Tự chủ đại học (TCĐH) là một chủ đề được các nhà quản lí, cộng đồng học thuật cũng như hiệp hội các trường đại học cao đẳng ở Việt Nam quan tâm trong giai đoạn hiện nay. TCĐH đang được đề cập như là một nguyên tắc, động lực cho sự phát triển của giáo dục đại học của Việt Nam. Nhiều chính sách từng bước được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả, phát triển hệ thống giáo dục đại học đã được triển khai và bước đầu đã có những kết quả quan trọng, chẳng hạn như việc có những trường đại học của Việt Nam được xếp thứ hạng trong những hệ thống đánh giá uy tín của thế giới, châu Á; sự phối hợp và hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa các đại học trong nước và nước ngoài được tăng cường về quy mô và hiệu quả; sinh viên (SV) quốc tế tăng lên; số lượng và chất lượng nghiên cứu và công bố khoa học được nâng cao;… Tuy vậy, vì nhiều lí do khác nhau, những đổi mới trong cơ chế cho phù hợp và phát triển các mô hình quản trị đại học còn là một chặng đường dài với sự nỗ lực của nhiều phía, từ các cơ quan quản lí nhà nước tới chính các trường đại học. Nghiên cứu này bước đầu sẽ xác định một số nội dung cơ bản về TCĐH và đề xuất một số tiêu chí nhằm xác định mức độ TCĐH ở Việt Nam; một số nghiên cứu về TCĐH sẽ được khảo sát nhằm xác định các cấu thành cơ bản của TCĐH của một đại học. Từ đó đề xuất một số tiêu chí để xác định mức độ TCĐH ở Việt Nam.
Quyền tự chủ về thể chế trong các trường đại học đã được chứng minh là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học. Các mô hình tự chủ đại học trên toàn cầu mang tính đa dạng và phụ thuộc vào các chính sách kiểm soát của từng quốc gia và sự phức tạp của các yếu tố trong mô hình. Hiệp hội các Trường Đại học châu Âu đã phát triển và điều chỉnh bảng điểm đánh giá tự chủ đại học từ năm 2009, nhằm đánh giá mức độ tự chủ của các trường đại học công lập trong Liên minh châu Âu và hỗ trợ các chính phủ và các trường đại học trong việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách giáo dục đại học. Về mặt chính sách, quyền tự chủ đại học đã được quy định rõ trong Luật giáo dục năm 2018 của Việt Nam, nhấn mạnh đến quyền của các cơ sở giáo dục đại học tự xác định mục tiêu và cách thức thực hiện, tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính và hoạt động khác. Điều này là cơ sở quan trọng cho việc thiết lập và thực hiện quyền tự chủ đại học tại Việt Nam.
Dựa trên Bảng điểm của Hiệp hội các Trường Đại học châu Âu, phiên bản 3 (2017) và các quy định hiện hành của Luật sửa đổi Luật giáo dục đại học năm 2018, nghiên cứu đề xuất bảng các tiêu chí đánh giá một cơ sở giáo dục đại học về quyền TCĐH như dưới đây (bảng 1).
Bảng 1. Đề xuất các tiêu chí đánh giá một cơ sở giáo dục đại học về quyền TCĐH (Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Kim Cúc, 2023)
Về cấp độ, có thể xác định 5 cấp độ dựa trên những mô tả dưới đây cho mỗi tiêu chí đề xuất ở trên.
Bảng 2. Mô tả khái quát về mức độ cho các tiêu chí về quyền TCĐH (Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Kim Cúc, 2023)
Từ bảng này, khi đánh giá có thể xác định một tiêu chí nào đó ở mức 1, mức 3 dựa trên sự so sánh các tiêu chí đó với các cấp độ 0 và cấp độ 2; mức độ 2 và mức độ 4 một cách phù hợp.
Nhóm tác giả đã đề xuất một bảng điểm đánh giá mức độ quyền tự chủ đại học, lấy căn cứ từ bảng điểm của Hiệp hội các Trường Đại học châu Âu. Bảng này nhằm cung cấp một khung tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo trường đại học trong quá trình xây dựng, phát triển và đánh giá mức độ tự chủ đại học. Tuy nhiên, nó chỉ đánh giá về "quyền" tự chủ mà chưa thực sự phản ánh được thực tế thực hiện quyền tự chủ đại học hiện nay. Bên cạnh đó, khi áp dụng bảng tiêu chí này, chúng ta còn phải đối mặt với những khó khăn và hạn chế như việc cần có dữ liệu cụ thể để đánh giá, và sự khái quát của các mức độ đề ra có thể phụ thuộc vào nhóm đánh giá và sự cân nhắc của họ.
Huyền Đức
Nguồn: Nguyễn Anh Tuấn, Đào Thị Kim Cúc (2022). Tiêu chí đánh giá quyền tự chủ đại học: một nghiên cứu đề xuất dựa trên bảng điểm của hiệp hội các trường đại học châu Âu và luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2018. Tạp chí Giáo dục, 22(04), 1-4.