Hàn Quốc: Hệ thống Hagwon và nỗ lực hạn chế dạy thêm
Hàn Quốc nổi tiếng với hệ thống Hagwon - các cơ sở dạy thêm tư nhân - đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh chuẩn bị cho kỳ thi đại học Suneung. Mặc dù chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế như cấm các Hagwon hoạt động sau 10 giờ tối để giảm áp lực cho học sinh, nhưng dạy thêm vẫn rất phổ biến do sự lo ngại của phụ huynh về việc con mình có thể tụt lại trong cuộc đua thi cử khốc liệt.
Việc cấm dạy thêm từng được chính phủ Hàn Quốc triển khai vào năm 1980 nhưng không thành công do nhu cầu thực tế từ phụ huynh quá lớn. Gần đây, các biện pháp giảm tải chương trình học, cải thiện chất lượng giáo dục công lập và tổ chức các lớp học sau giờ tại trường công đã được áp dụng, song vẫn gặp nhiều thách thức trong việc thay đổi thói quen dạy và học thêm trong xã hội.
Trung Quốc: Chính sách “kép” giảm tải áp lực học tập
Năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện chính sách “kép” nhằm cắt giảm gánh nặng học tập cho học sinh, bao gồm việc giảm bài tập về nhà và kiểm soát chặt chẽ hệ thống dạy thêm tư nhân. Các trung tâm dạy thêm bị yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định mới, thậm chí một số trung tâm phải đóng cửa hoặc thay đổi hình thức hoạt động để thích ứng với chính sách mới. Tuy nhiên, mặc dù chính sách này được kỳ vọng sẽ giảm tải áp lực, sự cạnh tranh khốc liệt trong các kỳ thi vẫn khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng và tìm đến các giải pháp học thêm không chính thức. Việc khuyến khích học trực tuyến và cải thiện chất lượng giảng dạy công lập là một phần trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào dạy thêm tư nhân.
Singapore: Hệ thống giáo dục công lập mạnh nhưng dạy thêm vẫn phổ biến
Singapore đã xây dựng một hệ thống giáo dục công lập toàn diện với mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào dạy thêm. Chính phủ khuyến khích phụ huynh tập trung vào giáo dục chính khóa thay vì các lớp học thêm, và nhiều trường học ở Singapore cung cấp các chương trình bồi dưỡng sau giờ học cho học sinh yếu. Dù vậy, áp lực từ các kỳ thi quan trọng như PSLE, O-Level và A-Level khiến nhiều gia đình vẫn cho con em tham gia các lớp học thêm tư nhân để đảm bảo thành tích tốt nhất. Mặc dù có những nỗ lực từ chính phủ để hạn chế dạy thêm, văn hóa học thêm vẫn rất mạnh mẽ do lo ngại về tính cạnh tranh cao của hệ thống giáo dục.
Indonesia: Văn hóa học thêm và nỗ lực cải cách
Tại Indonesia, dạy thêm và học thêm, hay còn gọi là bimbingan belajar, cũng rất phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Jakarta hay Surabaya. Nhu cầu học thêm cao do áp lực từ các kỳ thi quốc gia như Ujian Nasional và SBMPTN - kỳ thi tuyển sinh đại học. Các trung tâm dạy thêm tư nhân cung cấp các khóa học chuyên sâu để giúp học sinh chuẩn bị cho kỳ thi.
Chính phủ Indonesia đã đưa ra nhiều biện pháp cải cách giáo dục, bao gồm chương trình Kurtilas, nhằm cải thiện khả năng tư duy và giảm bớt sự phụ thuộc vào học thêm. Tuy nhiên, việc dạy thêm vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa giáo dục, đặc biệt đối với những gia đình muốn đảm bảo con cái có cơ hội tốt hơn trong học tập.
