Đề xuất cơ cấu mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam

Bài báo của Phạm Hồng Quang và Nguyễn Danh Nam trình bày một số hạn chế trong công tác quản lí hệ thống các trường sư phạm trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học hiện nay. Trên cơ sở khảo sát thực tế, phân tích ý kiến các chuyên gia giáo dục, nhóm nghiên cứu đề xuất cơ cấu mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam, phân bố mạng lưới theo vùng, địa phương và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm.

Việt Nam có 242 trường đại học (chưa kể các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh), bao gồm 176 trường công lập, 61 trường tư thục và dân lập, và 5 trường 100% vốn nước ngoài. Trong số đó, có 58 trường đào tạo giáo viên. Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học đang gia tăng cả về số lượng và loại hình sở hữu, tạo ra cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho mọi tầng lớp nhân dân và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các trường. Đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên, có 14 trường đại học sư phạm, 20 trường cao đẳng sư phạm và 33 trường/khoa sư phạm khác. Tuy nhiên, sự phân bổ các trường sư phạm quá dàn trải về địa lí và chưa có sự kết nối hiệu quả.

Sự mở rộng quy mô đào tạo thiếu kiểm soát chất lượng đã dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, gây ra sự bất cập giữa cung và cầu nhân lực. Điều này khiến một số trường cao đẳng sư phạm phải giải thể, sáp nhập hoặc chuyển đổi hình thức đào tạo. Do đó, cần có cơ chế và cơ cấu mạng lưới hợp lí để đảm bảo nguồn lực giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Qua khảo sát thực tế bằng phiếu hỏi tại 17 trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước và tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, tổ chức 17 cuộc tọa đàm và 3 hội thảo khoa học, phỏng vấn qua phiếu hỏi dành cho 60 cán bộ quản lí, giảng viên và thực hiện phỏng vấn sâu đối với 12 hiệu trưởng các trường sư phạm lớn trong cả nước, các tác giả nhận thấy một số hạn chế trong quản lí hệ thống sư phạm. Quản lí nhà nước phân tán, thiếu phối hợp giữa các cơ quan; quy hoạch và dự báo đội ngũ giáo viên chưa chính xác, dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh không phản ánh nhu cầu thực tế. Chính sách thu hút người học ngành Sư phạm không hấp dẫn, tuyển sinh gặp khó khăn. Nhiều trường sư phạm chậm đổi mới, nội dung đào tạo chưa sát thực tế, thời gian thực hành ít. Thiếu sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và hệ thống giáo dục phổ thông, mầm non. Quy hoạch trường sư phạm tập trung vào số lượng, chưa chú trọng phát triển chất lượng, nguồn lực tài chính và đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguồn: Sưu tầm

Theo các tác giả (2021), mạng lưới các trường sư phạm bao gồm các trường sư phạm trọng điểm, các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh. Các trường sư phạm trọng mạng lưới này cần được kết nối để chia sẻ nguồn lực và đảm bảo tính liên thông trong đào tạo giáo viên. Trường sư phạm trọng điểm có vai trò đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các trường khác và dẫn dắt hệ thống. Trường sư phạm chủ chốt tập trung đào tạo và nghiên cứu khoa học tại khu vực nhất định, còn trường sư phạm vệ tinh phối hợp với các trường trọng điểm và chủ chốt trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất phân bổ 70% chỉ tiêu đào tạo giáo viên đại học cho trường trọng điểm và chủ chốt, khuyến khích đa ngành và liên kết với các trường đại học đa ngành địa phương. Trường cao đẳng sư phạm sẽ tập trung đào tạo giáo viên mầm non và phối hợp với trường trọng điểm trong đào tạo và bồi dưỡng. Đồng thời, cần rà soát, sắp xếp lại hệ thống theo hướng tinh gọn, bao gồm giảm quy mô, sáp nhập hoặc giải thể các trường không đạt chuẩn. Trường cao đẳng sư phạm có thể sáp nhập vào các trường đại học hoặc trở thành cơ sở thực hành cho trường trọng điểm, đồng thời cần có sự liên kết với các trường đại học sư phạm trọng điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Dựa trên kết quả phân tích về số lượng các trường sư phạm theo vùng, địa phương, nhóm tác giả đề xuất phương án phân bố mạng lưới các trường sư phạm cụ thể như sau: Thứ nhất, phân bố các trường sư phạm theo cụm tại bảy vùng kinh tế lớn, đảm bảo kết nối giữa các trường trong khu vực. Thứ hai, sáp nhập các cơ sở đào tạo giáo viên, trung tâm bồi dưỡng và viện nghiên cứu tại các địa phương để tránh chồng chéo và nâng cao chất lượng. Thứ ba, đảm bảo tiếp cận đào tạo sư phạm tại các vùng khó khăn thông qua liên kết với các trường sư phạm trọng điểm.

Trường đại học địa phương có lợi thế tự nhiên trong đào tạo giáo viên, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền, mối quan hệ xã hội chặt chẽ, và khả năng đáp ứng nhu cầu địa phương. Do đó, cần duy trì mô hình trường đại học địa phương với ngành đào tạo giáo viên. Với các trường sư phạm đặc thù, cần đảm bảo tiêu chí về chất lượng, cơ sở vật chất, và khuyến khích mô hình nối tiếp đào tạo (bằng kĩ sư và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm). Quy hoạch một trường sư phạm trọng điểm đặc thù ở phía Bắc và một ở phía Nam. Tóm lại, quy hoạch mạng lưới sư phạm theo vùng và địa phương nhằm phát triển đồng bộ, tránh phân bố dàn trải và đảm bảo chất lượng đào tạo.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 năm 1996 đã đề ra chiến lược phát triển giáo dục trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với kết quả là hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học được hoàn thiện, số lượng học sinh và sinh viên tăng nhanh, và đội ngũ giáo viên cùng cán bộ quản lí giáo dục được phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng. Trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu đang chuyển sang mô hình đại học thế hệ thứ ba, các trường sư phạm cần nâng cao năng lực đào tạo và bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới. Do đó, cần sắp xếp và quy hoạch các trường sư phạm trọng điểm với đội ngũ giáo viên chất lượng, cơ sở vật chất đảm bảo để hỗ trợ và dẫn dắt các trường sư phạm khác. Các trường sư phạm trọng điểm cần đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tư vấn chiến lược phát triển giáo dục, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, thực hiện các nghiên cứu khoa học giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn, và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí đào tạo và giảng dạy trực tuyến. Lộ trình thực hiện quy hoạch như sau:

Giai đoạn 2020-2025: Thành lập hai trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức lại các trường sư phạm hiện có. Các trường này sẽ phát triển thành mô hình đại học với nhiều trường thành viên chuyên đào tạo giáo viên. Đồng thời, xây dựng 5-6 trường sư phạm chủ chốt để đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí cho các vùng miền trên cả nước, và hình thành mạng lưới "vệ tinh" từ các cơ sở đào tạo giáo viên tại địa phương.

Giai đoạn 2026-2030: Thành lập thêm một trường sư phạm trọng điểm quốc gia tại miền Trung, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt. Mục tiêu là đưa ít nhất một trường sư phạm trọng điểm quốc gia vào top 1000 trường đại học hàng đầu thế giới hoặc top 500 trường đại học hàng đầu châu Á trong lĩnh vực giáo dục. Cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường sư phạm trọng điểm quốc gia để đạt tầm khu vực và quốc tế.

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần đảm bảo yêu cầu trước mắt và lâu dài. Trường trung cấp sư phạm nên chuyển đổi mô hình hoặc giải thể; trường cao đẳng sư phạm tập trung đào tạo giáo viên mầm non và có thể trở thành phân hiệu của các trường trọng điểm. Trường đại học địa phương đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và bồi dưỡng giáo viên địa phương, trong khi các trường sư phạm trọng điểm tập trung đào tạo giáo viên trung học phổ thông, sau đại học và nghiên cứu khoa học sư phạm. Bộ GD-ĐT cần phối hợp với địa phương để sắp xếp, sáp nhập, hoặc giải thể các trường không đạt chuẩn, đảm bảo đầu tư hiệu quả và giải quyết việc làm cho giảng viên sau khi tái cấu trúc, tránh lãng phí và đáp ứng đúng nhu cầu đào tạo.

Huyền Đức

Tài liệu tham khảo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1996). Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000.

Phạm Hồng Quang, Nguyễn Danh Nam (2021). Mô hình đào tạo giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam. NXB Đại học Thái Nguyên.

Phạm Hồng Quang, Nguyễn Danh Nam (2024). Đề xuất cơ cấu mạng lưới các trường sư phạm Ở Việt Nam. Tạp chí Giáo dục, 24(6), 35-40.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất cơ cấu mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn