Dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Tạo nền tảng tiếp cận tri thức mới

Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số luôn là một trong những vấn đề được Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp được triển khai. Trong đó, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là một giải pháp mang tính nền tảng, tạo tiền đề vững chắc để học sinh học tập tốt tất cả các môn học cũng như tiếp cận kiến thức mới.

Học sinh điểm trường Nà Ó, Trường mầm non Thanh Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: PV

Nhiều quyết sách tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Việc dạy học cho học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số hết sức khó khăn do vốn tiếng Việt của các em rất hạn chế. Trước khi đến trường, các em chưa được làm quen với Tiếng Việt do môi trường giao tiếp tiếng Việt các em hầu như không có. Khi đến trường, học sinh sử dụng tiếng Việt trên lớp nhưng khi về nhà lại giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, việc các em hiểu được nội dung của bài là điều hết sức khó khăn, để luyện viết được kỹ năng viết đúng các con chữ cũng là một điều hết sức nan giải. Vẫn còn tình trạng học sinh khi học xong lớp 1 được lên lớp nhưng sau khi nghỉ 2 tháng hè lên lớp 2 đã dần quên con chữ, giáo viên phải hỗ trợ, đánh vần cho các em. Đây cũng là khó khăn, thực trạng chung của các địa phương có học sinh dân tộc thiểu số.

Nhằm giúp học sinh dân tộc thiểu số thuận lợi hơn khi vào học lớp 1 ở tiểu học, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1008/QĐ-TTg ban hành đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, các sở giáo dục và đào tạo đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các phòng giáo dục đào tạo hướng dẫn các nhà trường thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Ngày 31/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có Quyết định số 5006/QĐ - BGDĐT ban hành Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Ngày 14/2/2023, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch số 149/KH-BGDĐT tổ chức cách hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số năm học 2023-2024. Bộ cũng ban hành công văn số 825/BGDĐT-GDTH ngày 2/3/2023 về việc Hướng dẫn tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.

Năm học 2023-2024, sau 2 năm triển khai “Kế hoạch giai đoạn 2 thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết 02 năm triển khai. Trên cơ sở đó tổng kết, đánh giá các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số và rút kinh nghiệm để kịp thời tăng cường các giải pháp phù hợp với địa phương.

Kết quả sơ kết cho thấy nhiều Sở GDĐT đã chủ động, tích cực tham mưu với uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn kinh phí và cơ sở vật chất tạo điều kiện cho các nhà trường triển khai hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông 2018 như Lào Cai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Nam, Phú Yên. Nhiều địa phương tích chủ động trong công tác truyển thông có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến cộng đồng như Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Kon Tum, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi… Nhiều nơi đã triển khai và vận dụng các giải pháp dạy học tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc vùng dân tộc thiểu số linh hoạt, phù hợp, mang lại hiệu quả cao như Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Phước, Sóc Trăng, Kon Tum, Gia Lai, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau… Các Sở GDĐT cũng đạt kết quả nổi bật trong công tác huy động xã hội hóa các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc vùng dân tộc thiểu số như Cần Thơ, Đà Nẵng, Lào Cai, Bắc Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên…

Kết quả sơ kết cũng cho thấy việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và tiểu học dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh. Với nền tảng tiếng Việt tốt, học sinh có thể học các môn học khác một cách dễ dàng hơn, hiểu bài hơn, từ đó giúp học sinh học và tiếp thu kiến thức ở bậc tiểu học nhanh hơn, hiệu quả hơn, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.

Trên cơ sở các kết qủa đạt được, ngày 8/12/2023, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một. Thông tư nhằm tổ chức, quản lý, hướng dẫn hoạt động dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập; hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt ở cả bốn phương diện: nghe, nói, đọc, viết, kỹ năng giao tiếp - ứng xử xã hội cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; xác định được những nội dung cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc dạy học tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Thông tư tiếp cận theo định hướng lấy phát triển năng lực tiếng Việt làm định hướng cơ bản. Theo đó, việc xây dựng nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực phát triển ngôn ngữ của trẻ ở từng giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; sử dụng nguyên tắc và phương pháp dạy tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ thứ hai. Trọng tâm của nội dung và phương pháp dạy học phù hợp là hoạt động học của trẻ (dạy học thông qua hoạt động chơi và hoạt động trải nghiệm). Dạy tiếng Việt theo quan điểm tích hợp và đa văn hóa: tích hợp dạy tiếng Việt với dạy các kỹ năng học tập ban đầu, tích hợp dạy tiếng Việt với dạy văn hóa dân tộc và văn hóa Việt.

Theo lãnh đạo các Sở GDĐT, Thông tư đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số đồng thời xây dựng căn cứ nhằm đưa ra những chế độ, chính sách đối với giáo viên, trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một thông qua việc đảm bảo các điều kiện thực hiện việc dạy học tiếng Việt.

 Thu hẹp khoảng cách giáo dục

Thực hiện Thông tư 23/2023/TT-BGDĐT, các Sở GDĐT đã triển khai xây dựng kế hoạch, tham mưu uỷ ban nhân dân tỉnh về việc xây dựng cơ chế, chính sách đối với giáo viên, học sinh trong quá trình triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số phù hợp với các điều kiện thực tế của địa phương. Các sở cũng xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học và cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn nội dung và phương pháp dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức thực hiện tăng cường tiếng Việt cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học thông qua tập huấn, sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường, giao lưu học hỏi các đơn vị bạn…

Là tỉnh biên giới miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc cùng sinh sống với 54% dân cư là người dân tộc thiểu số, gồm dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm, HRê, Mường, Nùng, Tày, Thái, Sán Dìu, Sán Chay, Kor, Kờ Ho, Khơ Me, Chăm, Ê Đê, Cà Tu, Dao… Kon Tum đã đẩy mạnh việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 thông qua nhiều mô hình như tăng cường tập nói tiếng Việt cho trẻ từ 3-5 tuổi, thông qua các hoạt động âm nhạc, văn học, chữ viết, triển khai mô hình “Vui học tiếng Việt”, “Học thông qua chơi”; thực hiện tuần làm quen với tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1; dạy tăng cường tiếng Việt ít nhất 4 tiết/tuần trong suốt năm học.

