Khả năng giao tiếp có nhận thức (cognitive communicative ability) bao gồm sự chú ý, từ vựng, nhận dạng các mẫu ngôn ngữ, truy xuất và lưu trữ thông tin trong trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn bên cạnh kiến thức về thế giới, văn hóa và cảm xúc. Bên cạnh đó, phương thức trình bày chẳng hạn như thính giác, thị giác hoặc kết hợp cả thính giác thị giác, có xu hướng ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ ở trẻ em.
Nhóm nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang để điều tra sự khác biệt về phương thức cụ thể trong khả năng ghi nhớ của trẻ mẫu giáo bằng cách sử dụng câu chuyện và sự kích thích kể chuyện (story stimulus). Đối tượng tham gia gồm có 20 trẻ em đang phát triển bình thường trong độ tuổi từ 3,6 đến 5,5. Trong giai đoạn nghiên cứu, các em được nghe một câu chuyện có tựa đề “Một ngày ở nhà ông bà” được thiết kế có 3 hình minh họa cùng với nội dung hấp dẫn và thú vị. Câu chuyện được chia thành ba phần, với nhiệm vụ dành cho các trẻ là nhớ lại và trả lời câu hỏi sau khi được nghe kể theo từng phần. Các phần của câu chuyện xoay quanh các chủ đề cụ thể của câu chuyện và các yếu tố nổi bật được trình bày qua các phương thức thính giác (Tường thuật), thị giác (Minh họa) và thính giác-thị giác (Tường thuật & minh họa).
Các phát hiện của nghiên cứu cho thấy khả năng ghi nhớ ở trẻ mẫu giáo phụ thuộc vào phương thức trình bày nội dung câu chuyện với sự ưu tiên về thính giác-thị giác hơn là phương thức thị giác và thính giác. Xu hướng này tương tự ở cả trẻ mẫu giáo nhỡ và lớn hơn dù khả năng ghi nhớ được cải thiện theo độ tuổi. Nghiên cứu cũng đưa ra cơ sở để khám phá những khác biệt về phương thức liên quan đến tuổi tác trong khả năng nhớ lại. Có thể thấy, phương thức trình bày ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của các học sinh mầm non nên các giáo viên cần hiểu được vai trò của nó trong việc lập kế hoạch và thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Hồng Anh lược dịch
Nguồn: Aparna P., Gagan B., Malavika A. A. & Jayashree S. B. (2023) Do preschool children have modality specific recall abilities? - A cross-sectional pilot study. https://doi.org/10.1080/2331186X.2022.2083519