5 biện pháp giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến

Với mục đích giúp giáo viên nâng cao chất lượng giờ dạy trực tuyến, nghiên cứu của hai tác giả Carolina Lara Robles và Cynthia Enciso Centeno đề xuất một số giải pháp cải thiện giờ dạy và phát triển kĩ năng của giáo viên trong môi trường số.

Công nghệ có thể rất hữu ích cho các nhà giáo dục, nhưng nó phải luôn đi cùng việc học tập và phát triển và đặc biệt đối với những người mới bắt đầu, đây là một “con đường nhiều thử thách”. Tuy nhiên, nhiều năng lực số (digital competence) đơn giản có sẵn giúp người dạy có thể đạt được mục đích làm cho lớp học trực tuyến sôi nổi hơn, cung cấp khả năng giám sát cho người dạy và tích hợp nội dung số (digital content). Do đó, nghiên cứu của hai tác giả Carolina Lara Robles và Cynthia Enciso Centeno đề xuất 5 giải pháp giúp người dạy phát triển kĩ năng trong môi trường số.

Nguồn: Sưu tầm

Khuyến khích lớp học 

Khi giáo viên khuyến khích sự tham gia và trải nghiệm học tập tích cực trong các lớp học trực tuyến, học sinh có khả năng thực hiện được mục tiêu học tập và tự quản. Để khích lệ học sinh, giáo viên có thể áp dụng một số hoạt động sau: - Từ đầu buổi học, trình bày với học sinh về mục tiêu, nhiệm vụ buổi học để học sinh hình dung được buổi học và có chuẩn bị. Giáo viên có thể thiết kế một bản trình bày với những giải thích ngắn gọn được hỗ trợ bởi các công cụ như Nearpod, Genially hoặc Visme; - Tạo ra các trải nghiệm học tập gần gũi với thực tế cuộc sống. Giáo viên có thể áp dụng phương pháp tình huống, học tập hợp tác và học tập theo dự án; - Đặt ra những thử thách đơn giản, thú vị để khuyến khích sự tham gia tích cực từ học sinh, chẳng hạn như thảo luận toàn thể, tranh luận và kiểm tra kiến thức thông qua các câu đố; - Thường xuyên đặt câu hỏi trong buổi học để giúp duy trì sự quan tâm và tham gia của học sinh; tránh bị động càng nhiều càng tốt; - Kiểm soát thời gian để thực hiện các phiên học ngắn gọn và đảm bảo người dạy lẫn người học đang sử dụng thời gian hiệu quả.

Quản lí lớp và thời gian từ xa hiệu quả 

Quản lí lớp thông qua các ứng dụng như Zoom, Webex, Teams, Google Meet,... có thể là một thách thức khi đối mặt với sự mệt mỏi khi sử dụng ứng dụng liên tục. Do đó, khi giáo viên sử dụng các ứng dụng này, nhóm tác giả chỉ ra một số chiến lược nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các ứng dụng học trực tuyến, chẳng hạn như: - Cắt thời gian trình bày xuống còn 20 phút. Thời gian còn lại sử dụng cho các trải nghiệm cá nhân hoặc hợp tác của học sinh, giải quyết các trường hợp, đặt câu hỏi và áp dụng lý thuyết để thực hành; - Tích hợp các công cụ như Padlet hoặc Miro để khuyến khích sự tham gia và cộng tác, cho phép làm việc theo nhóm và chia sẻ đồng thời các ý tưởng, dự án; - Khám phá các loại hình tham gia khác nhau. Do đôi khi việc tương tác trong lớp học trực tuyến có thể gặp khó khăn, vì vậy, hãy xem xét các hình thức khác, chẳng hạn như chức năng trò chuyện, sử dụng hình đại diện mà không cần bật camera,...

Khuyến khích giao tiếp và cộng tác 

Khi giáo viên cần triển khai học tập hợp tác là trọng tâm của khóa học hoặc lớp học trực tuyến, một số đề xuất sau của nghiên cứu sẽ đảm bảo giữa giao tiếp và cộng tác: - Khuyến khích tinh thần tập thể. Giáo viên có thể thúc đẩy các hoạt động giữa các cá nhân học sinh hoặc nhóm thông qua các phòng học trực tuyến; - Trao quyền được phát biểu, nêu ý kiến cho học sinh; - Hàng tuần, giáo viên đánh giá quá trình, đo lường sự tiến bộ của học sinh. Điều này giúp học sinh tránh bị quá tải kiến thức. Đồng thời, thúc đẩy học sinh nhanh chóng thực hiện công việc, tránh chậm trễ. 

Tạo ra nội dung số 

Nếu giáo viên chưa tạo ra nội dung cho buổi học trực tuyến, giáo viên làm theo ba bước sau: - Tìm kiếm nội dung liên quan, cập nhật, đáng tin cậy - theo chủ đề - giải quyết trong lớp, sử dụng các công cụ tìm kiếm tài nguyên giáo dục mở; - Phân tích các nguồn tài liệu và chỉ chọn những thông tin uy tín, có chất lượng; - Chia sẻ nội dung và tài nguyên giáo dục đã chọn.

Mặt khác, nếu giáo viên muốn tạo ra nội dung số, một số mẹo nhóm tác giả đề xuất có thể giúp: - Lập kế hoạch cho chủ đề và mục tiêu giáo viên muốn đạt được; - Chọn định dạng dựa trên loại nội dung giáo viên sẽ tạo, ví dụ: văn bản, video, đồ họa thông tin hoặc bản trình bày; - Bổ sung nội dung khi cần thiết để tăng thêm giá trị cho nội dung đã thiết kế; - Cấu trúc về nội dung số bao gồm: mở đầu, triển khai, kết thúc; - Sử dụng ngôn từ phù hợp. Hãy ngắn gọn và súc tích, đồng thời hoàn hảo về chính tả, ngữ pháp và cách viết.

Đưa ra phản hồi hiệu quả 

Giáo viên cần đưa ra những phản hồi kịp thời, linh hoạt và thường xuyên. Tần suất của phản hồi dựa trên nhu cầu, quá trình học tập của học sinh; duy trì phản hồi liên tục, tránh khi kết thúc quá trình học tập mới đưa. Phản hồi có thể được tập trung vào các quy trình, sản phẩm và thái độ và nên được đưa ra ở dạng nói và viết. Đồng thời, giáo viên làm nổi bật những ưu điểm và hướng dẫn học sinh hoàn thành mục tiêu của bản thân.

Kết luận

Thách thức chính khi làm việc trực tuyến là tiếp tục chuyển đổi bản thân. Việc đưa vào công nghệ rất quan trọng đối với sự thành công của công việc giảng dạy của giáo viên. Do đó, nghiên cứu khuyến nghị các giáo viên, các nhà giáo dục nên áp dụng các giải pháp trên và các phương pháp khác để mang lại lợi ích cho học sinh, những người đang xác định lại mục đích học tập của mình trong bối cảnh giáo dục.

Huyền Đức dịch

Nguồn: Carolina Lara Robles, Cynthia Enciso Centeno (2023). Five key competencies for successful digital teaching. Times Higher Education (THE). https://www.timeshighereducation.com/campus/five-key-competencies-successful-digital-teaching 

Bạn đang đọc bài viết 5 biện pháp giúp giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn