Nguồn: sưu tầm
Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu cách các quốc gia phát triển và vận dụng công cụ trí tuệ nhân tạo này khác nhau như thế nào nhằm có được cái nhìn sâu sắc hơn về một số yếu tố quan trọng của quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, cung cấp những phân tích theo ngữ cảnh và so sánh những điểm tương đồng và khác biệt trong giáo dục AI giữa các quốc gia Canada, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Nghiên cứu coi hệ tư tưởng là bối cảnh trung tâm và phát triển nguồn nhân lực là lý thuyết quan trọng trong việc phân tích sự khác biệt và tương đồng.
Theo bài báo, các hệ tư tưởng chính trị tác động đáng kể đến các khía cạnh khác nhau trong việc quản lý giáo dục về AI, bao gồm chính sách đầu tư, phương pháp sư phạm và phát triển chương trình giảng dạy. Bài viết cũng cho thấy phát triển nguồn nhân lực là động lực quan trọng của đầu tư vào giáo dục AI. Từ các kết quả trong nghiên cứu, bốn phát hiện chính được thể hiện:
Thứ nhất, Canada tụt hậu về giáo dục AI K-12. Hệ thống giáo dục K-12 (Kindergarten through Twelve - cấp học từ mầm non cho đến khối 12) của Canada đang tụt hậu so với Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc cung cấp giáo dục AI cho sinh viên. Nguyên nhân đến từ việc tài liệu nghiên cứu còn hạn chế và thiếu các nhà nghiên cứu chuyên ngành về giáo dục AI K-12. Ngoài ra, cơ hội đào tạo giáo viên tại chức và trước khi làm việc còn hạn chế càng thể hiện rõ vấn đề này. Hơn nữa, việc thiếu các chương trình giảng dạy và sách giáo khoa AI được chính phủ phê duyệt, các khóa học AI bắt buộc ở các trường K-12 và các khuôn khổ AI có ảnh hưởng càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Những bất cập này cho thấy nhu cầu cấp thiết của Canada trong việc đầu tư vào giáo dục AI K-12 để trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết hướng tới sự thành công trong việc tạo ra lực lượng lao động tương lai trong thời đại công nghệ.
Thứ hai, Trung Quốc cam kết chắc chắn phát triển tài năng AI trong tương lai bằng cách thúc đẩy giáo dục AI K-12. Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để phát triển tài năng AI của giới trẻ, thể hiện cam kết của mình đối với mục tiêu này. Đầu tiên, chính phủ đã thành lập các viện giáo dục AI như Viện học tập thông minh tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Viện Giáo dục AI Thượng Hải tại Đại học Sư phạm Hoa Đông. Thứ hai, các cơ sở đào tạo AI cho thanh niên đã được thành lập trên toàn quốc nhằm tạo cơ hội cho thanh niên phát triển kỹ năng AI của mình. Thứ ba, AI đã được đưa vào chương trình giảng dạy, giúp học sinh được học về AI ngay từ khi còn nhỏ. Thứ tư, Chính phủ Trung Quốc đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về AI và Giáo dục với UNESCO. Những nỗ lực này nhìn chung đã thể hiện rõ sự cống hiến của chính phủ Trung Quốc trong việc bồi dưỡng thế hệ tài năng AI tiếp theo.
Thứ ba, Hoa Kỳ dẫn đầu chương trình giáo dục AI K-12 với các kỹ thuật học tập, sáng kiến và phát triển chương trình giảng dạy kiến thức AI hiệu quả. Một số tổ chức đang đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục AI K-12 ở Hoa Kỳ, bao gồm MIT, AI4k12 và các công ty công nghệ lớn. MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) đã phát triển một số chương trình nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về đạo đức AI, chẳng hạn như chương trình RAISE, ngày AI và chương trình giảng dạy AI+Đạo đức. Các công ty công nghệ lớn như Google và Microsoft cũng đang đóng góp cho giáo dục AI K-12 thông qua nhiều chương trình, kỹ thuật học tập AI và sáng kiến khác nhau. Những kế hoạch này của các nhà lãnh đạo ngành đã chứng minh tầm quan trọng của giáo dục AI ở K-12 và vai trò của nó trong việc phát triển thế hệ tài năng AI tiếp theo.
Thứ tư, Giáo dục AI, đặc biệt là giáo dục AI K-12 của nhiều nước trên thế giới tụt hậu so với nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ AI đã vượt xa trình độ giáo dục và đào tạo cần thiết để sử dụng nó một cách hiệu quả. Trong khi nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI có tiến bộ nhanh chóng thì giáo dục AI, đặc biệt là giáo dục AI K-12, lại không theo kịp. Nhiều trường học vẫn thiếu chương trình giảng dạy AI chính thức và hầu hết giáo viên ít hoặc không được đào tạo về cách dạy các khái niệm AI cho học sinh. Ngoài ra, nguồn lực hạn chế và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục AI đã khiến các trường học khó theo kịp tốc độ tiến bộ công nghệ. Do đó, học sinh không được trang bị đủ kiến thức về AI, điều này có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm trong tương lai và khả năng đóng góp cho sự phát triển và ứng dụng AI của họ. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải ưu tiên phát triển và triển khai các chương trình giáo dục AI để thu hẹp khoảng cách này và đảm bảo rằng các thế hệ tương lai được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để phát triển trong thời đại AI.
Hồng Anh lược dịch
Nguồn: Guangbiao Pu (2024). AI Education - A Contextual Comparison of China and the United States by PaulPu. 10.13140/RG.2.2.19941.78566