Viết văn bản (hay tạo lập văn bản, sản sinh văn bản) là một trong bốn kĩ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) của con người. Viết được coi như là một trong những năng lực quan trọng nhất quyết định sự thành công trong công việc, trong học tập và trong cuộc sống của một cá nhân. Khắc phục những hạn chế về cách dạy viết trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2006, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 đã có những thay đổi về dạy học viết. Theo đó, Chương trình chú trọng phát triển bốn kĩ năng đọc, viết, nói và nghe cho HS. Trong đó, viết là năng lực đứng thứ 2, chiếm khoảng 22 - 25% thời lượng dạy học. Điều này cho thấy các nhà biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 rất coi trọng năng lực viết.
Hiện nay đang có 3 quan niệm phổ biến về giảng dạy viết: thứ nhấy là quan niệm thứ nhất tập trung vào văn bản như sản phẩm của việc viết, thứ hai là quan niệm thứ hai tập trung vào quy trình viết và thứ ba là quan niệm thứ ba tập trung vào thể loại văn bản.
Thứ nhất là, phương pháp tiếp cận theo sản phẩm. Quan niệm "viết như một sản phẩm" kết hợp ngôn ngữ học cấu trúc và lí thuyết hành vi học ngôn ngữ thứ hai. Phương pháp tiếp cận sản phẩm khuyến khích học sinh bắt chước văn bản mẫu để xây dựng bài viết mới, tập trung vào ngữ pháp, từ vựng, và cấu trúc câu. Giai đoạn của quá trình viết được chia thành nghiên cứu văn bản, viết kiểm soát, hướng dẫn viết, và sử dụng kĩ năng để tạo văn bản mới. Phương pháp này đặt trọng tâm vào chất lượng ngôn ngữ và cấu trúc câu hơn là diễn đạt ý tưởng, có thể dẫn đến việc học sinh không thể viết các đoạn văn mở rộng dù có kiến thức vững về ngữ pháp.
Thứ hai là, phương pháp tiếp cận theo quy trình. Murray (1972) nhấn mạnh rằng viết văn là một quá trình khám phá thông qua ngôn ngữ, chia quá trình này thành ba giai đoạn: trước khi viết, trong khi viết, và chỉnh sửa. Zamel (1982, 1983) nhấn mạnh viết là quá trình khám phá ý nghĩa và có tính đệ quy. Phương pháp dạy viết dựa trên quá trình tập trung vào chu kỳ hoạt động viết, từ chọn chủ đề đến chỉnh sửa văn bản. Kroll (2001) ủng hộ phương pháp tiếp cận theo quy trình, không tập trung chỉ vào sản phẩm cuối cùng mà còn vào các giai đoạn soạn thảo và nhận phản hồi. Steel (2004) chia tiến trình viết thành 8 giai đoạn, trong đó mức độ tự do của học sinh tăng trong quá trình học tập. Phương pháp tiếp cận quy trình không bỏ qua quan tâm đến sản phẩm cuối cùng, với mục tiêu đạt được những thành phẩm tốt nhất.
Thứ ba là, phương pháp tiếp cận thể loại trong việc giảng dạy viết lách coi việc viết là một hoạt động xã hội, nơi văn bản được tạo ra với mục đích xã hội cụ thể. Paltridge (2004) nhấn mạnh việc dạy các thể loại cụ thể để học sinh có thể thành công trong giao tiếp xã hội. Hyland (2003) định nghĩa thể loại là “cách sử dụng ngôn ngữ trừu tượng, được xã hội công nhận”. Swale (1990) xem thể loại như một sự kiện giao tiếp được cộng đồng diễn ngôn thừa nhận. Phương pháp này tập trung vào cách thể hiện mục đích bài viết hiệu quả và chú ý đến người đọc hơn là người viết. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến việc thiếu kĩ năng cần thiết khi viết văn bản, vì sự chú trọng chủ yếu đặt vào sản phẩm viết thay vì quá trình viết.
Dưới đây là bảng tổng hợp về đặc điểm của ba phương pháp dạy viết nói trên:
Bảng tổng hợp những đặc điểm nổi bật của các phương pháp dạy viết
Khác với Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2006, Chương trình môn Ngữ văn năm 2018 đã thay đổi từ việc tập trung vào dạy viết theo sản phẩm sang phương pháp dạy theo tiến trình, đặc biệt là yêu cầu học sinh tuân thủ quy trình viết và phản hồi sâu sắc đối với các bước tạo lập văn bản. Đồng thời kết hợp các hướng tiếp cận để đảm bảo sự linh hoạt và đạt được mục tiêu phát triển năng lực viết cho học sinh. Từ đó, bài viết này đề xuất cụ thể về phương pháp dạy viết với từng kiểu văn bản.
- Đối với các loại văn bản nhật dụng: Các loại văn bản này có yêu cầu riêng về nội dung, thể thức trình bày, thậm chí có loại văn bản phải trình bày theo mẫu. Quy trình dạy viết các loại văn bản này như sau: (1) Phân tích văn bản mẫu: giáo viên cần lựa chọn những văn bản mẫu, sau đó hướng dẫn HS đọc và phân tích văn bản mẫu, từ đó giúp HS nhận ra được những “tiêu chuẩn” đối với một biên bản, một lá đơn hay một bản tường trình; (2) Hướng dẫn HS thực hành viết: khi hướng dẫn HS thực hành viết, giáo viên có thể tiến hành tuần tự từng thao tác: + Xác định tên biên bản/đơn/báo cáo, + Hướng dẫn học viết viết phần mở đầu, + Hướng dẫn HS viết phần nội dung, + Hướng dẫn HS viết phần kết thúc; (3) Luyện tập, vận dụng: giáo viên có thể lựa chọn một số tình huống giả định và yêu cầu HS vận dụng các bước nói trên để tự viết một biên bản, một lá đơn hay một bản báo cáo.
- Đối với các loại văn bản tự sự, nghị luận, thuyết minh và một số loại văn bản thông tin: (1) Chuẩn bị trước khi viết. Bước này lại gồm các thao tác sau: Phân tích văn bản mẫu, Trả lời các câu hỏi: viết về cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì?, Tìm ý, Lập dàn ý; (2) Viết văn bản. Đây là giai đoạn biến dàn ý đã xác lập thành văn bản hoàn chỉnh. Để rèn luyện kĩ năng viết cho HS, ở bước này, giáo viên có thể cho các em luyện viết theo nhiều dạng bài tập khác nhau, chẳng hạn, viết đoạn mở bài, kết bài, viết từng đoạn trong phần thân bài...; (3) Chỉnh sửa và đánh giá bài viết.
Trên đây là một số đề xuất về việc vận dụng phương pháp dạy viết theo đặc trưng của từng kiểu văn bản. Để đạt được mục tiêu phát triển năng lực viết cho HS phổ thông, việc thay đổi về phương pháp dạy viết có vai trò tiên quyết. Do vậy, giáo viên cần áp dụng các phương pháp dạy viết linh hoạt sao cho việc dạy viết đạt hiệu quả cao nhất.
Bạn đọc muốn tìm hiểu sâu sắc hơn có thể tìm đọc tài liệu tham khảo dưới đây.
Huyền Đức
Tài liệu tham khảo
Đỗ Thị Thu Hương (2021). Quan niệm về dạy viết trên thế giới và đề xuất phương pháp dạy viết trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, 45, 59-64.