Triển khai Thông tư 23 của Bộ GDĐT, Kon Tum đã tăng định mức hỗ trợ giáo từ 26.000 đồng/tiết lến 40.000 đồng/tiết; tăng từ 30 tiết lên tối đa 80 tiết đối với trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1; sắp xếp đảm bảo việc nghỉ chế độ trong hè cho giáo viên vừa đáp ứng việc tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cho trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số. Kon Tum đã chủ động triển khai biên soạn tài liệu tăng cường tiếng Việt dành cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1; biên soạn và đưa tài liệu bổ trợ ngôn ngữ cho học sinh tiểu học dân tộc thiếu số tỉnh Kon Tum tích hợp vào các hoạt động dạy học/giáo dục, đặc biệt là tăng cường ở các tiết đọc thư viện của nhà trường. Tại Kon Tum, những bộ tài liệu này, được các nhà trường đón nhận, học sinh thích thú say mê, đảm bảo sự sẵn sàng cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1, đảm bảo mục tiêu gia tăng, mở rộng ngữ liệu giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, học sinh cũng có những hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của các vùng trên địa bàn tỉnh Kon Tum nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của các dân tộc.

Tại Lâm Đồng, từ năm 2016 cho đến năm 2024, trong dịp hè, tất cả trẻ em 6 tuổi người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đều được các trường tiểu học triển khai tăng cường tiếng Việt trước khi vào học lớp 1. Xác định Kế hoạch học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số là rất quan trọng, từ khi tổng kết các lớp mẫu giáo 5 tuổi, các trường đã thông báo cho cha mẹ học sinh biết về thời gian học tăng cường tiếng Việt hè. Từ ngày 1/7, tất cả học sinh dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh đã đến trường học các lớp làm quen tiếng Việt. Kế hoạch do uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt nên các ban, ngành, đoàn thể chính quyền địa phương cấp xã cùng với nhà trường tổ chức vận động học sinh ra lớp, các lớp được tổ chức chặt chẽ, có hiệu quả, phòng giáo dục và đào tạo tổ chức kiểm tra và đánh giá kết quả của các lớp. Giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt được thanh toán tiền thêm giờ cho, trả trực tiếp cho giáo viên. Học sinh được làm quen tiếng Việt qua các hoạt động nghe, nói, viết, các mẫu câu giao tiếp, làm quen sử dụng sách giáo khoa, tài liệu em nói tiếng Việt, vở, viết, cách dùng bảng con… Ngoài thời gian học tập, các em còn được vui chơi, tham gia các hoạt động tập thể cùng thầy cô và bạn bè, các nội dung dạy học theo Tài liệu em nói tiếng Việt của Bộ GDĐT ban hành. Từ năm 2016 cho đến nay, bình quân hè hằng năm có trên 7.000 học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt trong thời gian 1 tháng, tổng số kinh phí đã chi khoảng 24,7 tỷ đồng. Riêng hè năm 2024 có 7.247/7.261 trẻ 6 tuổi người dân tộc thiểu số tại 110 trường tiểu học vận động ra lớp học tham gia Chương trình tăng cường tiếng Việt, đạt tỷ lệ 99,8%. Cũng theo học lớp học này, có 479 em học sinh lớp 1 người dân tộc thiểu số được các thầy cô bồi dưỡng, ôn tập các kiến thức trước khi vào học lớp 2 năm học 2024-2025.

Tại Quảng Trị, theo thống kê của Sở GDĐT Quảng Trị, hằng năm tỉnh có khoảng 12.000 học sinh dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 19-20% học sinh tiểu học toàn tỉnh, tập trung nhiều nhất ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Việc triển khai các Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số ” đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức và sự quan tâm đặc biệt của địa phương, của ngành giáo dục tạo điều kiện thuận lợi để chất lượng và hiệu quả dạy học môn Tiếng Việt được cải thiện và thúc đẩy, góp phần quan trọng giúp giáo dục vùng núi, vùng có học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số tiệm cận với vùng đồng bằng miền xuôi. Cụ thể, kết quả giáo dục năm học 2023-2024 cho thấy tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt và hoàn thành chương trình môn tiếng Việt của 2 huyện miền núi là 97,7% và 97,33%; chỉ thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh hơn 1% (toàn tỉnh là 98,76%). Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình của 2 huyện miền núi là 99,0% và 98,7%; thấp hơn tỷ lệ toàn tỉnh chưa khoảng 1% (toàn tỉnh là 99,7%).

Theo nhiều lãnh đạo Sở GDĐT, dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp 1 kết hợp các hình thức tổ chức tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số không phải là việc làm một sớm một chiều mà là cả một quá trình, không chỉ thông qua dạy môn tiếng Việt mà còn tất cả các môn học khác, các hoạt động khác trong và ngoài trường học. Vì vậy, muốn có hiệu quả thì một mình ngành giáo dục không thể làm được mà cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng phối hợp với các thầy, cô giáo trong việc vận động học sinh ra lớp và giáo dục học sinh; đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập, xây dựng môi trường học tập thân thiện, không chỉ tổ chức trong lớp học mà có thể tổ chức mọi nơi với nhiều hình thức.

Thái Bình

Bạn đang đọc bài viết Dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Tạo nền tảng tiếp cận tri thức mới tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn