Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tạo nên những thay đổi sâu sắc trên toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Kỉ nguyên số hóa này đòi hỏi các hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học, phải thích ứng để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế dựa trên tri thức. Sự phát triển của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác đã làm gia tăng nhu cầu về một lực lượng lao động có kĩ năng chuyên môn cao, đồng thời thúc đẩy giáo dục đại học phải chuyển đổi mạnh mẽ để phù hợp với yêu cầu mới của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Với cuộc CMCN 4.0, sự thay đổi trong môi trường làm việc trở nên nhanh chóng và phức tạp hơn bao giờ hết. Công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo không chỉ hỗ trợ mà còn có khả năng thay thế lao động con người trong nhiều công việc truyền thống, khiến cho giáo dục đại học cần chú trọng hơn nữa vào phát triển kĩ năng tư duy sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề phức tạp của sinh viên. Trước thách thức đó, các trường đại học ở Việt Nam không chỉ cần thay đổi chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy mà còn cần phát triển một hệ sinh thái giáo dục hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức và kĩ năng.
Thách thức lớn nhất mà mà CMCN 4.0 đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam đó là nguy cơ tụt hậu nếu các trường đại học không đổi mới kịp thời. Với sự phát triển nhanh chóng của tự động hóa và công nghệ, nhiều công việc truyền thống có nguy cơ bị thay thế bởi các hệ thống trí tuệ nhân tạo và robot. Điều này không chỉ làm thay đổi nhu cầu lao động của thị trường mà còn đòi hỏi sinh viên phải sở hữu các kĩ năng phức tạp hơn để thích nghi với môi trường làm việc mới. Trường hợp Việt Nam, nếu hệ thống giáo dục đại học không thể đáp ứng được những thay đổi này, nguy cơ tụt hậu sẽ rất cao. Điều này đòi hỏi các trường cần phải có những cải tiến căn bản về cấu trúc chương trình đào tạo, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang tập trung vào phát triển kĩ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng tự học của sinh viên.
Tuy nhiên, bên cạnh thách thức trên, CMCN 4.0 cũng mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam. Công nghệ số không chỉ hỗ trợ mà còn tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với các hình thức học tập mới, phong phú và linh hoạt hơn. Việc học tập trực tuyến, cùng với các ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), cho phép sinh viên học mọi lúc, mọi nơi, trải nghiệm các bài học trực quan, sinh động mà phương pháp giảng dạy truyền thống khó đạt được. Đặc biệt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục giúp cá nhân hóa lộ trình học tập của từng sinh viên, cho phép xây dựng các chương trình học phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng riêng biệt của mỗi cá nhân. Công nghệ này còn hỗ trợ quản lí lớp học, theo dõi và đánh giá tiến độ học tập của sinh viên một cách chính xác, giúp giảng viên có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy kịp thời, nâng cao hiệu quả giáo dục và tạo ra môi trường học tập đa dạng, hấp dẫn cho sinh viên. Để có thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong kỉ nguyên số hóa bao gồm nhiều khía cạnh từ nhận thức đến phương pháp, trước hết, các trường đại học cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của CMCN 4.0 trong việc thay đổi phương thức giáo dục và đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ từ cách tiếp cận truyền thống dựa trên truyền thụ kiến thức sang phát triển kĩ năng sáng tạo, khả năng tự học và phát triển cá nhân. Vai trò của giảng viên trong môi trường này không còn là người truyền đạt đơn thuần mà trở thành người thiết kế, hỗ trợ và tạo động lực, khuyến khích sinh viên chủ động hơn trong học tập và chịu trách nhiệm về quá trình học tập của mình. Đây là một bước chuyển đổi lớn trong cách giảng dạy, đòi hỏi sự thay đổi về cả tư duy và kĩ năng của giảng viên để đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Ngoài ra, chương trình đào tạo cần được cá nhân hóa để phù hợp với nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên, giúp các em tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả và linh hoạt. Các trường đại học cũng cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đảm bảo rằng sinh viên được trang bị các kĩ năng phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường lao động hiện đại. Bằng cách thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, giáo dục đại học có thể hỗ trợ sinh viên trang bị những kĩ năng thiết yếu, từ kĩ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm đến kĩ năng chuyên môn đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn. Những đổi mới này không chỉ giúp sinh viên có khả năng cạnh tranh cao hơn mà còn xây dựng một môi trường học tập bền vững, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu và thách thức của thời đại công nghệ.
Cuộc CMCN 4.0 đang thay đổi sâu sắc giáo dục đại học tại Việt Nam, mang đến cả thách thức và cơ hội to lớn cho các nhà giáo dục. Để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức, giáo dục đại học Việt Nam cần cải tiến hệ thống đào tạo thông qua đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ và xây dựng môi trường học tập hiện đại, đáp ứng yêu cầu của kỉ nguyên số hóa. Vì vậy, các trường đại học cần tập trung vào việc phát triển năng lực của giảng viên và sinh viên thông qua các chương trình đào tạo mới và mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để chuẩn bị cho sinh viên một cách toàn diện cho thị trường lao động hiện đại. Điều này sẽ nền tảng quan trọng để giáo dục đại học Việt Nam phát triển bền vững, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và xã hội trong thời đại công nghệ số.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Tri, N. M., Hoang, P. D., & Dung, N. T. (2021). Impact of the industrial revolution 4.0 on higher education in Vietnam: challenges and opportunities. Linguistics and Culture Review, 5 (S3), 1-15.