Chất lượng giáo viên và cải cách giáo dục: Bài kiểm tra LANTITE và quan điểm từ nghiên cứu chính sách giáo dục Úc

Trong bối cảnh toàn cầu về giáo dục và chính sách, bài viết này tập trung vào chủ đề chất lượng giáo viên thông qua lăng kính cải cách giáo dục và một sáng kiến ​​chính sách cụ thể của chính phủ liên bang Úc.

'Chất lượng giáo viên' được xem là một vấn đề trọng tâm trong các cuộc tranh luận - cả về chính trị và học thuật - về cách thức cải cách hệ thống giáo dục để giải quyết có hiệu quả hơn với những thách thức mà các nền kinh tế hiện đại đang trải qua. Với tình hình giáo dục ngày càng có tác động trực tiếp đến vị trí giữa các quốc gia trong kỷ nguyên 'chủ nghĩa tư bản thông tin', chính sách giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc theo kịp cuộc đua giáo dục toàn cầu. 

Nguồn: Sưu tầm

Bài viết này tập trung vào chủ đề chất lượng giáo viên thông qua lăng kính cải cách giáo dục giáo viên và một sáng kiến ​​chính sách cụ thể của Úc: Bài kiểm tra đọc viết và tính toán dành cho đào tạo giáo viên ban đầu (Literacy and Numeracy Test for Initial Teacher Education – LANTITE) được chính phủ liên bang Úc giới thiệu vào năm 2016 dành cho sinh viên theo học ngành giáo viên. 

Về phương pháp nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã phân tích các bài viết nghiên cứu (discourses) trong lĩnh vực xã hội học chính sách, xem những bài viết này như một dạng hành động xã hội gắn liền với các văn bản đó và quan sát các mối liên hệ giữa các bài luận và cấu trúc xã hội cũng như ảnh hưởng của nó đối với sự thay đổi chính trị và xã hội. Sau đó, nhóm nghiên cứu phân tích những văn bản này để phỏng vấn những cá nhân tham gia vào việc đồng xây dựng các văn bản này. 

Sau quá trình phỏng vấn, nhóm nghiên cứu lập luận rằng các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra LANTITE để giải quyết vấn đề thiếu chất lượng giáo viên ở Úc để các tiêu chí tuyển sinh mới có thể hỗ trợ trong việc lựa chọn các ứng viên giáo viên chất lượng cao hơn vào đội ngũ giáo viên các chương trình giáo dục. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng sáng kiến ​​chính sách cụ thể này có ít tác động đến việc cải cách giáo dục giáo viên nói chung. Bài kiểm tra LANTITE về bản chất đã vô tình mang thông điệp rằng các chương trình đào tạo giáo viên chất lượng chỉ là thứ yếu so với việc thu hút các giáo viên có kiến ​​thức và/hoặc kĩ năng cụ thể (ví dụ: kĩ năng đọc viết và tính toán). Rủi ro của việc tập trung chủ yếu vào việc đo lường kiến ​​thức cụ thể trong quá trình tuyển chọn nằm ở chỗ các sinh viên có những năng lực này sẽ là những giáo viên có chất lượng, bất kể họ được đào tạo để trở thành giáo viên như thế nào. Hơn nữa, cách tiếp cận hạn hẹp đối với các kĩ năng đọc viết và tính toán thông qua một kì thi có tính cạnh tranh cao không phải là cách tiếp cận thành công nhất để nâng cao chất lượng ở các trường học ở Úc.

Từ các phát hiện trên, nghiên cứu đưa những khuyến nghị như sau: Nếu mục tiêu là khuyến khích phát triển kỹ năng đọc viết và tính toán cho các giáo viên, thì các chương trình ITE (đào tạo giáo viên ban đầu) cần phải có trách nhiệm hơn trong việc đảm bảo rằng họ đang tạo ra các tiêu chuẩn nội bộ của riêng mình để thu hút các học viên đạt thành tích cao nhưng vẫn giải quyết được các vấn đề cơ bản như kĩ năng đọc viết và tính toán trong chương trình của họ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đảm bảo rằng nếu học viên không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc thể hiện một tiêu chuẩn cụ thể về đọc viết và tính toán, ngay cả khi được hỗ trợ đầy đủ, thì các chương trình ITE không nên tiếp tục đào tạo những học viên này đến khi tốt nghiệp vì họ không có kỹ năng hoặc tiềm năng để trở thành một giáo viên hiệu quả. Trong các chương trình này, những kĩ năng này có thể được kiểm tra trực tiếp, được dàn dựng và bối cảnh hóa. Thay vì dành thời gian tìm hiểu các chiến lược kiểm tra và cách kiểm soát sự lo lắng trong bài kiểm tra, sinh viên cần được khuyến khích đầu tư thời gian xây dựng và thể hiện kĩ năng đọc viết và tính toán của mình trong nhiều cách khác nhau trong suốt quá trình học tập của họ.

Hồng Anh lược dịch

Nguồn: Barnes, M., & Cross, R. (2021). ‘Quality’ at a cost: the politics of teacher education policy in Australia. Critical Studies in Education, 62(4), 455–470. https://doi.org/10.1080/17508487.2018.1558410