Giờ học môn Giáo dục địa phương cô và trò Trường THCS Pom lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: PV
Chương trình nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường của địa phương; bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, đất nước và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn.
Do là chương trình mới lần đầu được triển khai, cũng là nhiệm vụ hoàn toàn mới của các địa phương nên dù các tỉnh, thành phố, các sở giáo dục và đào tạo đã có nhiều nỗ lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có những chỉ đạo sát sao, chương trình GDĐP bước đầu đạt những kết quả tích cực nhất định nhưng cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ.
Chậm tiến độ biên soạn, phê duyệt tài liệu
Theo Bộ GDĐT, thực hiện các quy định và văn bản hướng dẫn của Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa như tổ chức xây dựng Khung nội dung GDĐP các cấp học, tổ chức biên soạn tài liệu GDĐP, tổ chức dạy thực nghiệm, tổ chức thẩm định và hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu GDĐP. Tuy nhiên, việc biên soạn, phê duyệt tài liệu GDĐP vẫn chậm tiến độ.
Tính đến tháng 7/2024, tất cả các tỉnh, thành phố đã có tài liệu GDĐP các lớp 1, 2, phê duyệt theo quy định Thông tư 33. Với lớp 5, có 29 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ tài liệu GDĐP lớp 5 gửi về Bộ. Theo kết quả phê duyệt tài liệu GDĐP đối với các lớp 1, 2, 3, 4 cho thấy việc gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu GDĐP về Bộ GDĐT của nhiều địa phương chưa đảm bảo tiến độ thời gian, còn chậm muộn. Có nhiều địa phương gửi hồ sơ chậm, muộn tới cả năm (Sơn La, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Hà Giang, Thanh Hóa…). Điều này ảnh hưởng lớn tới kế hoạch làm việc của Hội đồng tư vấn và đăc biệt ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học và quyền lợi của học sinh. Về in ấn, phát hành, các địa phương đã thực hiện công tác in và phát hành tài liệu GDĐP triển khai tổ chức dạy học tài liệu GDĐP cho các cơ sở giáo dục. Tuy vậy, đến nay mới có gần 20 tỉnh/thành phố thực hiện được công tác in và phát hành tài liệu tổ chức dạy học cho các nhà trường. Thực tế cho thấy công tác in, phát hành tài liệu GDĐP còn những khó khăn, bất cập khác nhau ở mỗi địa phương.
Việc in ấn, phát hành tài liệu GDĐP ở một số địa phương còn chậm, muộn; một số địa phương chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác xác định bản quyền, thẩm định giá và đấu thầu in ấn, phát hành. Theo báo cáo của các Sở GDĐT, đến tháng 7/2024, có 19 tỉnh, thành phố đã in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP các lớp 1, 2, 3, 4 (gồm An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Thuận, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thái Bình, Thanh Hóa, Yên Bái). Có 30 tỉnh, thành phố đã in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP lớp 1 và lớp 2, tuy nhiên phải dừng lại, không in ấn, phát hành được cả tài liệu GDĐP lớp 1, 2 và lớp 3, 4 (gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Phú Yên, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Tuyên Quang (Riêng tỉnh Phú Thọ đã in ấn tài liệu lớp 1, 2, 3 nhưng hiện nay đang dừng chưa in lớp 4). Có 14 tỉnh, thành phố chưa in ấn, phát hành được tài liệu GDĐP (gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc).
Về tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương, các Sở GDĐT đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho cán bộ quản lý và giáo viên các khối lớp có tài liệu GDĐP được phê duyệt với các chuyên gia, báo cáo viên là các tác giả xây dựng tài liệu. Hiện các tỉnh/thành phố có tài liệu GDĐP được Bộ GDĐT phê duyệt đã tổ chức dạy học tài liệu GDĐP. Các nhà trường, cơ sở giáo dục đã lồng ghép, tích hợp vào chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, cụ thể: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm. Kết quả bước đầu đã giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về văn hoá, lịch sử truyền thống; về địa lí, kinh tế, hướng nghiệp, xã hội và môi trường; về danh nhân, danh lam, thắng cảnh ở tỉnh, thành phố và làng xã nơi các em sinh sống; bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức mong muốn tìm hiểu, trách nhiệm gìn giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa của quê hương và vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
Nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Thực tế triển khai nội dung GDĐP cho thấy do đây nhiệm vụ mới theo phân cấp của địa phương nên còn nhiều lúng túng, khó khăn trong cách thức tiếp cận ban đầu với công việc ban hành kế hoạch, xây dựng khung nội dung, biên soạn, thẩm định tài liệu GDĐP theo thẩm quyền, trách nhiệm được quy định.
Qua báo cáo của các tỉnh/ thành phố và thực tế nghiên cứu hồ sơ, tiếp nhận tài liệu GDĐP tư vấn và phê duyệt, cho thấy phần lớn các tác giả thực hiện tài liệu GDĐP là cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, rất ít tỉnh/thành phố có mặt của các nhà văn hoá, nhà nghiên cứu giáo dục, am hiểu về chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều tác giả chưa có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, có những tác giả không đúng chuyên môn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của tài liệu GDĐP khi gửi về Bộ GDĐT tư vấn, phê duyệt. Kinh phí chi cho các công việc triển khai nội dung GDĐP còn thấp, chưa tương xứng với công việc cần thực hiện.
Trong công tác in ấn, phát hành cũng nhiều khó khăn, hiện nhiều địa phương vẫn chưa tổ chức in, phát hành tài liệu GDĐP do vướng các quy định. Cụ thể, phần lớn các địa phương đã phối hợp với các nhà xuất bản trong việc biên soạn, chế bản…, chi trả thù lao cho tác giả biên soạn, thẩm định. Tuy nhiên, sau khi bản thảo tài liệu được hoàn thiện, được Bộ GDĐT phê duyệt, bản quyền thuộc sở hữu của ủy ban nhân dân tỉnh (theo Luật giáo dục 2019) và phải đấu thầu in, phát hành theo quy định. Đo đó, nhiều địa phương đã phối hợp với các nhà xuất bản trong việc biên soạn, chế bản nhưng khi hoàn thành tài liệu GDĐP thì vướng mắc trong việc xác định quyền in, quyền phát hành bản thảo. Điều này dẫn đến quyền lợi của các nhà xuất bản bị ảnh hưởng khi thực hiện đấu thầu công khai với các nhà xuất bản khác để thực hiện xã hội hóa in ấn và phát hành tài liệu GDĐP. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong khâu thẩm định giá nên không tổ chức đấu thầu được. Đây là lý do của nhiều tỉnh không thể tổ chức đấu thầu và in tài liệu GDĐP.
Một số địa phương sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách để biên soạn, thẩm định theo Thông tư số 51/2019/TT-BTC ngày 15/9/2029 của Bộ Tài chính nên tài liệu GDĐP là tài sản công. Do là tài sản công nên thực hiện theo quy định Luật quản lý, sử dụng tài sản công, việc dùng tài sản công đem đấu thầu, in ấn xuất bản theo hướng xã hội hoá sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương vừa sử dụng tiền ngân sách, vừa sử dụng tiền xã hội hóa để biên soạn tài liệu GDĐP, dẫn đến sự chồng chéo, vướng mắc về quy định tài chính nên dừng chưa in được tài liệu.
Trong tổ chức triển khai dạy học, công tác tập huấn dạy học tài liệu GDĐP chưa được tổ chức đồng bộ, thiếu tài liệu, thiếu nguồn lực… Do không in, phát hành được tài liệu nên nhiều địa phương phải tổ chức dạy học tài liệu điện tử định dạng file PDF ảnh hưởng đến việc dạy và học của các cơ sở giáo dục.
Ở một số cơ sở giáo dục, giáo viên ngại khó/không khai thác/lồng ghép/tích hợp nội dung GDĐP vào tổ chức dạy học của mình. Hoặc do thiếu tài liệu bản in, phải sử dụng bản PDF nên nhiều giáo viên vận dụng hình thức, chiếu lệ cho đủ. Bên cạnh đó, còn một số giáo viên chưa linh hoạt, còn ôm đồm trong vận dụng nội dung GDĐP vào tổ chức dạy học gây ra tình trạng quá sức/quá tải cho học sinh.
