Một chương trình, nhiều sách giáo khoa
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản với tổng số lượng xuất bản là 194 triệu bản sách, có sự tham gia của 6 nhà xuất bản, 6 tổ chức biên soạn. Năm học 2020-2021 có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đến nay có 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều.
Việc biên soạn sách giáo khoa đã huy động được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có trình độ, uy tín, kinh nghiệm với 1.574 tác giả cho 6 khối lớp. Trong đó lớp 1 có 221 tác giả, lớp 2 có 199 tác giả, lớp 3 có 234 tác giả, lopws 4 có 287 tác giả. Việc thẩm định, phê duyệt sách được Hồi đồng Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thẩm định có lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia sư phạm, giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các trường phổ thông.
Hệ thống sách giáo khoa phong phú, đa dạng đã tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên lựa chọn các bộ sách phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức của học sinh thay vì cả nước dùng chung một bộ sách như trước đây.
Theo cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), việc đa dạng sách giáo khoa đã giúp giáo viên có thêm tài liệu dạy học phong phú hơn. Dù các trường chỉ chọn một bộ sách để dạy nhưng giáo viên có thể tham khảo thêm các sách giáo khoa khác để làm “giàu” thêm cho bài giảng của mình, lựa chọn những nội dung phù hợp với bài giảng.
Nhận định về chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và 9 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là bước đi đúng và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tích cực. Chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa giúp tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, các nhà giáo để soạn thảo các sách giáo khoa phục vụ cho cải cách giáo dục đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.
Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng khẳng định “nội dung và chất lượng sách giáo khoa các môn học được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đáp ứng yêu cầu, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, cơ bản đáp ứng tinh thần đổi mới theo định hướng chuyển nền giáo dục năng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực của mỗi học sinh. Học sinh có thể tự đọc và tự học một phần kiến thức nội dung mới”. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, đánh giá này là sự ghi nhận những cố gắng đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.
Vẫn nhiều thách thức
Dù đã thành công bước đầu khi đã có ba bộ sách khác nhau cho học sinh, giáo viên, địa phương lựa chọn, nhưng việc xã hội hóa sách giáo khoa vẫn còn nhiều thách thức. Đó là tình trạng sách giáo khoa sau khi được biên soạn, thẩm định nhưng vẫn còn có “sạn”, gây bức xúc trong dư luận và phải tiến hành chỉnh sửa. Đội ngũ tác giả biên soạn được huy động nhiều nhưng số lượng tác giả có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở trường phổ thông còn hạn chế, nhiều người lần đầu tham gia viết sách giáo khoa.
Việc giá sách giáo khoa cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế hạn chế. Bên cạnh đó là việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo quyền chọn sách thực sự của giáo viên cũng là vấn đề được dư luận đặt ra.
Bên cạnh đó là việc chậm biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, chậm trong thẩm định và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, gây lúng túng cho các nhà trường, ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục…
Tuy nhiên, theo ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, do đây là lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa nên những lúng túng là khó tránh. “Ban đầu bao giờ cũng có những trục trặc, chệch choạc nhất định. Chệch choạc cái gì chúng ta sửa cái đó”, ông Nghĩa nói.
Trên thực tế, trước những tồn tại trong vấn đề xã hội hóa sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời có những điều chỉnh như yêu cầu các nhà xuất bản rà soát, chỉnh sửa các “sạn” trong ngữ liệu, nội dung của sách giáo khoa. Bộ cũng ban hành Thông tư 05/2022 để điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 33/2017 về thẩm định sách giáo khoa. Mới đây, Bộ cũng đã sửa đổi quy định về việc chọn sách giáo khoa theo hướng trao quyền chọn sách cho các nhà trường, các trường được lập hội đồng chọn sách thay vì ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng khi xã hội hóa, đơn vị biên soạn và nhà xuất bản không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên giá sách giáo khoa tăng so với giá sách giáo khoa chương trình cũ là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, sách giáo khoa mới cũng có chất lượng giấy và chất lượng in ấn tốt hơn nên chi phí cao hơn.
Tuy nhiên, để kiểm soát giá sách giáo khoa, đảm bảo lợi ích người học và giá sách phù hợp với khả năng kinh tế của người dân, nghị quyết của kì họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật giá.
Thái Bình