Sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 đã tạo sức hút tăng mạnh số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm, điểm chuẩn ngành sư phạm tăng, là tiền đề để nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục. Năm 2024, khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên có số lượng thí sinh đăng ký tăng 85% so với 2023; điểm chuẩn tiếp tục tăng, nhiều ngành gần chạm ngưỡng 30 điểm. Tuy nhiên quá trình triển khai Nghị định 116 cũng đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Sửa đổi nghị định 116 sẽ giúp các địa phương gỡ khó về thiếu giáo viên, nhất là ở các vùng khó khăn. Ảnh: PV
Nhiều khó khăn khi triển khai
Một trong những điểm cốt lõi của Nghị định 116 là việc hằng năm, các địa phương tùy theo nhu cầu sử dụng giáo viên sẽ đặt hàng đào tạo với các trường sư phạm. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thuỷ, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy sau ba năm triển khai, tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chính sách (số sinh viên đăng ký hưởng chính sách là 30.807 em trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 em). Chỉ có 23/63 tỉnh, thành phố thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Theo đó, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ GDĐT) chiếm đến 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. “Như vậy, có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116,” bà Thuỷ nhận định.
Số địa phương đặt hàng đã ít ỏi, lại chậm chi trả kinh phí. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy có 6 cơ sở đào tạo giáo viên đã được các địa phương sở tại và lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ, ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.
Bên cạnh đó là khó khăn, vướng mắc từ việc phân bổ, giao kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm. Hằng năm (năm 2021, 2022, 2023), Bộ Tài chính chỉ giao dự toán khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GDĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm thường chậm và phải xin bổ sung so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm. Do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, cân đối thu – chi ngân sách giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên. Việc việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nghị định 116 giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc sinh viên sư phạm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nhưng địa phương không phải là đơn vị cấp kinh phí cho sinh viên sư phạm thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội, không chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn thực hiện gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
Cần sửa đổi phù hợp với thực tiễn
Chia sẻ về thực tiễn triển khai tại địa phương, đại diện các tỉnh khẳng định Nghị định 116 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục đang thiếu giáo viên khắp cả nước và việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nhưng từ góc độ địa phương cũng có nhiều vướng mắc. Địa phương phải bỏ kinh phí để nhà trường đào tạo giáo viên sư phạm nhưng các em tốt nghiệp, khi tuyển dụng vẫn phải thi tuyển và nếu thi trượt, việc đòi lại kinh phí là rất khó.
Theo đại diện Sở GDĐT tỉnh Bắc Giang, mục tiêu của Nghị định là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tế của địa phương. Tuy nhiên, việc thu hồi kinh phí bồi hoàn có thể gặp các tình huống như sinh viên đó không còn làm việc trong nước, thời điểm phải thu hồi kinh phí bồi hoàn thì gia đình không có khả năng tài chính; gia đình sinh viên có thể chây ì không bồi hoàn... Trong khi đó, theo Nghị định 116, sinh viên ra trường có nhu cầu làm việc trong ngành giáo dục nhưng có thể thi viên chức đến năm thứ 2 không đỗ vẫn phải bồi hoàn kinh phí. Cùng vấn đề này, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Tây Ninh cho hay theo quy định, khi tuyển dụng, những sinh viên đào tạo đào tạo theo nhu cầu xã hội (tự bỏ tiền ra để đi học, không được hỗ trợ) và những sinh viên đặt hàng đào tạo đều cùng thi tuyển như nhau. Vì vậy, sinh viên được đặt hàng đào tạo có thể vẫn trượt kỳ thi tuyển dụng vì lý do khách quan và trong trường hợp này, khó có thể yêu cầu bồi hoàn kinh phí vì họ cũng muốn thực hiện theo cam kết. Từ thực tế này, lãnh đạo các địa phương cho rằng nếu đặt hàng theo Nghị định 116, tỷ lệ rủi ro rất cao khi không thể tuyển được người đã đặt hàng khi không có chính sách ưu tiên tuyển dụng đồng, dẫn đến nhiều địa phương không mặn mà với chính sách này, đặc biệt là các địa phương có kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp.
Bên cạnh đó, một số địa phương cho biết chưa có nhu cầu đặt hàng. Sở GDĐT Bắc Giang cũng cho hay tính đến năm 2026, tỉnh này cũng chưa có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 do vẫn thừa chỉ tiêu so với kế hoạch tinh giản biên chế. Cụ thể, kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026 của tỉnh, tổng số biên chế sự nghiệp giáo dục phải tinh giản 10% tương ứng là 2.800 người. Đến năm 2026, chỉ tính số biên chế cán bộ quản lý, giáo viên và tổng phụ trách đội còn lại sau kế hoạch tinh giản là 23.160 người. Tuy nhiên, theo tính toán của Sở GDĐT Bắc Giang, sau khi trừ số người nghỉ hưu, số biên chế năm 2026 của ngành giáo dục Bắc Giang là 24.316 người, dư so với biên chế sau kế hoạch tinh giản là 1.156 người.
Để khắc phục các hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện Nghị định 116, lãnh đạo các địa phương đã đề nghị Bộ GDĐT tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 116. Tại Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 2/4/2024 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 62-KL/TW ngày 2/10/2023 của Bộ Chính trị, Chính phủ giao Bộ GDĐT rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế, tính công bằng xã hội và bảo toàn vốn ngân sách nhà nước mà vẫn đảm bảo biên chế giáo viên của các địa phương. Bộ GDĐT đã soạn thảo dự thảo tờ trình và dự thảo văn bản sửa đổi Nghị định 116 theo hướng vẫn giữ phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm nhưng không bắt buộc các địa phương phải thực hiện, mà tùy theo điều kiện, nhu cầu của các địa phương thì tự đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện đặt hàng.
Về vấn đề bồi hoàn kinh phí, Bộ GDĐT đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan đơn vị. Theo đó, các cơ sở đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với các sinh viên sư phạm đang học tại các cơ sở đào tạo chuyển ngành, nghỉ học hoặc thôi học; ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với sinh viên sư phạm thường trú tại địa phương đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định. Dự thảo cũng quy định sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí.
Năm học 2024-2025, sửa đổi Nghị định 116 cũng là một trong những nhiệm vụ được Bộ GDĐT đặt ra với giáo dục đại học trong năm học 2024-2025. Theo đó, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên chủ động làm việc với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo.
Thái Bình