Phát triển một trường đại học đạt chuẩn quốc tế là một quá trình tốn rất nhiều thời gian – có thể từ hàng chục đến hàng trăm năm – cùng nhiều nỗ lực đáng kể. Một trong những yếu tố then chốt giúp đưa một trường đại học lên tới đẳng cấp quốc tế là văn hoá chia sẻ tri thức, thông qua đó tri thức được cung cấp miễn phí và cho phép các nhà khoa học khác hoặc công chúng có thể tiếp cận. Trong đó, các học giả đóng vai trò cốt lõi trong các sáng kiến quản trị tri thức của các trường đại học. Tại Malaysia, các trường đại học được chia làm ba nhóm chính, trong đó các đại học nghiên cứu nhận được sự quan tâm của các chương trình tài trợ, các quỹ đầu tư, so với các trường đại học không chuyên về nghiên cứu. Do đó, vấn đề đặt ra là cần thiết lập một quy trình chia sẻ tri thức giữa hai nhóm trường đại học này. Nghiên cứu này phân tích chuyên sâu về hành vi chia sẻ tri thức và các tiền đề có liên quan trên cơ sở lý thuyết hành vi hoạch định mở rộng (TPB).
Malaysia có 5 đại học nghiên cứu và 15 đại học không chuyên về nghiên cứu. Dữ liệu được thu thập từ cách lấy mẫu tỉ lệ (quota sampling). Tỉ lệ được chọn để lấy mẫu là 20:30:50 với các nhóm lần lượt là giáo sư, phó giáo sư và giảng viên kì cựu. Bảng hỏi được phân phối trực tuyến tới 20 trường đại học công lập nói trên. Các câu hỏi được thiết kế theo thang Likert 7 điểm. Dữl iệu được xử lí bằng phần mềm IBM SPSS Statistics phiên bản 22. Bên cạnh đó, phần mềm SmartPLS 3.2.8 được sử dụng để thực hiện mô hình cấu trúc bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM), nhằm kiểm tra quan hệ giữa các biến. Tổng cộng có 458 học giả tại các trường đại học tham gia cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong mẫu đại diện cho các trường đại học nghiên cứu, sự cam kết và quy chuẩn chủ quan (subjective norm) không có tác động đáng kể về mặt thống kê lần lượt đối với các yếu tố thái độ và ý định của nhà khoa học. Trong khi đó, điều này lại được thể hiện khá rõ nét ở nhóm các trường đại học không chuyên về nghiên cứu. Công trình này có đóng góp đối với khía cạnh quản trị tri thức của các nhà khoa học và đưa ra so sánh giữa đội ngũ nghiên cứu của hai nhóm trường đại học chuyên và không chuyên về nghiên cứu. Hàm ý chính sách của công trình này cho rằng cần triển khai các kế hoạch để các nhà khoa học của cả nhóm trường nghiên cứu và không chuyên nghiên cứu chia sẻ tri thức cho nhau một cách tự nguyện và chân thành, nhằm cùng hướng đến mục tiêu cải thiện vị thế của nền giáo dục đại học quốc gia trên trường quốc tế. Ngoài ra, việc tăng cường hành vi chia sẻ tri thức giữa các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á sẽ mang đến nhiều hàm ý cho nền giáo dục đại học cũng như hướng tới thể chế hoá mục tiêu giáo dục tinh hoa.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Fauzi, M. (2021). Research vs. non-research universities: knowledge sharing and research engagement among academicians. Asia Pacific Education Review, 24(1), 25–39. https://doi.org/10.1007/s12564-021-09719-4