Đánh giá tác động của phương pháp lớp học đảo ngược trong giảng dạy tiếng Anh như “ngôn ngữ thứ hai” tại các cơ sở giáo dục đại học

Bài viết này hệ thống hóa các tài liệu nghiên cứu thực nghiệm về việc giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (EFL) để xác định hiệu quả của phương pháp lớp học đảo ngược trong việc dạy EFL và làm rõ các điểm mạnh cũng như điểm yếu của phương pháp sư phạm này trong giảng dạy EFL.

Sự phát triển của kỷ nguyên số đang thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp sư phạm, thay đổi kỳ vọng của sinh viên đối với trải nghiệm học tập của họ và tạo ra môi trường cạnh tranh ngày càng cao cho các trường đại học. Để đáp ứng sự thay đổi này, các học giả và các nhà quản lý các cơ sở giáo dục đại học đã tìm cách tích hợp các chiến lược giảng dạy khác biệt và hiệu quả vào các giá trị mà họ cung cấp cho sinh viên tương lai. Một trong những chiến lược học tập nổi bật là phương pháp lớp học đảo ngược (flipped learning/flipped classrooms).

Với sự phổ biến ngày càng tăng của tiếng Anh toàn cầu, nhu cầu dạy và học tiếng Anh như một ngoại ngữ (EFL) đang gia tăng mạnh mẽ. Nhiều quốc gia đã coi việc học tiếng Anh là mục tiêu ưu tiên trong hệ thống giáo dục của họ. Mặc dù có một cơ sở bằng chứng không đồng nhất về việc áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược, phương pháp này đã trở thành chủ đề thịnh hành trong cộng đồng giáo dục tiếng Anh và ngày càng được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để khai thác tối đa phương pháp này, cần hiểu rõ giá trị thực sự của nó, vì việc áp dụng lớp học đảo ngược không nhất thiết giải quyết tất cả các thách thức trong giảng dạy và học tập tiếng Anh.

Bài viết này đánh giá việc sử dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong giảng dạy EFL tại các cơ sở giáo dục đại học, nhằm làm rõ thực trạng và hiệu quả của phương pháp. Các tác giả đã tiến hành một cuộc đánh giá nghiêm ngặt và minh bạch dựa trên các bài đánh giá hệ thống, kết hợp với phân tích nội dung và chủ đề để tổng hợp các phát hiện từ 40 bài báo. Kết quả cung cấp cái nhìn toàn diện về việc áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong giảng dạy EFL tính đến ngày 1/12/2021.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn các bài báo tập trung vào nhận thức của sinh viên về việc học trong môi trường lớp học đảo ngược, trong khi một phần ba nghiên cứu còn lại đã xem xét tác động của phương pháp này đối với việc tiếp thu và phát triển kiến thức, kỹ năng và khả năng EFL. Phát hiện nổi bật là sinh viên thường thích học trong môi trường lớp học đảo ngược; nhiều người liên kết điều này với việc hỗ trợ các hành vi “học tập tự điều chỉnh”. Tuy nhiên, bằng chứng về sự đóng góp của phương pháp lớp học đảo ngược đối với các kết quả giáo dục quan trọng vẫn chưa mạnh mẽ, điều này tạo ra thách thức trong việc xác định mục tiêu và đánh giá tác động của phương pháp này. Dù vậy, những phát hiện đáng khích lệ bao gồm khả năng cải thiện kiến thức thành ngữ, hiệu suất nói và viết, động lực và kỹ năng tư duy bậc cao khi áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong dạy EFL. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng của phương pháp lớp học đảo ngược trong việc ảnh hưởng đến việc tiếp thu các kỹ năng học tập chính vẫn chưa được chứng minh rõ ràng.

Vân An lược dịch

Nguồn:

Fisher, R., Tran, Q., & Verezub, E. (2024). Teaching English as a Foreign Language in Higher Education using flipped learning/flipped classrooms: a literature review. Innovation in Language Learning and Teaching, 1-20. https://doi.org/10.1080/17501229.2024.2302984