So sánh giáo dục tiếng Anh giữa Việt Nam và Nhật Bản: Một nghiên cứu tổng quan tài liệu

Bài báo so sánh giáo dục tiếng Anh tại các trường trung học Việt Nam và Nhật Bản, tập trung vào kĩ năng nói. Thông qua phân tích các nghiên cứu trước, bài báo làm rõ thách thức và phương pháp cải thiện khả năng nói tiếng Anh của học sinh ở cả hai quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu nâng cao trình độ tiếng Anh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với cả Nhật Bản và Việt Nam. Ở Nhật Bản, từ năm 1998, các cải cách giáo dục đã chuyển hướng trọng tâm giảng dạy ngoại ngữ sang tiếng Anh. Tại Việt Nam, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã được triển khai để cải thiện năng lực ngoại ngữ của học sinh, giúp họ hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Dù đã có nhiều nỗ lực, cả hai quốc gia đều đạt thứ hạng thấp về trình độ tiếng Anh trên bảng xếp hạng toàn cầu, cho thấy sự cần thiết phải cải thiện các phương pháp giáo dục, đặc biệt là trong việc giảng dạy kĩ năng nói.

Bài báo so sánh giáo dục tiếng Anh tại các trường trung học ở Nhật Bản và Việt Nam, với trọng tâm là kĩ năng nói. Kết quả cho thấy, tại Nhật Bản, mặc dù có những nỗ lực nhằm cân bằng giữa bốn kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết), nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức do năng lực tiếng Anh của cả giáo viên và học sinh còn hạn chế. Đặc biệt, khả năng nói tiếng Anh của học sinh chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ. Các học sinh Nhật Bản thường cảm thấy lo lắng về khả năng nói của mình, điều này dẫn đến sự thiếu tự tin khi tham gia vào các hoạt động nói trong lớp học. Ngoài việc thiếu cơ hội thực hành tiếng Anh ngoài lớp học, một số nghiên cứu nhấn mạnh rằng các bài kiểm tra đánh giá không phản ánh đầy đủ khả năng nói của học sinh. Các kì thi đầu vào chủ yếu tập trung vào kĩ năng đọc và viết, khiến kĩ năng nói bị bỏ qua, và học sinh không có động lực để cải thiện kĩ năng này. Các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng cần có những phương pháp giáo dục và thiết kế môi trường học tập thích hợp nhằm động viên, khuyến khích học sinh rèn luyện và cải thiện kĩ năng nói.

Nguồn ảnh: Sưu tầm

Tương tự, Việt Nam cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc giảng dạy kĩ năng nói tiếng Anh. Một trong những vấn đề chính là học sinh có rất ít cơ hội tiếp xúc và thực hành tiếng Anh ngoài lớp học, do tiếng Anh không phải là ngôn ngữ chính thức và không phổ biến trong đời sống hàng ngày. Điều này khiến cho học sinh khó áp dụng những gì họ đã học được vào các tình huống thực tế. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu đã đề cập đến việc sử dụng công nghệ thông tin (ICT) trong giảng dạy tiếng Anh như một phương tiện hỗ trợ học sinh rèn luyện kĩ năng nói. Công nghệ này giúp học sinh có cơ hội luyện tập ngoài lớp học và giảm bớt sự phụ thuộc vào giáo viên. Tuy nhiên, hạn chế về cơ sở hạ tầng và khả năng sử dụng công nghệ của giáo viên khiến việc triển khai công nghệ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Bên cạnh đó, sự nhút nhát và sợ mắc lỗi cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng nói tiếng Anh của học sinh. Trong văn hóa Việt Nam, việc tôn trọng thứ bậc được đề cao, điều này khiến học sinh e ngại khi nói tiếng Anh trước bạn bè hoặc lo sợ về việc mắc lỗi. Kết quả là học sinh thiếu tự tin và không sẵn sàng tham gia vào các hoạt động nói trong lớp học. Một vấn đề khác là khó khăn trong phát âm và ngữ điệu. Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn âm tiết và có thanh điệu, trong khi tiếng Anh có cấu trúc đa âm tiết và ngữ điệu hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt này khiến cho học sinh Việt Nam gặp khó khăn trong việc phát âm chính xác và sử dụng ngữ điệu đúng trong tiếng Anh.

Kết quả so sánh cũng cho thấy, cả Nhật Bản và Việt Nam đều đối mặt với những thách thức tương tự trong việc phát triển kĩ năng nói của học sinh, bao gồm việc thiếu cơ hội thực hành tiếng Anh ngoài lớp học và sự lo lắng, e ngại khi nói trước người khác. Những yếu tố này đòi hỏi các phương pháp giảng dạy cần được cải tiến và tạo ra một môi trường học tập thích hợp để khuyến khích học sinh tham gia tích cực hơn vào các hoạt động nói. Dù có những nỗ lực và cải tiến trong giảng dạy tiếng Anh, cả Nhật Bản và Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các phương pháp mới để cải thiện kĩ năng nói. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng công nghệ và điều chỉnh các kì thi để đánh giá toàn diện hơn các kĩ năng ngôn ngữ của học sinh. Kết quả phân tích các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng, ở Nhật Bản, các nghiên cứu tập trung vào 4 nhóm chính: phát triển phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, tâm lí học sinh, và năng lực của giáo viên. Trong khi đó, ở Việt Nam, có 5 nhóm nghiên cứu chính: phát triển phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đánh giá, tâm lí học sinh, và các vấn đề gặp phải trong việc giảng dạy kĩ năng nói. Kết quả này cho thấy rằng cả hai quốc gia đều dành sự chú ý nhiều nhất cho việc phát triển các phương pháp giảng dạy, trong khi đánh giá là chủ đề phổ biến thứ hai.

Nhật Bản và Việt Nam đều gặp những thách thức tương tự trong việc giảng dạy kĩ năng nói tiếng Anh ở cấp trung học phổ thông, dù đã có những cải cách giáo dục đáng kể. Các khó khăn chính bao gồm hạn chế về môi trường thực hành ngoài lớp học, sự lo lắng của học sinh khi giao tiếp và năng lực giảng dạy của giáo viên. Vì vậy, cần thiết phải cải tiến phương pháp giảng dạy, tập trung vào phát triển kĩ năng giao tiếp thực tế bên cạnh kiến thức ngữ pháp và từ vựng. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy được xem là giải pháp tiềm năng, giúp học sinh có thêm cơ hội thực hành, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và đào tạo cho giáo viên. Tổng kết lại, việc điều chỉnh chương trình giảng dạy, tăng cường đào tạo giáo viên và ứng dụng công nghệ vào lớp học là những yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả giảng dạy kĩ năng nói tiếng Anh, giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của môi trường toàn cầu hóa.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Tokito, J., Huong, N. T. M., & Huong, N. T. C. (2023, May). A Comparative Study of English Education between Vietnam and Japan through Literature Review. In Research report of JSET Conferences (Vol. 2023, No. 1, pp. 119-124). Japan Society for Educational Technology.

Bạn đang đọc bài viết So sánh giáo dục tiếng Anh giữa Việt Nam và Nhật Bản: Một nghiên cứu tổng quan tài liệu tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19