Ngoài ra, còn những tồn tại, hạn chế về nội dung tài liệu GDĐP trước khi gửi Bộ GDĐT phê duyệt. Theo Hội đồng tư vấn của Bộ GDĐT khi nghiên cứu Khung tài liệu giáo dục địa phương và Tài liệu giáo dục địa phương các lớp của các tỉnh, thành phố gửi về Bộ GDĐT, những tồn tại này đã được Hội đồng tư vấn ghi rõ trong các biên bản họp của hội đồng và đề xuất cách sửa với từng tài liệu cụ thể.
Cần tháo gỡ các “nút thắt”
Để triển khai hiệu quả nội dung GDĐP, Bộ GDĐT đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các nhà xuất bản, tác giả biên soạn cần bám sát hệ thống văn bản chỉ đạo của Bộ để thực hiện đúng. Các sở tiếp tục nghiên cứu, rà soát tham mưu ủy ban nhân dân chỉnh sửa, hoàn thiện khung nội dung GDĐP; rà soát, cập nhật số liệu, ngữ liệu trong tài liệu đảm bảo tính chính xác, khoa học, hiện đại đảm bảo các tiêu chí về tài tài theo quy định tại Thông tư số 33/2020/TT-BGDĐT.
Đối với các tài liệu đã được Bộ phê duyệt, các sở cần rà soát, cập nhật hằng năm để bổ sung, điều chỉnh các thông tin, ngữ liệu hoặc hình ảnh đã lạc hậu, lỗi thời; đồng thời tổng hợp, cáo cáo kết quả bổ sung điều chỉnh về Bộ, cam kết đảm bảo về tính chính xác, khoa học đối với nội dung điều chỉnh.
Đối với các tài liệu GDĐP lớp 5 cần xây dựng theo hướng giúp học sinh tổng kết lại những kiến thức, kỹ năng… về nội dung GDĐP và các môn học khác ở các lớp dưới và tiếp nối để chuyển lên cấp học trên. Việc biên soạn, thẩm định, hoàn thiện tài liệu cần đặc biệt lưu ý việc lựa chọn ngữ liệu, hình ảnh đảm bảo theo quy định và lưu ý khắc phục những tồn tại, bất cập.
Về tài chính, thực hiện nội dung mức chi theo quy định tại Thông tư số 51/2019/TT-BTC ngày 15/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán, thanh quyết toán kinh phí biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trường hợp các địa phương thực hiện các định mức chi còn thấp, chưa thu hút được chuyên gia có chuyên môn cao, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương có đề xuất mức chi cụ thể (nội dung chi, mức chi thực tế, đặc thù địa phương…) và thuyết minh căn cứ đề xuất để Bộ Giáo dục và Đào tạo làm căn cứ đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi hoặc thay thế Thông tư số 51/2019/TT-BTC cho phù hợp.
Về công tác in, phát hành tài liệu GDĐP, Bộ GDĐT đề nghị các sở giáo dục và đào tạo tăng cường nghiên cứu các căn cứ pháp lý liên quan, tham khảo kinh nghiệm các địa phương đã thực hiện công tác in và phát hành tài liệu GDĐP để triển khai thực hiện.
Về công tác triển khai dạy học tài liệu GDĐP, việc tập huấn giáo viên cần thực hiện nghiêm túc để giáo viên hiểu, nắm rõ vị trí, vai trò, phương pháp tổ chức dạy học tài liệu GDĐP. Các nhà trường cần linh hoạt xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học nội dung GDĐP phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của trường, địa phương; phù hợp với đặc thù của môn học, cấp học. Với nội dung giáo dục “ Địa phương em” trong tài liệu GDĐP lớp 4 được ban hành Công văn số 5576/BGDĐT-GDTH ngày 02/12/2021 trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lý lớp 4 cấp tiểu học cần được thực hiện nghiêm túc và có hướng dẫn kịp thời để các nhà trường triển khai khai thác các chủ đề trong tài liệu GDĐP.
Các Sở GDĐT cần chủ động tham mưu, có giải pháp tháo gỡ để tài liệu GDĐP đến được với tất cả học sinh. Trong thời gian tài liệu chưa được in ấn, phát hành các Sở GDĐT cần có biện pháp hướng dẫn cụ thể để các nhà trường và giáo viên triển khai nội dung GDĐP phù hợp.
Thái Bình