Pháp: Tập trung vào cá nhân hóa và hỗ trợ học sinh khó khăn
Dạy thêm và học thêm ở Pháp có sự khác biệt so với các quốc gia châu Á. Nhu cầu học thêm thường tăng cao trước các kỳ thi quan trọng như Baccalauréat (Bac), tương đương với kỳ thi đại học. Hệ thống dạy thêm ở Pháp chủ yếu thông qua gia sư tư nhân hoặc các trung tâm gia sư, với phương pháp dạy cá nhân hóa nhằm hỗ trợ những kỹ năng yếu của học sinh. Chính phủ Pháp khuyến khích sử dụng công nghệ trong dạy thêm, với nhiều nền tảng học trực tuyến giúp học sinh dễ dàng tiếp cận tài liệu mà không cần đến các lớp học thêm. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được triển khai, đảm bảo tính công bằng trong giáo dục.
Phần Lan: Giáo dục công bằng và không cần dạy thêm
Phần Lan nổi tiếng với hệ thống giáo dục công bằng và không có nhu cầu học thêm phổ biến. Giáo dục tập trung vào chất lượng giờ học chính khóa, với các giáo viên được đào tạo chuyên sâu và có quyền tự chủ trong việc thiết kế bài giảng. Phần Lan không có áp lực thi cử quá cao, hệ thống giáo dục chú trọng vào sự phát triển toàn diện thay vì chỉ tập trung vào điểm số. Chính phủ Phần Lan không khuyến khích dạy thêm và đầu tư mạnh vào các dịch vụ hỗ trợ học sinh ngay trong trường học, giúp đảm bảo chất lượng giáo dục mà không cần đến các lớp học thêm ngoài giờ.
Như vậy, học thêm là một nhu cầu thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới và là một vấn đề luôn được các chính phủ và xã hội quan tâm. Từ phân tích ở trên, có thể chỉ ra một số điểm chung như sau:
- Áp lực thi cử là một trong những nguyên nhân chính khiến nhu cầu học thêm gia tăng, đặc biệt khi hệ thống thi cử, tuyển dụng tại nhiều quốc gia vẫn dựa vào kết quả học tập.
- Áp lực học thêm càng gia tăng theo thời gian, đặc biệt trong giáo dục phổ thông, khi học sinh đối mặt với các kỳ thi quan trọng.
- Các môn học chính như toán, ngôn ngữ và khoa học thường có nhu cầu học thêm cao do liên quan trực tiếp đến các kỳ thi. Đồng thời, các môn như âm nhạc, nghệ thuật và ngoại ngữ cũng ngày càng được chú trọng bởi nhu cầu phát triển toàn diện cho học sinh.
- Hệ thống giáo dục công tại nhiều quốc gia chưa đáp ứng đủ nhu cầu học thêm, tạo khoảng trống mà giáo dục tư nhân có thể lấp đầy.
- Giáo dục tư nhân, mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng, đã trở thành một phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh và phụ huynh.
- Chính phủ các quốc gia đều nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục công lập, giảm áp lực thi cử và quản lý việc dạy thêm nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời phát huy những lợi thế của học thêm. Nhiều nơi cũng triển khai các chương trình học trực tuyến nhằm giảm thiểu chi phí và mở rộng cơ hội học tập.
- Chính sách quản lí hoạt động học thêm luôn cập nhật và thay đổi, cũng có sự khác nhau ở mỗi quốc gia nhưng đều hướng tới cả hai đối tượng là công và tư.
- Phần Lan là một trường hợp ngoại lệ, hiếm thấy và khác biệt đối với các chính phủ. Do vậy, trường hợp Phần Lan cũng là một mô hình đáng được nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, mà yếu tố quan trọng nhất như đã chỉ ra là: “Phần Lan không có áp lực thi cử quá cao, hệ thống giáo dục chú trọng vào sự phát triển toàn diện thay vì chỉ tập trung vào điểm số”.
