Tỷ lệ lo âu và trầm cảm gia tăng ở sinh viên đại học: Đâu là nguyên nhân ảnh hưởng?

Trong những năm gần đây, trầm cảm và lo âu là những lý do hàng đầu khiến sinh viên tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý. Do đó, bài viết của Rosenberg chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến tình trạng trên.

Đại học được coi như “một giai đoạn tuyệt vời” đầy những trải nghiệm mới, mang lại cho sinh viên sự tự do để khám phá những ý tưởng và tìm ra bản thân mình. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, trầm cảm và lo âu đã tác động đến sinh viên đại học ở mức độ đáng lo ngại. Báo cáo từ Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Đại học (Center for Collegiate Mental Health) nhấn mạnh rằng lo âu và trầm cảm là những lý do hàng đầu khiến sinh viên tìm đến dịch vụ tư vấn tâm lý. Theo báo cáo, cứ 5 sinh viên thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi lo âu và trầm cảm. Với câu hỏi “Tại sao những rối loạn này lại phổ biến ở sinh viên?”, trong bài viết này, David Rosenberg chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng.

Nguồn: Getty Images

Nguy cơ đến từ công nghệ

Phương tiện truyền thông mạng xã hội và công nghệ là yếu tố nguy hiểm nhất trong số những yếu tố chỉ ra. Việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông mạng xã hội và công nghệ có xu hướng gây ra các tương tác xã hội kém và gia tăng cảm giác bị cô lập. 

Việc sử dụng mạng xã hội quá mức cũng thúc đẩy sự cạnh tranh nhất định giữa cuộc sống thực và cuộc sống ảo ở một người. Đó là, một cuộc chiến giằng co giữa việc mải mê đăng trải nghiệm lên mạng xã hội, gửi tin nhắn và chụp ảnh tự sướng thay vì tận hưởng khoảnh khắc xứng đáng. Đa số sinh viên đều đang sống thực và sống ảo, cuộc sống ảo trên mạng xã hội đang cạnh tranh và đôi khi trở nên quan trọng hơn cuộc sống thực. Nhận định này không chỉ là kết quả của những quan sát từ Rosenberg mà nó còn được ghi nhận trong những nghiên cứu tâm lý khác. 

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nghiện điện thoại di động, cũng như sử dụng điện thoại thông minh quá mức, có liên quan đến việc gia tăng rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu và căng thẳng nói chung. Chẳng hạn, một nghiên cứu chỉ ra gần 50% sinh viên đại học cho biết họ thức dậy vào ban đêm để trả lời tin nhắn văn bản. Nghiên cứu tương tự cho thấy rằng càng nhiều người sử dụng công nghệ trong giờ ngủ thì chất lượng giấc ngủ của họ càng kém và tỷ lệ trầm cảm và lo lắng càng cao.

Di truyền và sử dụng thuốc lá

Trong 20 năm qua, tỷ lệ trầm cảm trong xã hội đã tăng đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ trầm cảm ở các bậc cha mẹ của sinh viên cũng sẽ cao hơn. Trầm cảm có yếu tố di truyền, do đó con cái của những người mắc trầm cảm có nguy cơ cao hơn so với mức trung bình. Tương tự, sinh viên có tiền sử rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) cũng có tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao hơn nhiều. Theo ước tính, khoảng 2 - 8% sinh viên đại học đang phải đối mặt với các triệu chứng của rối loạn này. Một yếu tố khác là việc sử dụng thuốc lá của sinh viên. Hút thuốc lá liên quan đến nhiều vấn đề về giấc ngủ, làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu. May mắn thay, từ năm 2016, tỷ lệ hút thuốc lá và sử dụng thuốc lá điện tử đã có xu hướng giảm, chỉ còn khoảng 16%.

Những yếu tố khác

Mặc dù đối với nhiều người, việc học đại học là một trải nghiệm thú vị, nhưng với một nhóm sinh viên, sự thay đổi môi trường mới lại mang đến nỗi nhớ nhà và lo sợ chia ly, làm cho việc thích nghi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Những sinh viên này có nguy cơ cao mắc phải trầm cảm và lo âu. Các áp lực tài chính do chi phí học đại học tăng cao, bao gồm nỗi lo sợ nợ nần và thất nghiệp, cùng với viễn cảnh phải chuyển về sống với bố mẹ sau khi tốt nghiệp, đều liên quan đến việc gia tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu ở sinh viên.

Trong quá khứ, việc con cái vượt qua cha mẹ là điều hiển nhiên, nhưng giờ đây không còn như vậy. Nhiều sinh viên cảm thấy rằng họ sẽ không thể đạt được những thành tựu như cha mẹ mình. Điều này gây ra cảm giác thất vọng và niềm tin rằng không còn công việc “tốt” nào nữa. Phụ huynh cũng ngày càng can thiệp nhiều hơn vào việc học đại học và sự nghiệp sau này của con cái. Không còn lạ khi thấy cha mẹ gọi cho cố vấn học tập để “hỏi thăm” tình hình của con mình. Đây là hành động vượt quá giới hạn, nhưng hiện nay lại trở nên phổ biến. Sự can thiệp quá mức của cha mẹ có thể thúc đẩy sự phụ thuộc, lo âu và trầm cảm, đồng thời cản trở sự sáng tạo của sinh viên. Mặc dù, phụ huynh quan tâm và mong muốn điều tốt nhất cho con cái nhưng đôi khi, việc thất bại hoặc nhận điểm kém trong một bài kiểm tra có thể truyền động lực để sinh viên cố gắng hơn sau những thất bại.

Hỗ trợ, đường dây nóng và hy vọng

Những vấn đề phức tạp không phải lúc nào cũng có thể giải quyết bằng những giải pháp đơn giản. Thẻ bảo hiểm, đường dây trợ giúp 24/7 và đường dây nóng có thể mang lại cảm giác an tâm và niềm tin rằng luôn có dịch vụ chăm sóc tốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu về việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở sinh viên đã phát hiện rằng, ngay cả khi có sẵn các dịch vụ này, phần lớn sinh viên mắc các rối loạn tâm thần và cảm xúc vẫn không nhận được điều trị. Vì vậy, trong bài báo này, Rosenberg đề xuất giải pháp chủ động, tiết kiệm chi phí và tiềm năng hiệu quả, nhưng điều này chỉ thành công khi nhận được sự ủng hộ từ mọi cấp độ của trường đại học và xã hội.

Mặc dù công nghệ có thể là nguồn gốc gây ra lo âu và trầm cảm nhưng nó cũng có thể được sử dụng để điều trị. Máy tính, iPad và điện thoại thông minh có thể giúp kết nối sinh viên với các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở bất kỳ đâu, dù trong phòng ký túc xá hay ngoài khuôn viên trường. Điều quan trọng là nhận diện sớm những người có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương nhất. Việc đào tạo các nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm lý là cần thiết, dưới sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia tâm thần học, tâm lý học và nhân viên xã hội có kinh nghiệm.

Trên hết, sinh viên và phụ huynh cần nhận thức rằng sức khỏe thể chất và tinh thần của sinh viên rất quan trọng. Các trường đại học nên thông báo cho phụ huynh và sinh viên rằng sẽ có những người được đào tạo và có chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn một cách kín đáo và bảo mật.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Rosenberg, D. (2018). 1 in 5 college students have anxiety or depression. Here’s why. The Conversation. https://theconversation.com/1-in-5-college-students-have-anxiety-or-depression-heres-why-90440 

Bạn đang đọc bài viết Tỷ lệ lo âu và trầm cảm gia tăng ở sinh viên đại học: Đâu là nguyên nhân ảnh hưởng? tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn