha mẹ học sinh để phổ biến về cách thức lựa chọn môn thi, hình thức thi năm 2025 để học sinh và cha mẹ học sinh chuẩn bị từ lựa chọn môn thi, hình thức xét tuyển vào đại học. Trường cũng đổi mới trong cách dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận với đề thi minh họa Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 để học sinh làm quen sớm. “Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh về thời lượng của các bộ môn vào thời điểm cuối năm học khi học sinh lựa chọn môn thi để tăng cường hỗ trợ tốt nhất cho các em,” cô Duyên nói.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Thi Tốt nghiệp THPT năm 2025: Toàn ngành giáo dục nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi đặc biệt tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn