Đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Kinh nghiệm từ Lào Cai

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Lào Cai có trên 61.000 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm 71,5%. Là một trong những tỉnh nghèo, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ học sinh dân tộc lớn nhất cả nước, Lào Cai đã đặc biệt chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như một trong vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Với những nỗ lực của ngành giáo dục Lào Cai và sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp lãnh đạo trong tỉnh, Lào Cai đã đạt những kết quả đáng khích lệ như 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, cao hơn 18% so với trung bình cả nước (toàn quốc 82,2%); duy trì tỷ lệ chuyên cần đạt 98,7%; 100% học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

Môi trường giao tiếp hạn chế khiến việc học tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số gặp khó khăn. Ảnh: PV

 “Học ngày chưa đủ, tranh thủ học đêm”

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Lào Cai đã tham mưu Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản để hoàn chỉnh mạng lưới, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường chất lượng giáo dục, trong đó có Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số. Lào Cai cũng thực hiện chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp từ giáo dục mầm non đến giáo dục tiểu học để tăng cường tiếng Việt cho học sinh, tạo nền móng duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo tiểu học.

Cụ thể, theo Sở GDĐT Lào Cai, tỉnh đã huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) ra lớp để tăng cường tiếng Việt. Để thực hiện điều này, Sở GDĐT Lào Cai đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương các cấp để thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt của Bộ GDĐT theo Quyết định số 1008/QĐ-TT ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” và Quyết định số 5006/QĐ-BGD&ĐT ngày 31/12/2021 của Bộ GDĐT tạo ban hành kế hoạch giai đoạn 2  thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Sở cũng đã tham mưu và ban hành kế hoạch số 24/KH-SGDĐT, ngày 19/1/2024 về “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, năm 2024”, thí điểm phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi. Năm học 2023 tỷ lệ trẻ ra lớp toàn tỉnh đạt 98,6%, cao hơn 5% so với mức trung bình chung cả nước (93,6%), riêng 4 tuổi đạt 99,5%, 5 tuổi đạt 99,9%.

Nhận thức việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một là vấn đề hết sức cần thiết, tạo tâm thế chuyển từ hoạt động chủ đạo ở mẫu giáo 5-6 tuổi sang hoạt động học ở tiểu học, nhất là phần củng cố, mở rộng vốn từ theo các chủ điểm, giúp học sinh dân tộc thiểu số tự tin vào lớp 1, Lào Cai đã chỉ đạo tổ cốt cán cấp tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng kịch bản và tập huấn trực tiếp cho 150 giáo viên trực tiếp dạy học lớp 1 vùng dân tộc thiểu số. Lào Cai triển khai thí điểm do các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức từ ngày 15/8 đến trước khi vào năm học mới. Đây là giải pháp tình thế khi chưa có chế độ, chính sách cho nhà giáo và học sinh học trong hè (tháng 6 hoặc 7).

Với bậc tiểu học, Lào Cai dạy tăng thời lượng môn tiếng Việt từ 2 đến 4 tiết mỗi tuần. 100% các trường tiểu học tỉnh Lào Cai thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường để dạy học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần hoặc 33 tiết/tuần và 10 buổi/tuần với 35 tiết/tuần). Các trường xây dựng kế hoạch dạy học môn tiếng Việt theo hướng tăng thời lượng ôn luyện những nội dung học sinh còn hạn chế, luyện đi, luyện lại kiến thức mới do nhiều từ học sinh chưa hiểu nghĩa, chưa đủ vốn từ để học tập các môn học khác; tăng thời lượng những nội dung chưa được giải quyết hết ở từng bài học theo các mức độ nhận thức, những nội dung phù hợp với văn hóa địa phương,...; dạy tăng cường tiếng Việt theo Bộ tài liệu Nâng cao năng lực dạy học môn toán, tiếng Việt của Bộ GDĐT. Với các trường phổ thông dân tộc bán trú, Lào Cai còn tăng thời lượng rèn luyện tiếng Việt cho học sinh vào buổi tối.

Triển khai nhiều cách thức đa dạng

Nắm bắt tâm lý học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, Lào Cai chủ trương xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt thân thiện với học sinh với nhiều mô hình, nhiều cách thức đa dạng, giúp học sinh tiếp cận tiếng Việt một cách thoải mái và linh hoạt.

Theo đó, 100% các trường thực hiện nhiều cách thức để khuyến khích học sinh đọc sách với các mô hình thư viện như thư viện đa năng, thư viện xanh, thư viện di động; làm truyện tranh khổ to, khổ nhỏ; tổ chức hội trại đọc. Không chỉ khuyến khích học sinh đọc sách ở trường, Lào Cai còn xây dựng thư viện cộng đồng tại các thôn bản; phối hợp với phụ huynh thông qua các hoạt động trải nghiệm “Ngày hội cha mẹ cùng con học tiếng Việt tại nhà”. Để tạo sân chơi và sự hứng thú, khích lệ cho học sinh, Lào Cai chỉ đạo tổ chức hội thi viết đúng, viết đẹp; kể chuyện tiếng Anh, tiếng Việt từ cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh nhằm nâng cao năng lực và các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Ngành giáo dục Lào Cai cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như xây dựng Mô hình lớp học thông minh, ứng dụng kết nối trong và ngoài nước (office 365, triển khai các nền tảng dạy học trực tuyến Microsoff Team, Zoom, Webex); khai thác học liệu điện tử; tham khảo, vận dụng các bài giảng điện tử, giáo án điện tử vào quá trình dạy và học; tập huấn giáo viên, chia sẻ chuyên môn với số lượng hơn 5.000 lượt người tham gia; ứng dụng công nghệ thông tin thông qua dạy học kết nối... Học sinh tham gia khảo sát chất lượng học sinh lớp 5 môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh thông qua phần mềm; tham gia các cuộc thi hình thức online như Trạng nguyên tiếng Việt; sơ đồ tư duy…

Theo Sở GDĐT tỉnh Lào Cai, một trong những kinh nghiệm quan trọng trong quá trình triển khai các giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non và tiểu học tại địa phương là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh hiểu, đồng hành cùng nhà trường để thực hiện các mục tiêu giáo dục.

Bên cạnh đó là việc đa dạng hoá các hoạt động giảng dạy trong các nhà trường để tạo sự hứng thú cho học sinh. Lào Cai đã chỉ đạo các trường tiểu học tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm, các mô hình trường học gắn với thực tiễn, các câu lạc bộ năng khiếu, giữ gìn bản sắc dân tộc... phù hợp với từng địa phương, đảm bảo mục tiêu giáo dục hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đặc biệt là năng lực đặc thù từng môn học. Nhằm đáp ứng xu thế phát triển chung của toàn xã hội hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, để mỗi ngày đến trường học sinh đều được thực học, thực hành và trải nghiệm, Lào Cai đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình “một ngày bán trú”, “bán trú tự quản”, “Nội trú, bán trú gắn với hướng nghiệp dạy nghề”, "Trường bán trú dân nuôi - Lương thực cho em", "Học sinh bán trú giúp nhau cùng tiến bộ", "Thư viện sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn", “Trường học đa văn hóa”... 100% các trường tổ chức “Ngày hội học sinh tiểu học tỉnh Lào Cai”.

Các hoạt động này đã góp phần thay đổi cách thức dạy học, giúp học sinh hứng thú học tập, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới giáo dục.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Kinh nghiệm từ Lào Cai tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn