Việc phát triển cơ hội việc làm cho sinh viên đang trở thành ưu tiên của ngày càng nhiều trường đại học cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bởi đây được coi là công cụ mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng vốn con người. Tại Việt Nam, sự thay đổi của thị trường lao động hiện đại đã thúc đẩy sự quan tâm chung của dư luận tới vấn đề cơ hội việc làm trong suốt hai thập kỷ qua. Nhiều biện pháp cũng được ngành giáo dục đưa ra để cải thiện tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, điển hình là các cuộc cải cách giáo dục lớn ở quy mô quốc gia lẫn các trường. Trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng nguy cơ về thất nghiệp, suy thoái kinh tế và cạnh tranh việc làm, vấn đề phát triển cơ hội việc làm cho sinh viên xứng đáng nhận được sự quan tâm trở lại.
Nhằm tìm hiểu các kĩ năng, kiến thức và các yếu tố khác có tác động đến cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên Việt Nam, một số nghiên cứu đã bắt đầu tìm hiểu nhu cầu và các khoảng trống trong thị trường lao động từ góc nhìn của các nhà tuyển dụng, nhưng chưa nhiều. Mặc dù đã có một số ý kiến bày tỏ sự quan tâm liên quan đến sự công bằng và chênh lệch về chất lượng giáo dục của các trường đại học ở các vùng miền khác nhau của Việt Nam, hầu như chưa có nghiên cứu nào đề cập đến ảnh hưởng của các nhà tuyển dụng trên địa bàn các tỉnh có kinh tế phát triển thấp đến cơ hội việc làm của sinh viên, những áp lực mà các nhà tuyển dụng tạo ra đối với các trường đại học trong khu vực cũng như những kỳ vọng của họ ở lực lượng lao động là sinh viên tốt nghiệp. Nghiên cứu của nhóm tác giả là nghiên cứu đầu tiên đặt mục tiêu ghi nhận tiếng nói và nhu cầu của các nhà tuyển dụng về vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại các tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển thấp ở khu vực vùng núi Việt Nam, nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số.
Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận phỏng vấn bán cấu trúc; bên cạnh đó có sử dụng một bộ câu hỏi soạn trước, song vẫn tạo không gian cho các nhà nghiên cứu hỏi thêm các câu hỏi phụ khác tùy thuộc tình huống cụ thể. Các câu hỏi chuẩn bị trước xoay quanh ba nhóm vấn đề chính: (1) kỳ vọng của nhà tuyển dụng về kiến thức, kĩ năng của sinh viên, (2) đánh giá của nhà tuyển dụng về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên, (3) hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc cải thiện cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện năm 2018, kéo dài 30-60 phút mỗi cuộc. Tổng cộng 40 nhà tuyển dụng đến từ 6 tỉnh thành gồm: Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên được mời tham gia phỏng vấn thông qua phương pháp quả cầu tuyết.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc liên tục tự học, kiên trì, khả năng thích nghi, sự nhiệt huyết và thấu hiểu người dân địa phương và cộng đồng địa phương là những yếu tố chính tác động đến cơ hội việc làm và tỉ lệ được tuyển dụng của sinh viên tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng đặt ra tầm quan trọng của sự thích nghi và liên kết giữa nhận thức của sinh viên với các yếu tố môi trường, xã hội và văn hóa địa phương đối với cơ hội việc làm của họ, đồng thời cho thấy khả năng tuyển dụng cũng phụ thuộc lớn và điều kiện cấu trúc kinh tế - xã hội địa phương, đặc điểm nhân khẩu học của người dân và các tập quán văn hóa - xã hội vùng.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Tran, L. T., Ngo, N. T. H., Nguyen, H. T. M., Le, T. T. T., & Ho, T. T. H. (2022). “Employability in context”: graduate employability attributes expected by employers in regional Vietnam and implications for career guidance. International Journal for Educational and Vocational Guidance. https://doi.org/10.1007/s10775-022-09560-0