Ảnh hưởng của trí tuệ - cảm xúc trong việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai: Góc nhìn của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh

Nghiên cứu này khám phá tác động của trí tuệ cảm xúc đối với việc học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai thông qua góc nhìn từ sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Kết quả cho thấy trí tuệ cảm xúc, thông qua các yếu tố như động lực, tự tin và kĩ năng giao tiếp có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả học tập, từ đó mở ra hướng phát triển mới cho phương pháp giảng dạy ngôn ngữ.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ không chỉ quan trọng trong lĩnh vực học thuật mà còn là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội việc làm và giao lưu văn hóa, đặc biệt ở Việt Nam. Việc học tiếng Anh không chỉ dừng lại ở việc nắm vững kiến thức ngôn ngữ mà còn đòi hỏi sinh viên phải phát triển nhiều kĩ năng mềm khác, trong đó có trí tuệ cảm xúc (EI). Trí tuệ cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí cảm xúc cá nhân, giao tiếp hiệu quả và tạo dựng mối quan hệ xã hội tích cực. Mặc dù vai trò của EI đã được nghiên cứu rộng rãi trong nhiều lĩnh vực học tập, tác động của EI lên việc học ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nghiên cứu này tập trung vào việc khám phá mối quan hệ giữa EI và việc học ngôn ngữ thứ hai, cụ thể từ quan điểm của sinh viên chuyên ngành tiếng Anh.

Nguồn: Sưu tầm

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng EI có ảnh hưởng tích cực đáng kể đến quá trình tiếp thu tiếng Anh của sinh viên chuyên ngành. Được tiến hành trên 105 sinh viên, nghiên cứu cho thấy các đặc điểm quan trọng của EI bao gồm động lực (motivation), sự tự tin (self-confidence), kĩ năng giao tiếp (interpersonal skills), tư duy định hướng mục tiêu (goal-oriented mindset), và sự cởi mở cảm xúc (emotional openness) có tác động mạnh mẽ đến kết quả học tập của sinh viên.

Trong đó, động lực (motivation) được xác định là yếu tố quan trọng nhất. Sinh viên có động lực cao thường tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự học và giao tiếp với người bản ngữ, giúp họ phát triển kĩ năng ngôn ngữ nhanh chóng. Động lực còn giúp họ đặt ra các mục tiêu rõ ràng và kiên trì theo đuổi, vượt qua những thách thức trong quá trình học tập. Nhiều sinh viên cho rằng động lực chính là yếu tố giúp họ duy trì sự hứng thú và nỗ lực không ngừng trong việc học tiếng Anh.

Sự tự tin (self-confidence) cũng là một yếu tố nổi bật, khi sinh viên có sự tự tin cao hơn thường chủ động tìm kiếm cơ hội thực hành ngôn ngữ thực tế. Họ sẵn sàng thử nghiệm các cấu trúc ngôn ngữ mới và không sợ mắc lỗi, từ đó giúp họ phát triển sự lưu loát và khả năng giao tiếp hiệu quả. Sự tự tin này cũng được thể hiện qua việc sinh viên dám chấp nhận những thử thách trong học tập, từ việc tham gia các cuộc thảo luận đến việc sử dụng tiếng Anh trong các tình huống thực tế.

Kĩ năng giao tiếp (interpersonal skills) là yếu tố thứ ba, giúp sinh viên dễ dàng tương tác với giảng viên, bạn học và người bản ngữ. Những sinh viên có kĩ năng giao tiếp tốt thường dễ dàng hiểu được ngữ cảnh giao tiếp, nhận diện tín hiệu phi ngôn ngữ và phản hồi phù hợp, từ đó tạo dựng các mối quan hệ tích cực và học hỏi nhiều hơn từ người khác. Kĩ năng giao tiếp không chỉ giúp họ học ngôn ngữ mà còn giúp họ hiểu được văn hóa và cách thức tương tác trong các môi trường giao tiếp khác nhau.

Tư duy định hướng mục tiêu (goal-oriented mindset) giúp sinh viên lên kế hoạch rõ ràng, quản lí thời gian hiệu quả và liên tục theo dõi tiến trình của mình. Sinh viên với tư duy này thường xây dựng các lộ trình học tập chi tiết, từ đó tối ưu hóa kết quả học tập. Cuối cùng, sự cởi mở cảm xúc (emotional openness) giúp sinh viên dễ dàng tiếp nhận phản hồi và sửa đổi bản thân, tạo điều kiện cho sự phát triển liên tục trong học tập và giao tiếp. Những sinh viên có sự cởi mở cảm xúc thường có thái độ tích cực, sẵn sàng chia sẻ và lắng nghe, từ đó xây dựng môi trường học tập hỗ trợ và phát triển toàn diện.

Tóm lại, nghiên cứu khẳng định EI có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tiếng Anh của sinh viên chuyên ngành, đặc biệt thông qua các yếu tố như động lực, sự tự tin, kĩ năng giao tiếp, tư duy định hướng mục tiêu và sự cởi mở cảm xúc. Những yếu tố này không chỉ giúp sinh viên phát triển năng lực ngôn ngữ mà còn hỗ trợ họ vượt qua rào cản tâm lí, nâng cao khả năng giao tiếp và tự tin hơn. Nghiên cứu mang đến góc nhìn mới khi nhấn mạnh rằng “việc học ngôn ngữ không chỉ dựa vào kiến thức mà còn phụ thuộc vào sự phát triển cảm xúc”. Sinh viên có EI cao thường đạt kết quả tốt hơn và có lợi thế trong môi trường học tập và công việc sau này. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thừa nhận một số hạn chế như số lượng mẫu nhỏ và dữ liệu tự báo cáo, ảnh hưởng đến tính chính xác. Do đó, các chương trình giáo dục nên xem xét lồng ghép phát triển EI vào quá trình dạy và học tiếng Anh để đạt hiệu quả toàn diện hơn.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Thao, L. T., Thuy, P. T., Thi, N. A., Yen, P. H., Thu, H. T. A., & Tra, N. H. (2023). Impacts of Emotional Intelligence on Second Language Acquisition: English-Major Students’ Perspectives. SAGE Open13(4), 21582440231212065.

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19