Cảm xúc đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành và giải thích một trải nghiệm, và do đó, cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến năng lực sư phạm của một người. Năng lực sư phạm là một khía cạnh chuyên môn của giảng viên đại học, được coi là một hiện tượng mang tính trải nghiệm. Nghiên cứu trong bối cảnh giảng dạy đại học chủ yếu tiếp cận cảm xúc từ góc độ tâm lý học của giảng viên, trong đó cảm xúc được coi là riêng tư, nội tại của mỗi cá nhân và cần được điều chỉnh bởi chính cá nhân đó.
Đối tượng tham gia nghiên cứu này là 9 giảng viên đại học thuộc nhóm 43 giảng viên tham gia dự án phát triển giáo dục tiến hành một cuộc phỏng vấn. Những người được phỏng vấn đại diện cho các nền tảng chuyên môn khác nhau (khoa học sức khỏe và y học, khoa học sinh học và môi trường, khoa học và các chuyên ngành đại học khác) trong việc giảng dạy sinh viên đại học. Các giảng viên được hỏi các câu hỏi liên quan đến kinh nghiệm của giảng viên với tư cách là giảng viên đại học, suy nghĩ của họ về việc giảng dạy, vai trò của bạn bè và đồng nghiệp trong việc giảng dạy, phát triển hoạt động giảng dạy của họ và với tư cách là một giảng viên, các loại cảm xúc mà các giảng viên thường gặp phải trong quá trình giảng dạy và cách xử lý những cảm xúc này trong cộng đồng giảng dạy của giảng viên.
Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy các giảng viên đại học đã trải qua những cảm xúc tích cực, tiêu cực lẫn lộn liên quan đến việc giảng dạy và những cảm xúc này ảnh hưởng đến cách họ trải nghiệm bản thân với tư cách là giảng viên cũng như năng lực sư phạm của họ. Ngoài ra, phản ánh xã hội, cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc liên quan đến giảng dạy, có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp phát triển vai trò của một giảng viên đại học.
Các tổ chức giáo dục đại học nên tạo ra những môi trường nơi khuyến khích sự phản ánh và thảo luận xã hội, đồng thời mang lại cơ hội chia sẻ những cảm xúc liên quan đến việc giảng dạy và quan điểm về nghề dạy cho giảng viên. Việc suy ngẫm về cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực của một giảng viên. Hơn nữa, các dự án phát triển giáo dục nên tập trung vào việc thiết lập và hỗ trợ các nhóm giảng viên nhằm mang lại khả năng hợp tác đa ngành từ đó kiến tạo sân chơi cho các giảng viên phát triển, chẳng hạn như tổ chức các cuộc hội thảo hợp tác trong việc áp dụng các quan điểm sư phạm vào thực tiễn giảng dạy trong các khoa khác nhau. Các khóa học sư phạm và các dự án phát triển giáo dục có thể thu hút nhiều giảng viên ở đa dạng các lĩnh vực, vì vậy, nên sử dụng bối cảnh và phương pháp linh hoạt để tạo điều kiện cho sự phát huy nâng cao năng lực của giảng viên đại học.
Hồng Anh lược dịch
Nguồn: Pekkarinen, V., Hirsto, L., & Nevgi, A. (2023). Emotions and social reflection in being and developing as a university teacher. Cogent Education, 10(1). https://doi.org/10.1080/2331186X.2023.2169435