Sự hài lòng trong công việc giảng dạy là trọng tâm của nghiên cứu giáo dục vì nó mang lại lợi ích cho cả giảng viên và sinh viên. Giảng viên có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo. Những giảng viên hài lòng với công việc của mình được coi là đóng góp tích cực vào hoạt động của nhà trường. Những giảng viên hài lòng thể hiện mức độ cam kết công việc cao và ít có nguy cơ rời bỏ nghề (Shila & Sevilla, 2015). De Nobile và McCormick (2007) khẳng định rằng có một mối quan hệ tiêu cực giữa sự hài lòng trong công việc và căng thẳng trong công việc. Hai tác giả đã chứng minh rằng, các giảng viên có mức độ căng thẳng cao thường có mức độ hài lòng thấp, điều này khiến họ dễ chán nản, không muốn cống hiến cho công việc, và từ đó dẫn đến mong muốn tìm một công việc khác hoặc chuyển sang một môi trường làm việc khác. Bài báo này tập trung tìm hiểu thực trạng sự hài lòng trong công việc của đội ngũ giảng viên.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Huế với mẫu khách thể khảo sát là 539 giảng viên của 8 trường đại học thành viên của Đại học Huế đã tham gia trả lời phiếu khảo sát. Mẫu khách thể khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên và đảm bảo tính đại diện. Thang đo về sự hài lòng trong công việc của đội ngũ giảng viên được tham khảo một số trắc nghiệm và bảng hỏi từ nghiên cứu của một số nhà khoa học trong và ngoài nước (Đàm Thị Thanh Dung, 2023; Herzberg et al., 1959; Kinicki et al., 2002; Spector, 1997). Theo đó, sự hài lòng trong công việc của đội ngũ giảng viên Đại học Huế được đo lường thông qua 5 yếu tố: (1) Bản chất công việc (có 5 tiêu chí đánh giá); (2) Cơ hội phát triển nghề nghiệp (có 4 tiêu chí đánh giá); (3) Lãnh đạo (có 5 tiêu chí đánh giá); (4) Đồng nghiệp (có 4 tiêu chí đánh giá) và (5) Tiền lương, thưởng (có 5 tiêu chí đánh giá). Thang đánh giá gồm 23 tiêu chí hài lòng trong công việc của 5 yếu tố được đo bằng thang đo 5 bậc (từ 1 đến 5).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, giảng viên tại Đại học Huế hài lòng với công việc của mình, tuy nhiên, yếu tố lương và thưởng vẫn chưa đạt mức hài lòng. Yếu tố được đánh giá cao nhất là bản chất công việc, với tiêu chí “Công việc phù hợp với năng lực chuyên môn” đứng đầu trong số 23 tiêu chí hài lòng. Ngược lại, tiêu chí “Hài lòng với mức thu nhập hiện tại” của yếu tố lương và thưởng lại nhận được đánh giá thấp nhất. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, vẫn còn một tỉ lệ khá lớn giảng viên chưa thực sự hài lòng về các yếu tố như bản chất công việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, lãnh đạo, đồng nghiệp và lương thưởng.
Do đó, để nâng cao sự hài lòng trong công việc của giảng viên, Đại học Huế cần tiến hành phân tích công việc của giảng viên, thiết lập bản mô tả công việc và bảng tiêu chuẩn công việc, giúp giảng viên chủ động hơn trong công việc. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp cho giảng viên, tạo điều kiện cho họ tham gia các khóa đào tạo và bồi dưỡng. Công tác tuyển dụng giảng viên cũng cần được chú trọng để tuyển được những giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề và quan tâm đến đồng nghiệp. Thêm vào đó, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và bổ nhiệm đúng người có tâm và năng lực quản lý để lãnh đạo, tạo môi trường làm việc tốt cho giảng viên. Cuối cùng, cần nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp lí về lương để đảm bảo thu nhập tốt cho giảng viên.
Trong quá trình thực hiện, tùy theo môi trường, thời điểm và điều kiện cụ thể, từng biện pháp sẽ có vị trí ưu tiên khác nhau và có thể sắp xếp thứ tự thực hiện các biện pháp để đạt hiệu quả cao nhất.
Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề trên, bạn đọc có thể tìm đọc nghiên cứu dưới đây.
Huyền Đức tổng hợp
Nguồn: Phạm Thế Kiên (2024). Thực trạng sự hài lòng trong công việc của đội ngũ giảng viên Đại Học Huế. Tạp chí Giáo dục, 24(9), 58-64.