Động lực quốc tế hóa giáo dục đại học: Một phân tích so sánh

Bài viết này cung cấp một phân tích so sánh các động lực cơ bản đối với việc quốc tế hóa giáo dục đại học ở các nước phát triển và đang phát triển cầu bằng cách sử dụng phân tích các tài liệu chính sách ở 27 quốc gia. Kết quả cho thấy, lý do kinh tế xã hội, lý do chính trị là hai động lực chính thúc đẩy quốc tế hóa ở các quốc gia này.

Trong ba thập kỷ qua, quốc tế hóa giáo dục đại học (higher education internationalization - HEI) đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng định hình giáo dục đại học. Bài viết này thực hiện phân tích nội dung của 366 tài liệu chính sách ở 27 quốc gia phía bắc và phía nam toàn cầu để trả lời cho câu hỏi: Đâu là động lực chính cho việc quốc tế hóa giáo dục đại học giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển? Cơ sở lý luận trong bối cảnh này được định nghĩa là “động lực để tích hợp khía cạnh quốc tế vào chính sách giáo dục đại học”. Nghiên cứu sử dụng phân loại kinh tế và địa lý của quốc gia UNCTAD (United Nations Conference on Trade and Development - Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển) để chọn các quốc gia từ hai phía đại diện để phân tích.

Nguồn Sưu tầm

Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra lý do kinh tế xã hội chính là động lực thứ nhất thúc đẩy các chính sách HEI giữa các quốc gia. Trong khía cạnh kinh tế xã hội chủ đạo của quốc tế hóa, có sự khác biệt đáng kể trong cách thể hiện các lý do này tùy thuộc vào bối cảnh và các ưu tiên. Ở phía bắc bán cầu, chủ yếu ở các quốc gia nói tiếng Anh—Anh, Úc và New Zealand, quốc tế hóa có thị trường mạnh mẽ và định hướng thương mại hóa tập trung vào việc thu hút sinh viên quốc tế trả phí. Mô hình quốc tế hóa này đang dần lan rộng sang Canada và lục địa Châu Âu – những quốc gia trước đây ưu tiên các khía cạnh xã hội và học thuật của quốc tế hóa. 

Trong những năm gần đây, một số quốc gia có thu nhập trung bình ở phía Nam bán cầu (ví dụ như Malaysia) cũng đã áp dụng mô hình quốc tế hóa giáo dục đại học lấy thị trường làm trung tâm và bắt đầu cạnh tranh để thu hút sinh viên quốc tế với các thị trường truyền thống. Dân số trẻ ngày càng tăng và những cải cách trong giáo dục, đặc biệt là ở Châu Phi đã làm tăng nhu cầu về giáo dục đại học chất lượng cao. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, các quốc gia này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình trao đổi học thuật giữa sinh viên trong nước và quốc tế. 

Động lực chính thứ hai dẫn đến quốc tế hóa là lý do về chính trị liên quan đến an ninh quốc gia, ngoại giao quốc tế và quyền lực mềm. Điều này chủ yếu liên quan đến bản chất cạnh tranh của giáo dục đại học toàn cầu và sự tan rã của trật tự thế giới toàn cầu. Các nước đang phát triển đang thiết kế các chính sách quốc tế hóa để thách thức các mô hình thống trị hiện có của phương Tây. Các lý do chính trị ở phía nam bán cầu cũng cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực hóa như một động lực cho quốc tế hóa khi các khối khu vực tuân thủ hoặc thách thức sự phát triển trong khu vực giáo dục đại học của EU và phía bắc bán cầu. Điều này được thể hiện qua các giá trị và bản sắc chung trong các khối khu vực này, đặc biệt là Đông Nam Á và Mỹ Latinh. 

Bằng chứng từ bài viết này cho thấy rằng trong khi khái niệm HEI và các cơ sở lý luận liên quan được coi là một xu hướng kinh tế và thương mại hóa đương đại được thúc đẩy bởi phía bắc bán cầu, thì hiện tượng này ngày càng phức tạp và đa cực. Hơn nữa, bối cảnh địa phương, quốc gia và khu vực, cũng như những rối loạn địa chính trị hiện nay đang dần định hình các chương trình nghị sự của HEI, chỉ ra những cách thức đa dạng mà các chủ thể đang giải thích lợi ích của hiện tượng toàn cầu khi xem xét các ưu tiên cụ thể của quốc gia họ.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Kapfudzaruwa, F. (2024). Internationalization of Higher Education and Emerging National Rationales: Comparative Analysis of the Global North and South. Higher Education Policy, 1-30. https://doi.org/10.1057/s41307-024-00358-z

Bạn đang đọc bài viết Động lực quốc tế hóa giáo dục đại học: Một phân tích so sánh tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn