Kết quả đánh giá của giáo viên về hiệu quả dạy học STEM tại một số trường trung học phổ thông ở Đồng bằng sông Cửu Long

Trong bài viết này, Trần Thị Cẩm Ly và cộng sự thực hiện khảo sát thông qua sử dụng bảng hỏi và phỏng vấn sâu giáo viên tham gia thực hiện giảng dạy theo mô hình giáo dục STEM tại trường trung học phổ thông để thu thập thông tin về việc đánh giá của giáo viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc áp dụng mô hình giáo dục STEM tại trường nhằm mang lại cái nhìn tổng thể về vấn đề này.

“Giáo dục STEM” có thể hiểu là phương pháp tiếp cận liên môn (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học) trong dạy học nhằm nâng cao hứng thú học tập, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, định hướng hành động, trải nghiệm trong học tập, hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất người học. Tại Việt Nam, các phương pháp giáo dục STEM được giáo viên tìm hiểu, áp dụng và cải tiến để ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả sau khi áp dụng hoạt động giáo dục STEM vẫn chưa nhận được sự quan tâm nghiên cứu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước thực tế đó, Trần Thị Cẩm Ly và cộng sự thực hiện khảo sát thông qua sử dụng bảng hỏi và phỏng vấn sâu giáo viên tham gia thực hiện giảng dạy theo mô hình giáo dục STEM tại trường trung học phổ thông để thu thập thông tin về việc đánh giá của giáo viên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc áp dụng mô hình giáo dục STEM tại trường nhằm mang lại cái nhìn tổng thể về vấn đề này.

Nguồn: Internet

Để đánh giá hiệu quả của mô hình giáo dục STEM tại các trường trung học phổ thông, nhóm tác giả đã khảo sát ngẫu nhiên 30 giáo viên tại một số trường ở tỉnh Cà Mau và Bến Tre. Các câu hỏi khảo sát xoay quanh mức độ hiệu quả đối với học sinh và các công cụ, tài liệu học tập sử dụng trong dạy học STEM. Trong số giáo viên tham gia, có 20 nữ (66,7%) và 10 nam (33,3%), với 30% có kinh nghiệm dưới 10 năm và 70% trên 10 năm. Công cụ nghiên cứu là bảng câu hỏi kết hợp phỏng vấn sâu, thiết kế theo phương pháp nghiên cứu của Phạm Văn Quyết và Nguyễn Quý Thanh (2011), gồm các câu hỏi Có/Không, tự luận và thang đo Likert để đo mức độ đồng ý/hài lòng/phản hồi. Thang đo Likert được áp dụng với 5 mức độ từ "Chưa bao giờ" đến "Rất thường xuyên". Thời gian khảo sát từ 01/8/2023 đến 25/8/2023, phỏng vấn sâu từ 26/8/2023 đến 15/9/2023. Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS v.21 và kiểm định Mann-Whitney U để so sánh quan điểm giữa giáo viên nam và nữ, cũng như giữa hai nhóm thâm niên công tác, với mức ý nghĩa p<0,05.

Kết quả của nghiên cứu đã thể hiện rằng, giáo viên tham gia dạy học theo mô hình giáo dục STEM và áp dụng một loạt các phương pháp và công cụ đa dạng. Đồng thời,dựa trên đánh giá của 30 giáo viên cho thấy rằng học sinh tham gia tích cực và đạt được các mục tiêu học tập của bài dạy khi áp dụng mô hình giáo dục STEM. Học sinh được cải thiện về các năng lực quan trọng như tư duy logic, sáng tạo và giải quyết vấn đề thông qua các bài học; các công cụ và tài liệu học tập cũng được sử dụng một cách hiệu quả trong quá trình học. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng,có nhiều yếu tố khách quan cần xem xét để lựa chọn phương pháp, công cụ và tài liệu học tập phù hợp với từng đối tượng học sinh cụ thể. Để có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn về tình hình này, nhóm tác giả đề xuất cần thực hiện các nghiên cứu sâu hơn với một số lượng đối tượng lớn hơn, mở rộng phạm vi để khám phá những nguyên nhân đằng sau việc sử dụng các phương pháp và công cụ một cách cụ thể.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức tổng hợp

Nguồn: Trần , T. C. L., Nguyễn , L. H. P., Võ , T. T. L., Võ , T. T. L., Nguyễn , T. K. H., & Đinh, M. Q. (2024). Kết quả đánh giá của giáo viên về hiệu quả dạy học STEM tại một số trường trung học phổ thông ở Đồng bằng sông Cửu Long . Tạp chí Giáo dục, 24(1), 59-64.