Tác động của đại dịch Covid-19 thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục đại học. Nghiên cứu của Bygstad và cộng sự tập trung vào sự phát triển của không gian học tập kỹ thuật số. Với câu hỏi nghiên cứu "Làm thế nào để xây dựng không gian học tập kỹ thuật số chung trong giáo dục đại học?", nhóm tác giả phân tích theo hai hướng số hóa trong giáo dục đại học: số hóa giáo dục và số hóa các môn học. Nhóm nghiên cứu gọi đây là "số hóa kép" (dual digitalization), vốn là rào cản cho quá trình chuyển đổi số của ngành và gây khó khăn cho việc phát triển không gian học tập kỹ thuật số chung.
Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Oslo (Na Uy). Nghiên cứu xác định được 3 lực lượng cơ bản của không gian học tập kĩ thuật số như sau:
Thứ nhất, sự liên kết giữa giáo dục kĩ thuật số và các môn học kĩ thuật số đã cung cấp nền tảng kĩ thuật. Nghiên cứu phân tích quá trình này như một cơ sở hạ tầng kĩ thuật số đang phát triển - nơi các yếu tố kĩ thuật và xã hội tương tác, tích hợp. Sự phát triển là sự kết hợp của các quy trình “từ dưới lên”, trong đó các chủ thể dần dần được số hóa bởi các tác nhân nội bộ và các quy trình “từ trên xuống” trong đó các nhu cầu chiến lược và hậu cần được phục vụ bằng các giải pháp chung và lớn hơn.
Thứ hai, không gian học tập kĩ thuật số được triển khai, khai thác bằng cách xác định lại vai trò giữa học sinh và giáo viên, cho phép thực hiện các hình thức học tập mới và chuyên sâu hơn. Với rất nhiều tài nguyên kĩ thuật số trong tay, nhiệm vụ của người dạy sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ người học sử dụng các tài nguyên nhiều hơn cũng như giám sát các hoạt động và kết quả.
Thứ ba, không gian học tập kĩ thuật số cho phép các trường đại học vượt qua biên giới vật lí và thể chế, đồng thời tham gia tương tác với xã hội rộng lớn hơn. Về mặt tổ chức, không chỉ có một không gian học tập kĩ thuật số mà có rất nhiều không gian và chúng giao thoa với các không gian vật lí khác và kết hợp. Các không gian học tập kĩ thuật số cho phép các hình thức phát triển kiến thức mới, bao gồm cả các tác nhân mới bên ngoài tổ chức học thuật.
Ba sự phát triển trên, bao gồm cả tốc độ phát triển của chúng, cùng cho thấy rằng giáo dục đại học đã bắt đầu một quá trình chuyển đổi số hoàn toàn.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Bygstad, B., Øvrelid, E., Ludvigsen, S., & Dæhlen, M. (2022). From dual digitalization to digital learning space: Exploring the digital transformation of higher education. Computers & Education, 182, 104463.