Xã hội hóa để kiên cố hoá trường lớp: Kinh nghiệm từ Yên Bái

Là tỉnh miền núi, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn lực của phụ huynh và địa phương đều hạn chế, nhưng trong 10 năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực trong việc kiên cố hóa trường lớp học, đặc biệt là việc huy động các nguồn lực xã hội hoá để mang lại môi trường học tập tốt hơn cho học sinh

Học sinh Trường Mầm non Đại Đồng trong phòng học khang trang từ nguồn xã hội hoá. Ảnh: PV

Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa tăng gần 20%

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc với địa hình của tỉnh khá phức tạp, có độ dốc lớn, độ cao trung bình 600 mét so với mực nước biển và có thể chia làm hai vùng: vùng thấp mang nhiều đặc điểm của vùng trung du (chiếm 32,44% diện tích toàn tỉnh), vùng cao (chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh). Tỉnh có khí hậu đặc trưng của khí hậu cận nhiệt đới ẩm của miền Bắc Việt Nam, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông phi nhiệt đới lạnh và khô.

Với địa hình đồi núi cộng với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều nên Yên Bái thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là sạt lở đất và lũ quét. Tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn (30a) là huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông; có 173 xã, phường, thị trấn, trong đó có 59 xã đặc biệt khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Yên Bái, năm 2013, cả tỉnh có 6.069 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố 4.115 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 68%. Trong đó, bậc mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố hoá thấp nhất, chỉ đạt 50%; số phòng công vụ cho giáo viên là 360 phòng với tỷ lệ kiên cố hóa chỉ đạt 41,3%. Đến năm 2023, sau 10 năm, số phòng học đã tăng thêm hơn 800 phòng, lên 6.871 phòng học các cấp. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87,7%, tăng gần 20%.

Theo Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Yên Bái Đào Tuấn Anh, kết quả trên có được nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư, sự sát sao của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái cũng như chính quyền cấp huyện. Yên Bái đã có hàng loạt nghị quyết của Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.

Bên cạnh nguồn lực từ địa phương, là một tỉnh miền núi, Yên Bái đã đặc biệt chú trọng đến huy động xã hội hóa, từ tạo hành lang pháp lý đến tổ chức thực hiện. Năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ra Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Năm 2019, Yên Bái có Quyết định số 29/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển sang tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có khả năng xã hội hóa cao, giai đoạn 2019-2025.

Tỉnh cũng đã giao cho Sở GDĐT tổ chức quán triệt tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện vận động tài trợ theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện việc phổ biến và tuyên truyền về Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Huy động gần 224 tỷ đồng từ xã hội hóa

Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Yên Bái Đào Tuấn Anh cho hay trong 10 năm qua (từ 2013 đến 2023), Yên Bái đã huy động được 223,78 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hoá với 134 dự án được cấp phép và hoạt động. Từ đó, đã có thêm 455 phòng học và 36 phòng công vụ cho giáo viên của 79 trường được xây dựng. Diện tích đất đã bố trí cho các cơ sở giáo dục từ nguồn xã hội hoá là gần 24.000m2.

Cũng theo ông Đào Tuấn Anh, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng đã góp phần quan trọng để kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên cũng như các công trình phụ trợ, tạo điều kiện để học sinh có môi trường học tập tốt hơn, giáo viên yên tâm công tác, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách địa phương hạn hẹp.

Là một trong những đơn vị được thụ hưởng dự án xã hội hóa, cô Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho hay cơ sở vật chất của Trường Mầm non Đại Đồng được tiếp nhận lại từ một trường phổ thông. Vì vậy, điều kiện phòng học không tương thích với trẻ mầm non. Trường có bốn phòng học được xây hai tầng, còn lại là dãy nhà cấp 4. Năm 2019, Trường Mầm non Đại Đồng đã được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tài trợ 3,5 tỷ đồng xây dựng khu nhà hai tầng với 6 phòng học. Các phòng học mới đã giúp cho công tác chăm sóc trẻ bán trú được thuận lợi hơn, chất lượng hơn khi khang trang rộng rãi hơn, sạch đẹp hơn, tách riêng phòng học và phòng ngủ, phòng vệ sinh với trang thiết bị phù hợp với trẻ em. “Đây là niềm mơ ước của cán bộ, giáo viên nhà trường và nhân dân trong xã”, cô Trần Thị Thu Hằng nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm huy động nguồn lực xã hội hoá, ông Đào Tuấn Anh cho hay Yên Bái đã phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các sở, ban, ngành, địa phương về chức năng, nhiệm vụ để đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Bên cạnh đó là việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt chú trọng các yêu cầu về công khai mức học phí, công khai tài chính, xã hội hoá giáo dục đảm bảo chất lượng và hiệu quả theo đúng các quy định của nhà nước, gắn liền với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông tin cụ thể hơn về các mô hình, giải pháp huy động xã hội hóa mà Yên Bái đã vận dụng, ông Đào Anh Tuấn cho biết Yên Bái đã huy động các nguồn vốn từ các nguồn đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong quá trình huy động cần đảm bảo sự tham gia đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.

Tỉnh cũng lồng ghép nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động, nội dung, nhiệm vụ có cùng mục tiêu và trên cùng một địa bàn cấp xã, cấp huyện. Từ đó bảo đảm không làm thay đổi các mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án; giảm thiểu chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn. Tỉnh cũng phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong thực hiện lồng ghép các nguồn vốn.

Ngoài ra, Yên Bái cũng xây dựng kế hoạch, lộ trình để thu hút các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục tại địa phương, ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp điều kiện, mức độ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương.

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Yên Bái Đào Tuấn Anh cho rằng bài học kinh nghiệm là cấp ủy, chính quyền cần nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của giáo dục, có sự quan tâm cao và đầu tư đúng mức, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các trường hoạt động. Quá trình thực hiện cần xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn; phân công trách nhiệm cho từng bộ phận theo đúng chức năng, quyền hạn, có sự kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng tiến độ và đạt hiệu quả.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các ban, ngành liên quan để đảm bảo các hạng mục đúng quy chuẩn; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn huy động được, sắp xếp thứ tự ưu tiên các hạng mục cần thực hiện với phương châm an toàn, hiệu quả.

Thái Bình

Tài liệu tham khảo:

Báo cáo Thực trạng và công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái.

Bạn đang đọc bài viết Xã hội hóa để kiên cố hoá trường lớp: Kinh nghiệm từ Yên Bái tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn