Thông qua cách tiếp cận theo phương pháp hỗn hợp tuần tự (sequential mixed-method), nhóm nghiên cứu đã khảo sát 85 người đứng đầu các trường đại học ở 24 quốc gia. Đây có thể là những cá nhân có năng lực ra quyết định cấp cao trong các cơ sở giáo dục đại học như: Hiệu trưởng, trưởng khoa, giám đốc học tập kỹ thuật số hoặc những người trong các tổ chức hợp tác chặt chẽ với các trường đại học. Việc lựa chọn đối tượng này giúp các nhà nghiên cứu nắm bắt được quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra trong các tổ chức từ góc nhìn toàn cảnh cũng như theo dõi các xu hướng số hóa trên các hệ thống giáo dục đại học.
Nguồn: Sưu tầm
Sau khi tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu đã xác định được nhiều yếu tố chồng chéo. Thoạt nhìn, giáo dục kỹ thuật số có thể mang lại những cơ hội mới cho sinh viên chẳng hạn như cung cấp trải nghiệm học tập cá nhân hóa và cách nó tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên phi truyền thống. Tuy nhiên, các phát hiện cũng cho thấy nhiều ví dụ về khoảng cách kỹ thuật số giữa sinh viên, trong đội ngũ giảng viên và giữa các cơ sở, đồng thời nêu bật những bất bình đẳng sâu xa ở cấp độ cá nhân, tổ chức và hệ thống. Những mâu thuẫn trong sự hứa hẹn và thực tế của giáo dục kỹ thuật số phần lớn đã được những người tham gia khảo sát thừa nhận và họ cũng đã tìm cách giải quyết bằng cách chuyển sang các giải pháp sáng tạo hơn để nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu nguồn lực kỹ thuật trong sinh viên và nhân viên của họ.
Từ kết quả trên, nhóm nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ giải quyết một số hạn chế trong lĩnh vực này. Trước tiên, các nhà giáo dục cần phải nhận thức và giải quyết những bất bình đẳng trong việc tham gia vào học tập kỹ thuật số. Thứ hai, các trường học cần trang bị nhiều kiến thức về công nghệ số hóa nhằm đào tạo cho các giảng viên. Cuối cùng, các trường đại học cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ và cách tiếp cận mang tính toàn diện để công nghệ giáo dục (edtech) được áp dụng một cách phù hợp hơn trong thực tiễn.
Hồng Anh lược dịch
Nguồn: Melissa L., Anne L., Bronwen D., Paola P. de B., Benedikt F., Christian K. & Friedrich H. (2021), Digital higher education: a divider or bridge builder? Leadership perspectives on edtech in a COVID-19 reality. https://doi.org/10.1186/s41239-021-00287-6