Việt Nam: Thách thức và một số đề xuất trong quản lý dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm luôn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm tại Việt Nam, đặc biệt khi áp lực từ hệ thống thi cử và mong muốn đạt thành tích cao (có tính truyền thống, phổ biến, như là một “đặc trưng văn hoá”) tạo ra nhu cầu học thêm ngày càng lớn. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng học thêm là một nhu cầu thực tế và có xu hướng cao, tăng dần không chỉ đến từ học sinh và còn đến từ ý chí của phụ huynh. Tiếp cận vấn đề này, trong bối cảnh Việt Nam, việc dạy thêm, học thêm còn mang đậm tính xã hội - văn hoá chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và duy nhất phụ thuộc vào ngành giáo dục. Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào học thêm, chính phủ đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông thông qua việc đổi mới chương trình và áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phát triển toàn diện, đổi mới hình thức đánh giá (không chỉ thông qua điểm số). Tuy vậy, quá trình triển khai cần có một lộ trình, để có sự thay đổi toàn diện từ nhà trường các cấp, phụ huynh, học sinh và các nhà tuyển dụng lao động,…
Mặc dù Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã đề ra những quy định rõ ràng, bao gồm yêu cầu giáo viên phải có giấy phép dạy thêm và cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học trừ trường hợp bồi dưỡng đặc biệt, nhưng việc kiểm soát và quản lý vẫn còn gặp nhiều thách thức. Dự thảo Thông tư mới năm 2024 từ Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải tuân thủ nghiêm ngặt về nội dung, thời gian và tăng cường mức phạt đối với các vi phạm. Mục tiêu của chính sách này không chỉ nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm tự phát tại nhà mà còn hướng đến việc tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, giảm bớt gánh nặng tài chính và tâm lý cho phụ huynh và học sinh.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng quản lý hoạt động này, một số giải pháp nên được xem xét như sau:
- Nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường: Cần đầu tư vào đội ngũ giáo viên, trang thiết bị giảng dạy và cải thiện môi trường học tập để học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức trong giờ học chính thức.
- Khuyến khích học trực tuyến và tự học: Các hệ thống học trực tuyến miễn phí đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận kiến thức mà không gây gánh nặng tài chính. Đây là một giải pháp dài hạn mà Việt Nam cần tiếp tục phát triển, khuyến khích học sinh tự học và tạo ra các nền tảng học tập dễ tiếp cận.
- Xây dựng chính sách học thêm linh hoạt: Chính phủ cần tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về nhu cầu học thêm, từ đó đưa ra các chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện và nhu cầu. Việc này có thể giúp hạn chế các tiêu cực liên quan đến việc dạy thêm, đồng thời đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của xã hội.
- Hợp tác công - tư trong giáo dục: Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là mô hình phối hợp giữa giáo dục công lập và tư nhân, sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa nguồn lực xã hội mà không làm lệch mục tiêu giáo dục. Các trung tâm dạy thêm tư nhân cần được quản lý chặt chẽ nhưng cũng nên được hỗ trợ để đảm bảo chất lượng giáo dục cao hơn.
- Tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức xã hội: Phụ huynh và học sinh cần được hướng dẫn về giá trị của học tập toàn diện thay vì chỉ tập trung vào điểm số và thi cử. Chính phủ cần thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi quan điểm xã hội về học thêm, hướng tới một môi trường học tập lành mạnh và cân bằng hơn.
- Một lưu ý quan trọng là đổi mới phương thức, hình thức kiểm tra - đánh giá trong giáo dục phổ thông, thi tuyển vào đại học để giảm áp lực thi cử cũng là vấn đề cần chú trọng.
Việc quản lý dạy thêm, học thêm vẫn là một thách thức lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, từ việc hạn chế đến cải tiến chất lượng giáo dục công lập để giảm sự phụ thuộc vào dạy thêm. Tại Việt Nam, các biện pháp mới nhằm cải thiện hệ thống giáo dục và quản lý dạy thêm là cần thiết, nhưng cần có sự đồng thuận từ cả nhà trường, phụ huynh và xã hội để đạt được hiệu quả lâu dài.
Lương Ngọc - Vân An