Trong quá trình giáo dục, học sinh gặp khó khăn về nhận thức do tính phức tạp, cần thiết của tư duy và khái niệm trừu tượng. Thực tế ảo (Virtual Reality; VR) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy, cung cấp một cách tiếp thu thông tin thú vị và hấp dẫn cho học sinh.
Có rất nhiều lợi ích đã được chứng minh khi sử dụng công nghệ VR trong giáo dục. Trước hết, VR cung cấp hình ảnh trực quan vượt trội, điều mà lớp học truyền thống không thể có được. Nó phản ánh một thế giới mà thế hệ trẻ cảm thấy thoải mái. Nó mang tính hòa nhập, cho phép mọi người ở mọi nơi, bất kể hoàn cảnh đều có thể tham gia vào quá trình giáo dục. VR cho phép truy cập hầu như không giới hạn vào các thông tin, tài liệu, sách hoặc bài báo. Công nghệ hiện đại được sử dụng trong lớp học làm tăng sự tương tác, kích thích sự hợp tác và tham gia. Nó được sử dụng để học tập kết hợp đạt hiệu quả cao, khuyến khích việc tự học và theo đuổi kiến thức của cá nhân.
Việc sử dụng công nghệ hiện đại trong môi trường giáo dục tuy có lợi nhưng không phải là không có rủi ro. Một trong những vấn đề chính là thiếu tính linh hoạt. Trong các lớp học truyền thống, học sinh có thể đặt câu hỏi, nhận được câu trả lời và tham gia thảo luận. Việc sử dụng công nghệ VR yêu cầu học sinh sử dụng tai nghe thực tế ảo với phần mềm cụ thể, học sinh phải tuân thủ nội quy và không được làm gì khác ngoài những việc được yêu cầu. Một số nhà giáo dục có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, dẫn đến thiếu sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Giáo viên cũng là người sàng lọc và điều tiết tự nhiên thông tin mà học sinh thu được, điều này hoàn toàn cần thiết để đánh giá tính hợp lệ và mức độ liên quan của dữ liệu thu được. Hơn nữa, việc tập trung quá nhiều vào các giải pháp giáo dục chuyển đổi số có thể làm mất sự cân bằng giữa việc dạy kỹ năng cứng (hard skills) và kỹ năng mềm (soft skills).
Trong bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ, Internet khắp mọi nơi và truy cập ngay vào hầu hết thông tin hoặc dữ liệu mong muốn, có thể là âm nhạc, video hoặc nội dung. Giáo dục Thế hệ Z là một thách thức, đòi hỏi các học giả, nhà giáo dục và giáo viên có một cách tiếp cận hoàn toàn khác để tối đa hóa hiệu quả và sự tương tác giữa con người với nhau.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Kamińska, D., Sapiński, T., Wiak, S., Tikk, T., Haamer, R. E., Avots, E., ... & Anbarjafari, G. (2019). Virtual reality and its applications in education: Survey. Information, 10(10), 318.