Với điểm mới này, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục bày tỏ sự phấn khởi bởi điều này vừa phù hợp với thực tiễn, vừa mang đến quyền lợi học tập cho học sinh.
Cô giáo Phan Thị Bá Tuyết, giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên, Nghệ An) cho rằng: Việc trao quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho hội đồng nhà trường, cho giáo viên là một quyết định có nhiều ưu điểm. Bởi lẽ giáo viên là người trực tiếp đứng lớp và họ hiểu học sinh của mình. Trong khi đó, nhà trường cũng hiểu được đặc điểm của nhà trường và họ sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện dạy học, cơ sở vật chất, đặc thù vùng, miền và năng lực của học trò, năng lực của giáo viên. Bên cạnh đó, khi giáo viên được tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa, giáo viên sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa sách theo đúng chương trình mình đã và đang giảng dạy. Qua đó, giúp giáo viên phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên và phù hợp với thực tế dạy học hiện nay.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trương Thị Hiền Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, quận Ba Đình (Hà Nội) nhận định: Khi giao quyền chọn SGK cho giáo viên, nhà trường, giáo viên sẽ phải vất vả hơn trong việc nghiên cứu, đánh giá để chọn lựa nhưng đó là hướng rất phù hợp. Khi đó, giáo viên sẽ phải đọc tất cả đầu sách và đánh giá, so sánh ưu, nhược điểm cũng như mục tiêu của sách này có phù hợp học sinh của khu vực hay không; với SGK đó, phụ huynh có thuận lợi để phối hợp với giáo viên trong việc đồng hành, hỗ trợ trẻ hay hay không.
Giáo viên một trường THCS tại Hà Nội cho rằng, giao quyền chọn SGK là chủ trương đúng đắn, tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế giám sát, tránh việc người đứng đầu cơ sở giáo dục can thiệp để chọn bộ sách này hoặc bộ sách khác và buộc giáo viên trong trường phải nghe theo. Thực hiện chủ trương xã hội hoá biên soạn SGK nhưng đến thời điểm này chỉ có 3 bộ sách nên có phần hạn chế sự lựa chọn của giáo viên. Nếu có thêm tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, khi đó có 4-5 bộ sách, ngữ liệu phong phú, giáo viên có thêm sách để tham khảo, lựa chọn sẽ thuận lợi hơn.
Bày tỏ đồng tình điểm mới này, theo thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: Giáo viên là người biết rõ điều kiện cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ của trường, nắm tâm lý, năng lực từng học sinh và là người tiếp cận trực tiếp các bộ SGK; vì vậy sẽ có lựa chọn phù hợp nhất. Tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chuyên môn, thành viên hội đồng, nhất là hiệu trưởng nhà trường được phát huy cao nhất, vì dự thảo quy định hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định.
Dự thảo Thông tư cũng tăng thời gian nghiên cứu, nhận xét, đánh giá từng sách và mỗi môn chỉ lựa chọn một SGK duy nhất tạo thuận lợi, thống nhất trong lựa chọn. Điều này, theo thầy Trần Văn Hân, tránh được trường hợp nhà trường đề xuất lựa chọn sách khác với SGK hội đồng của tỉnh lựa chọn, hoặc có thay đổi khi UBND phê duyệt nhiều hơn một SGK đối với môn học nào đó.
Theo cô Lê Bích Hằng - nguyên giáo viên Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội), khi trả lại quyền lựa chọn SGK về các nhà trường thì hội đồng lựa chọn SGK gồm nhà trường, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh… là người hiểu, nắm được hết những đặc thù của học sinh, phụ huynh địa phương mình từ đó sẽ có sự lựa chọn được bộ sách phù hợp cho học sinh, với con em phụ huynh tại địa phương đó. "Tôi ủng hộ việc này. Giáo viên sẽ chọn cuốn sách phù hợp với học sinh của lớp mình, trường mình để đề xuất lên tổ nhóm chuyên môn. Khi giáo viên thấy quyển nào hay, phù hợp thì giáo viên chọn; hội đồng không có quyền điều chỉnh mà sẽ lập biên bản đúng theo đúng lựa chọn của tổ chuyên môn", cô Hằng cho hay. Tuy nhiên, cũng theo cô Lê Bích Hằng để quy định này thật sự hiệu quả, Bộ GDĐT cần có tiêu chí, hướng dẫn cũng như tập huấn kỹ càng, bài bản bởi đặc thù của giáo viên tiểu học là dạy nhiều môn.
Minh Phong