Trong một thế giới ngày càng số hóa và tự động hóa, các tổ chức giáo dục trên toàn thế giới đã công nhận tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng và có giá trị trong thế kỷ 21. Nó trang bị cho học sinh khả năng phê bình và sàng lọc lượng lớn thông tin, đồng thời phân tích các vấn đề độc đáo để tạo ra các giải pháp mới.
Ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Indonesia, tư duy phản biện được đưa vào chính sách. Chẳng hạn, chương trình giảng dạy mới nhất của Indonesia, được đặt tên là “Kurikulum Merdeka” nhấn mạnh vào việc học tập được cá nhân hóa, tuyên bố rõ ràng rằng tư duy phản biện là phẩm chất thiết yếu đối với học sinh. Một trong những chính sách đầu tiên của Indonesia bắt buộc giáo viên Indonesia phải đưa tư duy phản biện vào lớp học của họ đã được ban hành vào năm 2010 - hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, bất chấp sự tồn tại của các chính sách như vậy, nghiên cứu của hai tác giả Maya Defianty và Kate Wilson cho thấy nhiều giáo viên Indonesia mặc dù nhận thức cao về tư duy phản biện nhưng khi dạy kỹ năng này, giáo viên vẫn rơi vào những thói quen cũ đã "ăn sâu" vào nền giáo dục Indonesia. Điều này bao gồm văn hóa học thuộc lòng (dựa chủ yếu vào việc ghi nhớ thông tin) và dạy để thi. Trong bài kiểm tra Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế năm (PISA) năm 2018, Indonesia xếp hạng 10 nước có điểm thấp nhất trong số gần 80 quốc gia tham gia. Học sinh đạt điểm rất thấp ở các chỉ số liên quan đến tư duy phản biện - cụ thể là khả năng đọc viết và tính toán.
Những thói quen khó thay đổi
Một lý do cho vấn đề này nằm ở cách những câu hỏi mà giáo viên Indonesia đặt ra trong lớp học. Trong nghiên cứu về các lớp học tiếng Anh tại một số trường trung học Indonesia, nhóm tác giả nhận thấy rằng thay vì khuyến khích học sinh tư duy và đưa ra phản hồi, giáo viên lại tuân thủ nghiêm ngặt mô hình giảng dạy I-R-E (Initiate-Respond-Evaluate/tạm dịch: bắt đầu-phản hồi-đánh giá). Nói cách khác, giáo viên chỉ đơn thuần “đặt câu hỏi” cho học sinh và cho học sinh biết biết rằng câu trả lời có đúng hay không.
Tâm lý giảng dạy này vẫn còn phổ biến ở Indonesia. Đã từ lâu, giáo viên được kỳ vọng sẽ là người giúp học sinh trang bị kiến thức nhằm tham gia các kỳ thi quan trọng, phần lớn là trắc nghiệm, chẳng hạn như Kỳ thi Quốc gia (Ujian Nasional). Mặc dù, Bộ giáo dục Indonesia đã dừng các kỳ thi này - lần đầu tiên vào năm 1965 - năm 2020, nhưng tác động 55 năm của chúng vẫn còn ảnh hưởng tới các giáo viên. Ví dụ, ngoài việc đưa ra các mục tiêu học tập về tư duy phản biện, chính phủ còn thiết lập một phương pháp đánh giá mới giống như PISA để thay thế các kỳ thi cũ. Những bài kiểm tra được đưa ra sử dụng để đo lường và đánh giá tiến bộ học tập của học sinh trên toàn quốc.
