Hiện này, nhiều dự án đã được thực hiện nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh Việt Nam và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là một trong số đó. Để hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng, nhiều nghiên cứu về thay đổi giáo dục và cải cách sư phạm (pedagogical reforms - PRs) đã được thực hiện ở các nước trên thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam. Theo đó, câu hỏi đặt ra là các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là trong bối cảnh giáo dục Việt Nam, ảnh hưởng như thế nào tới các nhóm giáo viên khác nhau tùy theo hoàn cảnh của họ. Nghiên cứu này được thực hiện theo phương pháp sử dụng bảng câu hỏi và phỏng vấn bán cấu trúc (semi-structured interviews) để thu thập dữ liệu nhằm tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu. Đối tượng tham gia khảo sát là 102 giáo viên phổ thông đang công tác tại miền Tây Nam Bộ và 06 người tham gia phỏng vấn được tuyển chọn từ cuộc khảo sát.
Nguồn: Freepik
Kết quả nghiên cứu cho thấy giáo viên bị ảnh hưởng nhiều bởi 03 nhóm yếu tố chính:
Thứ nhất, kết quả học tập của học sinh, đây là yếu tố ngoại vi có ảnh hưởng nhất được chỉ ra trong nghiên cứu này. Khi học sinh thể hiện sự tiến bộ trong học tập, giáo viên tiếp tục thực hiện các kỹ thuật giảng dạy mới và thay đổi niềm tin của họ vào việc giảng dạy. Yếu tố này đã trở thành một thước đo tiêu chuẩn cho sự thay đổi phát triển của giáo viên về trách nhiệm trở thành một giáo viên giỏi.
Thứ hai, yếu tố lãnh đạo của các nhà quản lý giáo dục, các giáo viên cho biết họ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên. Nói cách khác, chính phủ thường xuyên đánh giá chất lượng giáo viên dựa trên giấy phép và tiêu chuẩn đặt ra. Hơn nữa, giai đoạn lập kế hoạch của quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy dường như thiếu sự tham gia, đóng góp của giáo viên.
Thứ ba, giới hạn về mặt thời gian, giáo viên phải chịu áp lực rất lớn về thời gian học tập, đào tạo, lập kế hoạch, thực hành, ôn tập, hợp tác với đồng nghiệp, học các phương pháp dạy học mới, sử dụng hiệu quả học liệu mới, áp dụng các phương pháp dạy học mới, phân tích sâu sắc, lồng ghép các cải cách vào dạy học vào thực tiễn. Khối lượng công việc quá mức trong một khoảng thời gian ngắn đã trực tiếp làm giảm động lực chấp nhận thay đổi của giáo viên.
Bên cạnh các yếu tố trên, sự không phù hợp giữa chính sách đổi mới và đánh giá học tập của học sinh cũng là lý do khiến giáo viên từ chối thay đổi phương pháp giảng dạy. Các giáo viên nhấn mạnh rằng những thay đổi về giáo dục phải có tính tương quan cao; sự thống nhất giữa chương trình giảng dạy bắt buộc và các kỳ thi quốc gia phải chặt chẽ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể với giáo viên EFL (English as a foreign language) bằng cách khuyến khích họ áp dụng các kỹ thuật giảng dạy giao tiếp nhằm giúp cải thiện khả năng giao tiếp của học sinh, kiểm tra trên lớp và cả kỳ thi Quốc gia vẫn tập trung vào đánh giá ngữ pháp, từ vựng, đọc, viết. Do đó, các phương pháp giảng dạy thiên về kiểm tra để đáp ứng kết quả chấm điểm đang có ưu thế hơn so với phát triển kỹ năng giao tiếp của học sinh vốn bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu xã hội ở Việt Nam.
Nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị giúp giáo viên EFL và các nhà quản lý giáo dục có phương án triển khai phù hợp với chương trình đổi mới giảng dạy theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Trước hết, đây là cơ hội tốt để các giáo viên EFL suy ngẫm về quá trình giảng dạy của mình và các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến niềm tin của họ trong việc triển khai cải cách sư phạm trong thực tiễn của mình. Nhờ đó, họ có thể điều chỉnh niềm tin vào việc giảng dạy và tìm cách nâng cao thành tích học tập của học sinh. Thứ hai, các nhà quản lý giáo dục có thể hiểu rõ hơn về những người cấp dưới và điều gì có thể cản trở họ áp dụng chương trình đổi mới từ bên ngoài. Nhờ đó, họ có thể thiết kế đầy đủ các kế hoạch, chiến lược, chương trình và hoạt động phát triển chuyên môn, đồng thời nâng cao chất lượng của các đề xuất cải cách cũng như độ tin cậy của các đề xuất đó.
Hồng Anh lược dịch
Nguồn:
Xuan Mai, L., & Thanh Thao, L. (2022). English language teaching pedagogical reforms in Vietnam: External factors in light of teachers’ backgrounds. Cogent Education, 9(1), 2087457. https://doi.org/10.1080/2331186X.2022.2087457