Nhìn chung, giáo viên được cho là đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong lớp học. Do đó, mặc dù một số nghiên cứu trước đây về ICT chủ yếu tập trung và kết quả và thành tích học tập của học sinh, xu hướng nghiên cứu hiện nay đã chuyển sang lĩnh vực hiểu biết của giáo viên về ICT và việc sử dụng ICT trong giảng dạy. Đặc biệt, trong giáo dục Toán học, một số nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu về hiểu biết của giáo viên Toán về ICT và việc tích hợp ICT trong giảng dạy môn học này. Tuy nhiên, đa số các nghiên cứu này được tiến hành tại các quốc gia phát triển, vốn có điều kiện cơ sở vật chất và bối cảnh giáo dục có nhiều khác biệt so với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Indonesia.
Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm hiểu về hiểu biết của giáo viên Toán Trung học cơ sở tại Indonesia về ICT và việc sử dụng ICT trong giảng dạy môn học này. Cụ thể, nghiên cứu hướng đến trả lời các câu hỏi: Các giáo viên Toán Trung học cơ sở tại Indonesia có hiểu biết như thế nào về ICT và việc sử dụng công nghệ này trong giáo dục?
Nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận định lượng, trong đó các nhà nghiên cứu xây dựng bảng hỏi và sử dụng bảng hỏi để khảo sát một tập hợp khách thể lớn. Theo bảng, với khoảng tin cậy (biên độ sai số) +/- 5% và mức tin cậy 95%, cần có khoảng 306 người tham gia mẫu khảo sát. Nhóm nghiên cứu lựa chọn ngẫu nhiên các trường từ các thành phố và các quận trong các tỉnh. Tổng cộng có 93 trường trung học được lựa chọn để phát 440 phiếu điều tra. Tổng cộng, 355 bảng câu hỏi đã được phản hồi lại nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, 14 bảng câu hỏi được điền không đầy đủ và bị loại trừ.
Bảng hỏi được nhóm nghiên cứu xây dựng gồm hai phần, cụ thể là: đặc điểm nhân khẩu học của giáo viên và hiểu biết của giáo viên về ICT. Nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết của Angeli và Valanides (2009) về hiểu biết của giáo viên về ICT. Về khái niệm liên quan đến ứng dụng công nghệ ICT trong giảng dạy, nhóm nghiên cứu sử dụng khung lý thuyết của Mishra & Koehler (2006) và Handal và cộng sự (2013). Các câu hỏi chủ yếu được xây dựng trên cơ sở thang đo 5 điểm, trong đó mức 1 của thang đo là “Hoàn toàn không đồng ý” và mức 5 của thang đo là “Hoàn toàn đồng ý”.
Tất cả các câu trả lời về kiến thức của giáo viên đều được mã hóa trong thang 5 điểm. Phân tích thống kê mô tả và suy luận đã được sử dụng để trả lời các câu hỏi nghiên cứu. Về phân tích mô tả, phân bố tần suất các câu trả lời trên tất cả các mục kiến thức của giáo viên đã được tính toán và trình bày trong bảng. Hơn nữa, Giá trị trung bình của tất cả các mục cũng được lý giải bằng cách sử dụng phương pháp phạm vi điểm của bảng câu hỏi của Handal và cộng sự (2013). Đối với phân tích thống kê suy luận, nhóm nghiên cứu sử dụng phép đo ANOVA lặp lại và bài kiểm tra theo cặp để kiểm tra sự khác biệt đáng kể về kiến thức của giáo viên giữa các mục khảo sát.
Nghiên cứu đưa ra một số kết quả chính như sau:
- Trên quy mô rộng, có thể thấy giáo viên Toán Trung học cơ sở tại Indonesia chưa có đủ kiến thức và hiểu biết về công nghệ ICT và việc sử dụng ICT trong hoạt động giảng dạy và học tập. Về các kiến thức liên quan đến phần cứng, hiểu biết của những người tham gia trả lời khảo sát về phần cứng máy tính/laptop cao hơn so với hiểu biết của họ về phần cứng của máy tính bảng và các thiết bị di động. Tuy nhiên, hiểu biết của những người tham gia trả lời khảo sát (là giáo viên) về thiết bị máy tính vẽ đồ thị lại ở mức thấp nhất - một điều khá gây ngạc nhiên, nhất là khi xét đến việc đây là loại thiết bị có vai trò quan trọng trong việc dạy học môn Toán.
- Hiểu biết của giáo viên Toán tại Indonesia về phần mềm nói chung cao hơn so với các phần mềm chuyên ngành Toán. Giáo viên Toán tại Indonesia đa số có hiểu biết cơ bản về các phần mềm phục vụ nhu cầu thông dụng, chẳng hạn như soạn thảo văn bản và bảng tính, nhưng lại thiếu nhiều kiến thức về các phần mềm chuyên ngành Toán học, chẳng hạn như các phần mềm vẽ hình học động.
- Về các phần mềm thông dụng: các đáp viên tham gia khảo sát có tỷ lệ thành thạo phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft Word cao nhất, sau đó đến phần mềm trình chiếu PowerPoint. Trong bối cảnh Indonesia, nghiên cứu này có chung kết quả với một nghiên cứu của của Marzal (2013) cho thấy rằng hơn 60% giáo viên dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên của nước này thành thạo việc sử dụng các phần mềm như PowerPoint, Word và mạng Internet, trong khi có chưa tới 10% giáo viên có thể sử dụng các phần mềm chuyên ngành như SPSS. Tuy nhiên, kiến thức của giáo viên về các phần mềm thông dụng không có tác động lớn đến việc tích hợp ICT trong các lớp học Toán, do những phần mềm này không có các tính năng chuyên dụng giúp thúc đẩy học sinh thu nạp các kiến thức toán học.
- Về các phần mềm chuyên ngành Toán học: hiểu biết của các giáo viên Toán học Indonesia về các phần mềm Toán học Động (DMS) và các phần mềm Hình học Động (DGS) cao hơn so với các phần mềm thống kê và các Hệ thống Đại số trên Máy tính (CAS). Lý do các giáo viên có hiểu biết tốt hơn về các phần mềm hình học so với các loại phần mềm toán học khác do đây là phần mềm được sử dụng phổ biến nhất tại các trường học trên khắp thế giới. Đi sâu hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện phần mềm được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm DMS và DGS là phần mềm hình học GeoGebra. Do GeoGebra là phần mềm mã nguồn mở, nên nó được sử dụng rất phổ biến và rất dễ tiếp cận đối với cả giáo viên và học sinh.
- Khía cạnh cuối cùng về hiểu biết ICT của giáo viên được nghiên cứu này đề cập là các nguồn tài nguyên tri thức trực tuyến. Kết quả cho thấy đa số giáo viên có hiểu biết khá thấp về các nguồn tài nguyên này, trong đó hiểu biết về các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) là thấp nhất so với các loại hình tài nguyên dạy học trên Internet khác.
Như vậy, nghiên cứu này cho thấy hiểu biết của giáo viên Toán học Trung học cơ sở tại Indonesia về công nghệ thông tin và truyền thông là tương đối thấp, chủ yếu là do sự thiếu hụt các chương trình đào tạo, tập huấn cho giáo viên về lĩnh vực này. Có 35% số giáo viên Toán THCS tại Indonesia chưa từng qua bất kỳ khoá tập huấn nào về ICT. Hơn nữa, một lượng lớn (46%) số giáo viên Toán THCS tại quốc gia này có độ tuổi từ 46 trở lên, khiến họ gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các công nghệ mới.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Mailizar, M., & Fan, L. (2019). Indonesian teachers’ knowledge of ICT and the use of ICT in secondary mathematics teaching. Eurasia Journal of Mathematics Science and Technology Education, 16(1). https://doi.org/10.29333/ejmste/110352