Đáp lại, các giáo viên vẫn tập trung vào việc đảm bảo học sinh có thể vượt qua các tiêu chuẩn đánh giá mới này với điểm số cao. Các phương pháp đánh giá đã thay đổi, nhưng tâm lý kiểm tra vẫn còn. Nỗi ám ảnh về điểm số và câu trả lời đúng không phù hợp với dạy tư duy phản biện, đòi hỏi học sinh phải áp dụng, phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp cho các vấn đề. Đồng thời, nghiên cứu chỉ ra một phát hiện khác rằng giáo viên thường bỏ lỡ các cơ hội để thúc đẩy tư duy phản biện trong hoạt động đặt câu hỏi của họ. Khi giáo viên mắc kẹt trong mô hình I-R-E này, sau khi đánh giá câu trả lời của học sinh, họ nhanh chóng chuyển sang câu hỏi tiếp theo thay vì cho phép thảo luận sâu hơn và phong phú hơn. Điều này cũng ngăn cản học sinh đặt câu hỏi và coi học sinh là người tiếp nhận kiến thức thụ động. Vì học sinh hoàn toàn nhận thức được giáo viên sẽ đánh giá câu trả lời của mình nên học sinh cảm thấy không thoải mái khi tham gia vào các hoạt động trong lớp học.
Không thể chỉ đổ lỗi cho giáo viên
Mặc dù chính phủ Indonesia đã coi tư duy phản biện là mục tiêu học tập cho học sinh, nhưng dấu vết của tâm lý thi cử vẫn còn rõ ràng trong các chính sách giáo dục gần đây nhằm bồi dưỡng kỹ năng này. Trong chương trình giảng dạy hiện tại, giáo viên có nhiệm vụ thiết kế các bộ câu hỏi để thu hút học sinh nhận thức phân tích – thường được các giáo viên gọi là “Kỹ năng tư duy bậc cao”. Nhưng mục tiêu vẫn là đánh giá (chứ không phải dạy) học sinh.
Các nhà hoạch định chính sách của Indonesia dường như nghĩ rằng việc thúc đẩy tư duy phản biện chỉ có nghĩa là mở rộng các câu hỏi dạng bài kiểm tra cổ điển ngoài khả năng ghi nhớ cơ bản các sự kiện và số liệu, sang các câu hỏi kiểm tra phức tạp hơn một chút. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy kiểu suy nghĩ này phổ biến trong các hệ thống giáo dục dựa trên kết quả như Indonesia.
Làm thế nào để cải thiện giảng dạy tư duy phản biện?
Cần phải hiểu rõ hơn về tư duy phản biện – một tư duy yêu cầu học sinh xem xét giữa các lựa chọn, tìm giải pháp cho vấn đề và có thể giải thích lý do của mình. Nhưng để điều này phát triển, môi trường học tập an toàn và đem lại sự khuyến khích là điều cần thiết. Học sinh cần có cơ hội để bày tỏ ý tưởng và nói lên quan điểm cũng như mối quan tâm của mình. Học sinh phải tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở và trao đổi với nhau và với giáo viên của họ.
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả hợp tác với một số giáo viên được chọn ở Tây Java, Indonesia để thử nghiệm phương pháp học tập dựa trên dự án. Chẳng hạn, một lớp học đã cho học sinh thảo luận và phản ánh về một số vấn đề xã hội để chuẩn bị cho một dự án podcast. Thông qua làm việc theo nhóm và làm việc tích cực với bạn bè, học sinh trở thành trung tâm, giáo viên không còn là tâm điểm của lớp học. Học sinh chủ động nghiên cứu các vấn đề và phát triển các podcast của riêng mình để phản ánh nghiêm túc về nguyên nhân và tác động của các vấn đề xã hội đã chọn và đưa ra các giải pháp hợp lý. Cách giảng dạy truyền thống "lấy giáo viên làm trung tâm" khiến cho việc quản lý lớp trở nên dễ dàng hơn nhưng tư duy phản biện cần một môi trường học tập dân chủ và toàn diện.
Việc dừng vĩnh viễn các Kỳ thi Quốc gia vào năm 2020 là một cột mốc quan trọng, hy vọng sẽ là bước khởi đầu để chấm dứt văn hóa thi cử phổ biến trong giáo dục Indonesia. Giờ đây, giáo viên cần phát triển các kế hoạch dạy học mới nhằm thu hút học sinh với tư duy phản biện.
Huyền Đức lược dịch
Nguồn: Maya Defianty, Kate Wilson (March 20, 2023). Old habits die hard: why teachers in Indonesia still struggle to teach critical thinking. The Conversation. https://theconversation.com/old-habits-die-hard-why-teachers-in-indonesia-still-struggle-to-teach-critical-thinking-197459