Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ nhất, chỉ đạo tổ chức kỳ thi. Các hoạt động bao gồm: chỉ đạo và tổ chức triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi trên toàn quốc; ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, công tác ra đề thi, giao nhận và in sao đề thi, quyết định các tình huống đặc biệt liên quan tới công tác đề thi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) và các Hội đồng thi, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi, báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT và các cấp có thẩm quyền về tình hình tổ chức kỳ thi; Ban hành quy định thành lập Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia; Tổ trưởng Tổ Thư ký do một ủy viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kiêm nhiệm; các thư ký là công chức, viên chức các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT và Bộ Công an; Thành lập Tổ Vận chuyển và bàn giao đề thi để tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển và bàn giao các túi đề thi gốc đã niêm phong từ Hội đồng ra đề thi cho các Hội đồng thi.
Thứ hai, Bộ GDĐT thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để chỉ đạo tổ chức kỳ thi hằng năm. Trưởng ban Ban chỉ đạo cấp quốc gia trong kỳ thi năm nay là Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng. Các Phó Trưởng ban là lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ GDĐT; trong đó, Phó Trưởng ban thường trực là Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (QLCL) hoặc Phó Cục trưởng Cục QLCL trong trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định. Các ủy viên là lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ.
Thứ ba, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi. Tùy theo mức độ vi phạm Quy chế thi được phát hiện trong kỳ thi để quyết định hình thức xử lý phù hợp (trong trường hợp đặc biệt, trình Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định); Đình chỉ tạm thời hoạt động thi hoặc tổ chức thi lại tại một số Hội đồng thi hoặc trong cả nước, đình chỉ hoạt động, đề nghị xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Hội đồng thì vi phạm Quy chế thi; Đề xuất Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định và các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.
Thứ tư, xây dựng đề thi cho kỳ thi hằng năm. Thành phần Hội đồng ra đề thi bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Cục QLCL hoặc lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học; Các Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Cục trưởng Cục QLCL, lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo các sở GDĐT; Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức. viên chức, người lao động của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục QLCL; Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là những công chức, viên chức, giáo viên đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu; mỗi bài thi/môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi; Lực lượng công an do Bộ Công an điều động; Bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ do Bộ GDĐT điều động.
Trong đó Hội đồng ra đề thi có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: Tổ chức soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, hướng dẫn chấm đáp án, thang điểm của đề chính thức và đề dự bị; In sao đề thi đúng quy định, đủ số lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, đóng gói, niêm phong, bảo quản đề thi và bàn giao đề thì gốc cho Tổ Vận chuyển và bàn giao đề thi của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia; Bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm trong khu vực ra đề thi từ lúc bắt đầu soạn thảo đề thi cho đến hết thời gian thi của môn cuối cùng của kỳ thi; Đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định khen thưởng, kỷ luật (nếu có) đối với các thành viên Hội đồng ra đề thi. Chủ tịch Hội đồng ra đề thi điều hành toàn bộ hoạt động ra đề thi theo nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng ra đề thi; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GDĐT về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng ra đề thi theo quy định của Quy chế này. Các thành viên của Hội đồng ra đề thi chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy nhiệm của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi.
Thứ năm, đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi.
Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh
Thứ nhất, chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Các hoạt động bao gồm chỉ đạo, kiểm tra các ban, ngành, đoàn thể liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Hội đồng thi trong tổ chức kỳ thi; xem xét, giải quyết các kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng thi; Báo cáo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình tổ chức thi, việc thực hiện Quy chế thi ở địa phương và đề xuất xử lý các tình huống xảy ra trong tổ chức kỳ thi; Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng hoặc trình các cấp có thẩm quyền khen thưởng công chức, viên chức và người lao động có thành tích trong công tác tổ chức thi hoặc kỷ luật các đối tượng đã nêu nếu vi phạm Quy chế thi; Thực hiện những quyết định, chỉ đạo có liên quan của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.
Thứ hai, Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GDĐT trình; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho sở GDĐT và các sở ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện/thị về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về kỳ thi do Bộ GDĐT ban hành.
Thành phần Ban Chỉ đạo cấp tỉnh bao gồm Trưởng ban là Lãnh đạo UBND tỉnh; Các Phó Trưởng ban là lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh; trong đó, Phó Trưởng ban thường trực là Giám đốc sở GDĐT hoặc Phó Giám đốc sở GDĐT, trong trường hợp đặc biệt; Các ủy viên là lãnh đạo các phòng của sở GDĐT, lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo UBND cấp quận/huyện/thị xã thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện/thị); Các thư ký là công chức, viên chức của sở GDĐT và một số sở, ban ngành liên quan của tỉnh.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm như sau: Trưởng ban quyết định tổ chức thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo quy định của Quy chế thi; Các Phó Trưởng ban, ủy viên và thư ký chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy nhiệm của Trưởng ban.
Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh
Thứ nhất, điều động và tạo mọi điều kiện cần thiết để các công chức, viên chức, giáo viên tham gia kỳ thi theo yêu cầu, đề nghị của Bộ GDĐT; chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh ở các trường phổ thông; chỉ đạo các trường phổ thông rà soát, cập nhật thông tin của học sinh đang học lớp 12 trên cơ sở dữ liệu ngành đúng thời hạn quy định trong hướng dẫn tổ chức thi.
Thứ hai, trình UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Thứ ba, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo tổ chức thi tại tỉnh theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Thứ tư, chỉ đạo, tổ chức đăng ký dự thi (ĐKDT), quản lý hồ sơ ĐKDT; chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thì cho các thí sinh học môn Ngoại ngữ theo chương trình thí điểm được Bộ GDĐT cho phép để sử dụng kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Thứ năm, chủ trì thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi.
Thứ sáu, báo cáo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi, những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức thi.
Thứ bảy, tổ chức bàn giao Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh.
Thứ tám, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; chỉ đạo tổ chức cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, Bằng tốt nghiệp THPT và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, công bố công khai phổ điểm các bài thi, môn thi thành phần, đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các trường phổ thông trong tỉnh.
Thứ chín, thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức, giáo viên, thí sinh trong phạm vi quyền hạn quy định; đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định Quy chế thi và các quy định của pháp luật đối với những người tham gia làm công tác thi, lưu trữ hồ sơ của kỳ thi theo quy định.
Thứ mười, phối hợp với sở tài chính và các cơ quan có liên quan trình UBND tỉnh bảo đảm kinh phí tổ chức kỳ thi.
Trách nhiệm của trường phổ thông
Thứ nhất, hoàn thành chương trình dạy học theo chỉ đạo của sở GDĐT, tổ chức ôn tập cho học sinh. Hướng dẫn để học sinh được cấp Căn cước công dân chậm nhất vào cuối học kỳ 1 năm học lớp 12; tổ chức kiểm tra trình độ kiến thức văn hóa xếp loại học lực cho những người tự học khi được sở GDĐT giao trách nhiệm.
Thứ hai, tiếp nhận Phiếu ĐKDT, đơn đề nghị phúc khảo; kiểm tra hồ sơ của người học ĐKDT tại trường; hoàn thiện dữ liệu ĐKDT và chuyển dữ liệu cho sở GDĐT; in, đóng dấu và trả Giấy báo dự thi cho thí sinh; quản lý hồ sơ ĐKDT của thí sinh theo quy định.
Thứ ba, tổ chức cho công chức, viên chức, giáo viên và thí sinh học tập Quy chế thi, tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn cho Hội đồng thi nếu được chọn làm Điểm thi hoặc địa điểm chấm thi, phúc khảo.
Thứ tư, tiếp nhận đơn, lập danh sách thí sinh có đơn phúc khảo bài thi và chuyển đến sở GDĐT; trả Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh nộp Phiếu ĐKDT tại trường.
Thứ năm, cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Thứ sáu, lưu trữ hồ sơ của kỳ thi theo quy định.
Thứ bảy, đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các học sinh của trường làm căn cứ để đổi mới việc dạy và học trong nhà trường.
Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học
Thứ nhất, thành lập các đoàn kiểm tra các khâu của kỳ thi hoặc tham gia các đoàn thanh tra kiểm tra các khâu của kỳ thi theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GDĐT; bảo đảm các điều kiện cần thiết để các viên chức, giảng viên của cơ sở giáo dục đại học tham gia và thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi do Bộ trưởng Bộ GDĐT giao. Điều động và tạo mọi điều kiện cần thiết để các viên chức, giảng viên, giáo viên tham gia kỳ thi theo yêu cầu, đề nghị của Bộ GDĐT.
Ngoài những trách nhiệm của ngành giáo dục các cấp trong việc tổ chức, thực hiện kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của đơn vị ngoài ngành là Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ nhất, Cục Nhà trường chịu trách nhiệm như một sở GDĐT trước Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng và Bộ GDĐT về toàn bộ công tác chỉ đạo, quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, Cục trưởng Cục Nhà trường có nhiệm vụ và quyền hạn như Giám đốc sở GDĐT về toàn bộ công tác chỉ đạo, quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hồng Anh
Tài liệu tham khảo
Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Truy cập từ: https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBPQ/Attachments/1351/15_2020_TT_BGDDT.pdf
Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Truy cập từ: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2021/04/05-bgddt.signed.pdf
Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024). Truy cập từ: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2024/3/02-bgd.pdf