Giáo dục và quản lí giáo dục là một trong những vấn đề mang tính cốt lõi của một quốc gia và việc tìm ra một mô hình quản lí giáo dục tiên tiên và phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển. Ở Việt Nam, các cơ quan quản lí nhà nước đã có một số văn bản định hướng về phân cấp quản lí giáo dục các văn bản mang tính pháp lí và chính trị, yêu cầu các cơ quan liên quan thực thi vấn đề này như Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục năm 2009; Luật Giáo dục đại học năm 2012; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục;... Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 quy định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lí mới chỉ tập trung về không gian, chuyển giao trách nhiệm, quyền hạn cho cấp dưới, chưa phân quyền quyết định cho các Sở GD-ĐT, đặc biệt phân cấp giáo dục chưa gắn liền với phân cấp tài chính khiến cho năng lực cho các Sở GD-ĐT chưa thể được cải thiện. Do đó, cần phải cải thiện những chính sách hiện có và xây dựng các chương trình, chính sách mới chủ yếu tập trung vào năng lực thực thi phân cấp quản lí giáo dục, tạo tiền đề nâng cao chất lượng quản lí và chất lượng giáo dục trong tương lai.
Phân cấp quản lí giáo dục đã được áp dụng tại nhiều quốc gia, mặc dù việc đưa ra một khái niệm thống nhất về chủ đề này còn phức tạp. Nhiều học giả và tổ chức đã tiếp cận khái niệm phân cấp quản lí theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung, thuật ngữ này hướng đến "sự tự chủ và trách nhiệm ngày càng tăng đối với các thực thể cấp thấp hơn trong các khía cạnh khác nhau" (Rodden et al., 2003). Giải thích của Rodden và các nghiên cứu khác về khái niệm này dường như phổ biến cho tất cả các đặc điểm và tổ chức. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, một số khái niệm cụ thể hơn về phân cấp quản lí giáo dục đã được đề xuất và có những đóng góp quan trọng vào việc chuyển đổi mô hình quản lí và nâng cao chất lượng giáo dục ở nhiều quốc gia.
Nguồn: Sưu tầm
Ở Trung Quốc, sau Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc đã chuyển giao trách nhiệm cho các cấp thấp hơn trong xã hội, phân định rõ vai trò giữa Đảng Cộng sản, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Sự phát triển công nghệ, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cải cách giáo dục. Các khía cạnh giáo dục đại học đã thay đổi sâu sắc để đối phó với thách thức quốc tế, dẫn đến cải cách quản lí ở ba cấp độ: quốc gia, cơ sở và dưới cơ sở. Ở cấp quốc gia, chính phủ đã giao quyền cho chính quyền cấp tỉnh quản lí giáo dục đại học, trong khi ở cấp cơ sở, các trường đại học được trao quyền tự quản lớn hơn. Cải cách nội bộ giúp chuyển từ mô hình cứng nhắc sang cấu trúc linh hoạt hơn, khuyến khích sự tham gia và giám sát dân chủ từ giảng viên và sinh viên.
Tại Indonesia, mặc dù đã thực hiện lộ trình 9 năm học bắt buộc từ những năm 1990, hệ thống giáo dục vẫn ở mức tập trung. Đến năm 2001, chính phủ bắt đầu phân cấp quản lí giáo dục, giao trách nhiệm cho các huyện về việc thành lập trường và xây dựng chính sách giáo dục địa phương (World Bank, 2012). Trung ương vẫn giữ quyền kiểm soát về tiêu chuẩn năng lực và chương trình giảng dạy. Cải cách cũng cho phép huyện quản lí nhân sự giáo viên, với quyền tuyển dụng và sa thải giáo viên hợp đồng (UNESCO, 2006). Các trường được trao quyền quản lí hoạt động và giáo viên chịu trách nhiệm về phương pháp giảng dạy, miễn là đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu (UNESCO, 2006). Chính phủ cũng cung cấp trợ cấp theo khối cho các trường và yêu cầu thành lập ủy ban trường học để đóng góp ý kiến và quản lí quỹ. Tuy nhiên, nguồn tài chính địa phương vẫn hạn chế, chỉ chiếm 10% doanh thu tổng thể, khiến địa phương phụ thuộc vào tài chính từ trung ương (Skoufias và cộng sự, 2011).
Ở Mexico, năm 2000, chứng kiến sự chuyển giao quyền lực từ đảng cầm quyền sang phe đối lập, dẫn đến việc hệ thống giáo dục cởi mở hơn với các chính sách mới (Murnane và cộng sự, 2006). Chương trình Trường học Chất lượng (PEC) ra đời năm 2001, cho phép ban giám hiệu và phụ huynh xây dựng kế hoạch cải thiện giáo dục 5 năm, với khoản trợ cấp lên tới 15.000 USD hàng năm (Skoufias & Shapiro, 2006). Sự tham gia của hiệp hội phụ huynh là bắt buộc, và phần lớn tài trợ được chi cho cơ sở hạ tầng trong bốn năm đầu. PEC được chứng minh là giúp giảm tham nhũng, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục. Theo Murnane và cộng sự (2006), mỗi năm tham gia PEC giúp giảm tỉ lệ bỏ học 0,11 điểm phần trăm, đặc biệt hiệu quả ở các bang có chỉ số phát triển con người trung bình. Chương trình này đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện giáo dục tại Mexico.
Từ kinh nghiêm phân cấp quản lí ở một số quốc gia trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả phân cấp quản lí giáo dục ở Việt Nam. Cụ thể: (1) Chính phủ cần thiết lập hệ thống phân quyền rõ ràng, khuyến khích phối hợp giữa các bên để đảm bảo công bằng trong giáo dục. Cần làm rõ quyền ra quyết định ở các cấp và chú ý đến quy trình quản lí tài chính, nhân sự, giáo trình, và đảm bảo chất lượng; (2) Cần giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, để họ tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ và tài chính, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, các trường phải tuân theo quy định của nhà nước; (3) Cần có chiến lược phân cấp quản lí đơn giản và hiệu quả, gắn liền với trách nhiệm và chất lượng. Phân quyền sẽ giúp thúc đẩy thay đổi liên tục; (4) Khi giao trách nhiệm, cần đảm bảo các bên hiểu rõ quyền tự do của mình. Giao tiếp và giám sát chính sách là rất quan trọng để đạt hiệu suất tối đa; (5) Khuyến khích phụ huynh tham gia vào quản trị nhà trường, đồng thời trao quyền cho giáo viên và hiệu trưởng để nâng cao chất lượng giáo dục. Phụ huynh cũng sẽ góp phần giám sát và cải thiện các hoạt động xung quanh trường học.
Phân cấp quản lí giáo dục đang trở thành xu hướng toàn cầu, nâng cao trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng nguồn lực của trường học, từ đó cải thiện chất lượng giáo dục. Nghiên cứu ở Trung Quốc, Indonesia và Mexico cho thấy cấp trung ương định hướng, còn cấp cơ sở được trao quyền tự chủ. Tại Việt Nam, chính sách phân cấp hiện tại gặp khó khăn trong thực thi, cần cải thiện để các tổ chức giáo dục chủ động hơn. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống phân quyền minh bạch, nâng cao nhận thức về quyền hạn và trách nhiệm, đồng thời tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục, vẫn tuân thủ khung chung của trung ương.
Huyền Đức
Nguồn: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thúy Nhật (2023). Phân cấp quản lí giáo dục: nghiên cứu tại một số quốc gia trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam. Tạp chí Giáo dục, 22(11).