Xem xét về tính bản ngữ và phi bản ngữ của giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam

Trong bối cảnh giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, vai trò của giáo viên bản ngữ và phi bản ngữ được quan tâm sâu sắc, đặc biệt là sự ảnh hưởng của các ý thức hệ đơn ngữ đối với việc tuyển dụng và đánh giá giáo viên tiếng Anh. Tuy vậy, yếu tố chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy vẫn được coi trọng hơn đặc điểm bản ngữ trong nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu về một lực lượng lao động thành thạo tiếng Anh ngày càng tăng, Việt Nam tiến hành nhiều đổi mới quan trọng trong hệ thống giáo dục nhằm nâng cao giảng dạy tiếng Anh ở mọi cấp độ. Chính phủ Việt Nam xác định việc cải thiện khả năng tiếng Anh là một phần chiến lược thiết yếu cho hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế. Từ năm 2008, thông qua Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Việt Nam đã tăng cường việc dạy tiếng Anh tại các trường học, cao đẳng, đại học và các trung tâm ngoại ngữ trên toàn quốc, với mục tiêu trang bị cho học sinh, sinh viên và người lao động những kĩ năng cần thiết để giao tiếp hiệu quả trong môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là sự phân biệt giữa giáo viên bản ngữ và giáo viên phi bản ngữ, đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Nghiên cứu này sẽ đi sâu vào vấn đề trên trong bối cảnh giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam.

Việt Nam nằm trong vòng mở rộng của ngôn ngữ Anh theo lí thuyết của Kachru (1990), nơi tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ ngoại ngữ và không phải là ngôn ngữ chính thức của quốc gia. Điều này tạo ra một số thách thức trong việc lựa chọn giáo viên dạy tiếng Anh, đặc biệt là sự ưu ái dành cho giáo viên bản ngữ so với giáo viên phi bản ngữ. Phụ huynh và học sinh Việt Nam thường tin rằng giáo viên bản ngữ cung cấp “chuẩn” tiếng Anh tốt hơn và giúp học sinh phát âm cũng như sử dụng tiếng Anh tự nhiên hơn. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng chỉ ra rằng giáo viên phi bản ngữ, nếu được đào tạo tốt, có thể cung cấp những lợi thế giảng dạy không hề kém cạnh so với giáo viên bản ngữ, nhất là trong việc hiểu và hỗ trợ học sinh trong quá trình học.

Việc chọn lựa và đánh giá giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ đơn ngữ. Ý thức hệ này thường nhấn mạnh đến tính chuẩn mực của ngôn ngữ, với giáo viên bản ngữ được coi là những người truyền đạt ngôn ngữ chính xác nhất về ngữ pháp, phát âm và từ vựng. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Trong môi trường đa ngôn ngữ như Việt Nam, nơi học sinh thường gặp khó khăn khi học tiếng Anh, giáo viên phi bản ngữ có thể mang lại nhiều lợi ích đặc biệt. Họ đã trải qua quá trình học ngôn ngữ giống với học sinh, do đó, họ có thể thấu hiểu những khó khăn mà học sinh gặp phải, từ đó áp dụng những phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc chia sẻ cùng nền văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ giúp giáo viên phi bản ngữ dễ dàng giải thích các khái niệm phức tạp trong tiếng Anh theo cách mà học sinh dễ dàng tiếp thu.

Nguồn: Sưu tầm

Các chính sách tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt trong thời gian gần đây. Bộ GD-ĐT đã thắt chặt các yêu cầu đối với giáo viên nước ngoài, yêu cầu họ phải có bằng cấp liên quan đến giảng dạy tiếng Anh, như chứng chỉ TESOL hoặc TEFL, nhằm đảm bảo rằng họ đủ trình độ chuyên môn để giảng dạy tại các trường học và trung tâm ngoại ngữ. Điều này phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mặc dù có những thay đổi này, sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch và chủng tộc vẫn tồn tại. Chẳng hạn, giáo viên đến từ những quốc gia không nói tiếng Anh bản ngữ như Philippines, dù có đủ bằng cấp và chứng chỉ giảng dạy, vẫn gặp khó khăn trong việc được công nhận và tìm kiếm việc làm tại Việt Nam. Tình trạng này đã tạo ra sự bất công trong quá trình tuyển dụng, khi giáo viên bản ngữ, bất kể trình độ chuyên môn, thường được ưu tiên hơn.

Mặc dù giáo viên bản ngữ được coi là “chuẩn mực” về ngôn ngữ, nghiên cứu cho thấy điều này không đảm bảo rằng những giáo viên bản ngữ này có khả năng giảng dạy tốt hơn giáo viên phi bản ngữ. Nhiều giáo viên phi bản ngữ đã được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm giảng dạy phong phú, trong khi một số giáo viên bản ngữ có thể không có bằng cấp hoặc chứng chỉ giảng dạy phù hợp. Điều này dẫn đến sự không nhất quán trong việc đánh giá năng lực giảng dạy dựa trên yếu tố bản ngữ. Thực tế cho thấy, yếu tố bản ngữ không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giảng dạy, mà còn cần xem xét đến trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Các chính sách tuyển dụng giáo viên nước ngoài đã được điều chỉnh để đảm bảo chất lượng, tuy nhiên việc thực hiện các chính sách này vẫn gặp không ít khó khăn. Một số trung tâm ngoại ngữ không thể đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng mới, dẫn đến việc phải đóng cửa. Điều này đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa số lượng và chất lượng giáo viên tiếng Anh tại Việt Nam, nhất là khi nhu cầu học tiếng Anh ngày càng gia tăng. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào yếu tố bản ngữ, các nhà hoạch định chính sách cần xem xét nhiều hơn đến năng lực và kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh và xã hội.

Một điểm đáng chú ý khác trong nghiên cứu này là sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa và năng lực giảng dạy. Các giáo viên phi bản ngữ, đặc biệt là những người có cùng nền văn hóa với học sinh, có thể tạo ra một môi trường học tập thân thiện và dễ hiểu hơn. Họ có khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ để giải thích những khái niệm phức tạp trong tiếng Anh, từ đó giúp học sinh dễ dàng tiếp thu hơn. Hơn nữa, giáo viên phi bản ngữ cũng thấu hiểu quá trình học ngôn ngữ của học sinh, vì họ đã từng trải qua quy trình tương tự. Điều này cho phép họ áp dụng những phương pháp giảng dạy phù hợp, hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn trong việc học tiếng Anh.

Việc dạy tiếng Anh tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là một hoạt động giảng dạy ngôn ngữ, mà còn có tính chất chính trị và xã hội. Đánh giá năng lực của giáo viên không nên chỉ dựa vào yếu tố bản ngữ, mà cần xem xét một cách toàn diện hơn về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và sự phù hợp với bối cảnh văn hóa của học sinh. Các nhà hoạch định chính sách nên điều chỉnh các tiêu chí tuyển dụng để đảm bảo sự công bằng và khuyến khích sự phát triển của những giáo viên có năng lực, bất kể đó là giáo viên bản ngữ hay phi bản ngữ. Chỉ khi thực hiện được điều này, giáo dục ngoại ngữ tại Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu của một xã hội ngày càng toàn cầu hóa.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Nguyen, C. H., & Nguyen, N. X. (2023). Rethinking (Non) Nativeness among English-Speaking Teachers in Vietnam. rEFLections30(2), 574-589.

Bạn đang đọc bài viết Xem xét về tính bản ngữ và phi bản ngữ của giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn