Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định chuyển đổi số của một số trường tiểu học khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam

Chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến rất nhiều các lĩnh vực như kinh doanh, truyền thông đại chúng, y học, khoa học,... trong đó có giáo dục. Trong bài báo này, Nguyễn Thị Hồng Chuyên tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định chuyển đổi số của một số trường tiểu học khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

Chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian và tiền bạc, giúp người dạy và học vượt qua rào cản về không gian và thời gian - vốn là rào cản lớn nhất để thực hiện phương pháp giảng dạy truyền thống do những sự kiện bất ngờ xảy ra. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số, bao gồm văn hóa lãnh đạo và văn hóa tổ chức. Nghiên cứu các nhân tố này tại các trường tiểu học miền núi phía Bắc là cần thiết để giúp các nhà hoạch định chính sách và giáo dục đưa ra các biện pháp cải tiến phù hợp. Do đó, nghiên cứu của Nguyễn Thị Hồng Chuyên tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định chuyển đổi số của một số trường tiểu học khu vực miền núi Việt Nam.

Nguồn: Internet

Bảng câu hỏi khảo sát gồm 25 câu đã được gửi tới 180 cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học ở khu vực miền núi phía Bắc thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo. Câu hỏi khảo sát sử dụng thang đo Likert với 5 mức độ: 1 = Hoàn toàn không đồng ý, 2 = Không đồng ý, 3 = Phân vân, 4 = Đồng ý, 5 = Rất đồng ý. Thời gian diễn ra khảo sát từ 16/6 đến 21/8/2022. Số lượng tham gia trả lời câu hỏi khảo sát là 235 người. Sau khi loại bỏ các câu trả lời không có ý nghĩa thống kê thì số lượng còn lại đưa vào phân tích thông qua phần mềm SPSS là 180 mẫu quan sát. Theo kết quả khảo sát, có 155 giáo viên nữ tham gia trả lời câu hỏi (86,1%), 25 giáo viên nam tham gia trả lời (13,9%). Số lượng giáo viên có trình độ cao đẳng là 97 người (53,9%), trình độ đại học là 83 người (46,1%). Giáo viên có độ tuổi dưới 30 chiếm 34,4%, độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi chiếm 22,2%, từ 40 đến 50 tuổi chiếm 41,7%, còn lại là trên 50 tuổi.

25 câu hỏi đã được đề xuất sử dụng dựa trên các nghiên cứu trước đây và được chuyển đến những người tham gia khảo sát thông qua các mạng xã hội. Dựa trên minh chứng từ 180 mẫu có giá trị đã thu thập, kết quả phân tích nhân tố khám phá cho thấy có 5 nhân tố chính ảnh hưởng đến ý định chuyển đổi số của một số trường tiểu học miền núi phía Bắc Việt Nam: (1) Chiến lược chuyển đổi số của nhà trường; (2) Điều kiện thực hiện chuyển đổi số; (3) Năng lực công nghệ số của giáo viên; (4) Biện pháp triển khai chuyển đổi số của nhà trường;(5) Mục đích hoạt động của nhà trường; đồng thời xác định được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đó đến ý định chuyển đổi số của một số trường tiểu học khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Tổng phương sai được giải thích cho 25 biến là 68,279%. Kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy tất cả các yếu tố đều có ảnh hưởng đáng kể đến ý định chuyển đổi số của các trường tiểu học, trong đó năng lực số của giáo viên đứng đầu danh sách. Kết quả nghiên cứu cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục cái nhìn tổng quan hơn, từ đó đưa ra chiến lược, điều chỉnh theo mức độ ưu tiên xoay quanh 5 yếu tố trên. Đồng thời, còn làm cơ sở thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu khác, là tài liệu tham khảo cho độc giả quan tâm đến chuyển đổi số trong giáo dục.

Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.

Huyền Đức tổng hợp

Nguồn: Nguyễn , T. H. C. (2023). Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định chuyển đổi số trường tiểu học: nghiên cứu tại khu vực miền núi phía Bắc ở Việt Nam. Tạp chí Giáo dục, 23(7), 47-52.