Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, giáo dục STEM là phương pháp giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Việc tổ chức giáo dục STEM có thể theo các bài học tích hợp liên môn hay các hoạt động trải nghiệm STEM thông qua các câu lạc bộ, ngày hội STEM… “Đây là một trong những cách thức để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, kĩ năng cho học sinh”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Thổi luồng gió mới
Thay vì giảng lí thuyết đơn thuần, để dạy học sinh về tính dẫn nhiệt của vật chất, cô Nguyễn Lan Phương, Trường Tiểu học A (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã đề nghị học sinh tự sáng chế bình giữ nhiệt từ vật liệu quen thuộc xung quanh như xốp, bìa carton, vỏ trấu, giấy báo… Cô chia học sinh thành các nhóm, đặt tên cho từng nhóm, mỗi nhóm tự lên ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm. Qua việc thử nghiệm đựng nước nóng vào các bình và kiểm tra nhiệt độ, học sinh đã có thể hiểu được tính chất dẫn nhiệt và khả năng dẫn nhiệt khác nhau của các vật chất khác nhau.
Cô Phương cho hay học sinh rất hào hứng khi được sáng tạo. Các em cũng thích thú khi có thể tự khám phá ra kiến thức mới. Phương pháp dạy STEM không chỉ giúp các em hiểu bài hơn, nhớ lâu hơn mà còn rèn luyện nhiều kĩ năng khác như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thuyết trình, sự khéo léo, kiên nhẫn, cẩn thận và tư duy sáng tạo.
Tại Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), trường không chỉ tổ chức các tiết học STEM mà còn tổ chức cuộc thi cho học sinh toàn trường với chủ đề phù hợp cho từng khối. “Học sinh rất hào hứng và sự hào hứng đó chứng tỏ đây là phương pháp giáo dục phù hợp khi phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, thầy cô chỉ là người hướng dẫn, gợi mở để các em có thể thực hiện tốt hơn việc tự chiếm lĩnh kiến thức”, cô Chu Thị Xuân Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai chia sẻ.
Đây cũng là nhận định của cô Huỳnh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Tiểu học Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì). Theo cô Phương Anh, khi đưa STEM vào bài giảng, những ưu điểm rất rõ nét là học sinh rất tích cực vì được thực hành, trải nghiệm, được phát hiện và giải quyết các vấn đề. Các em có cơ hội khám phá, phát huy năng lực bản thân, rèn tư duy, sự sáng tạo, bước đầu làm quen với việc nghiên cứu khoa học, kĩ thuật và năng động hơn.
Với cô Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Tiểu học Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội), phương pháp giáo dục STEM đã thổi luồng gió mới vào từng bài học, nâng cao rõ rệt chất lượng dạy và học ở cấp tiểu học.
Vượt qua rào cản
Cô Thanh Mai cho biết, khi mới tiếp cận, giáo dục STEM tưởng như khá cao siêu nhưng khi tìm hiểu kĩ thì đây là hoạt động giáo dục tích hợp liên môn, khơi gợi sự chủ động trong tư duy và thực hành của học sinh. Khi đã hiểu về bản chất, giáo viên có thể sáng tạo linh hoạt để dạy học sinh, đơn giản như khi học về đường ziczac, giáo viên có thể cho học sinh tạo hình như thành cây thông, hàng rào, kết hợp thêm cả yếu tố mỹ thuật để thành giáo dục STEAM.
Theo các giáo viên và các nhà trường, điều khó khăn nhất khi thực hiện giáo dục STEM là vấn đề cơ sở vật chất như nguyên liệu cho các bài học, phòng thực hành, thời gian dành cho một bài học cũng dài hơn so với tiết học thông thường. Để thực hiện tốt giáo dục STEM còn cần sự phối hợp của các phụ huynh trong việc giúp học sinh chuẩn bị nguyên liệu cho các bài học, hỗ trợ học sinh hoàn thành nốt sản phẩm nếu thời gian ở lớp không đủ để các em hoàn thành. Bên cạnh đó, việc giáo viên chưa được đào tạo về giáo dục STEM cũng là một thách thức lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho hay từ năm học 2023-2024, giáo dục STEM trở thành hoạt động bắt buộc trong các trường tiểu học. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể các bài học cần sự linh hoạt, sáng tạo của các nhà trường, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, từng trường. Trong hướng dẫn triển khai giáo dục STEM, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các trường sử dụng vật tư, vật liệu dễ tìm, sẵn có đối với giáo viên và học sinh. Bộ cũng khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên số bổ trợ, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm, có thể dễ dàng truy cập sử dụng trong và ngoài lớp học để giúp học sinh chủ động trong học tập.
Cũng theo Vụ trưởng Thái Văn Tài, trong giáo dục STEM, học sinh có quyền sai, có quyền làm ra những sản phẩm lỗi và nhiệm vụ của giáo viên là định hướng, gợi mở để từ những điểm sai, sản phẩm lỗi đó, các em nhận ra cái đúng, cách làm đúng, chủ động trong tiếp nhận kiến thức.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Tiểu học đề nghị các trường chú trọng việc xây dựng và thực hiện các chủ đề/bài học STEM đối với một số môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Thái Bình